Ông Lang Văn Liêm (71 tuổi) ở bản Tạ cho biết: “Từ nhỏ tôi được nghe bố, ông nội kể rằng cây lội có từ lâu đời, ít nhất 10 đời người rồi”.
Cây lội theo tiếng Thái gọi là “cỏ phạt” sừng sững giữa một vùng rộng bao la. Tương truyền, vào giữa thế kỷ 19 ở Trung Quốc nổ ra cuộc nổi dậy của Hồng Tú Toàn và lập nên Thái Bình Thiên Quốc. Sau đó thất bại, tàn quân tràn sang lánh nạn, xâm chiếm và khai thác vàng trên vùng đất Mường Quàng (Quế Phong ngày nay). Mặc dù tàn quân Thái Bình Thiên Quốc đi đến đâu đốt phá đến đó nhưng đã không những đốn chặt cây lội mà giữ lại để làm thuốc chữa bệnh.
Ông Lang Văn Liêm và nhiều người dân bản Tạ cũng cho hay, có nhiều người đến hỏi mua cây lội đại thụ nhưng không ai trong bản đồng ý bán. Bởi đây là tài sản tinh thần chung của cả 3 bản: Tạ, Thăm và Hủa Khổ. Trước đây 3 bản này là một, sau tách ra khai hoang, lập bản mới.
Hàng năm vào ngày mùng 10 tháng Bảy (âm lịch) người dân lại cùng nhau tụ họp dưới gốc cây lội. Bà con sắm lễ cúng tổ tiên, cảm ơn người tạo bản, lập mường, gửi gắm nguyện vọng với gốc cây cổ thụ linh thiêng. Có một điều khá thú vị về cây lội đại thụ này, là không biết từ bao giờ trong cộng đồng dân bản đã có quy ước: Cấm tất cả phụ nữ ở vùng khác về làm dâu trong bản đến gần gốc cây. Chỉ có đàn ông, những phụ nữ được sinh ra tại đây mới được phép đến gần cây lội. Hiện chưa có câu trả lời thỏa đáng về quy ước lạ lùng này.
Ngoài ý nghĩa tâm linh, là mốc đánh dấu từ thời dựng bản, lập mường thì cây lội còn được người dân xem như vị thuốc Nam quan trọng giúp chữa bệnh. Theo người dân lá cây được dùng làm thuốc chữa đau mắt hột, vỏ cây chữa chứng đau bụng tiêu chảy rất hữu hiệu. Và khi đến lấy lá hoặc vỏ cây về chữa bệnh, nhất thiết phải là đàn ông hoặc phụ nữ được sinh ra từ bản làng, phải xin phép tổ tiên và đọc rõ họ tên người bị bệnh và triệu chứng bệnh mới hiệu nghiệm.