Chỉ trong một câu, ông Theodore Hesburgh (1917-2015, Chủ tịch Đại học Notre Dame - Mỹ trong suốt 35 năm) đã bao quát được điều quan trọng nhất mà người cha mẹ có thể làm cho các con mình, đó chính là việc cha mẹ yêu thương nhau.
Chuyên gia tâm lý người Mỹ Gary Chapman khẳng định, hoàn toàn đúng đắn khi nói cách tốt nhất để yêu thương con của mình là yêu người sinh thành ra chúng.
Trong cuốn sách “5 ngôn ngữ tình yêu dành cho trẻ em” (NXB Trẻ), Tiến sĩ Gary Chapman cho rằng cuộc sống hôn nhân ảnh hưởng rất lớn đến cách cư xử của bạn với con cũng như cách trẻ tiếp nhận tình yêu thương đó.
Nếu bạn có một cuộc hôn nhân tốt đẹp - cả hai vợ chồng đối xử với nhau tử tế, tôn trọng và toàn vẹn - thì khi đó, bạn và người bạn đời của bạn sẽ cảm nhận được tình yêu của nhau và cùng phối hợp trong việc nuôi dạy con.
Ngược lại, nếu các bạn thường chỉ trích và không yêu thương nhau thì cả hai sẽ khó có thể nuôi dạy con tốt. Và các con của bạn - vốn rất nhạy cảm - sẽ nhanh chóng nhận ra điều đó.
Trong cuốn sách “7 thói quen tạo gia đình hạnh phúc” (NXB Trẻ), Tiến sĩ Stephen Covey, nhà giáo dục, nhà văn, nhà kinh doanh và nhà diễn giả của Mỹ cũng nhấn mạnh: “Sự vững chắc trong hôn nhân sẽ tạo nên một cảm giác an toàn trong cả gia đình. Vì mối quan hệ thiết yếu nhất trong gia đình là mối quan hệ giữa vợ chồng. Chất lượng của mối quan hệ này sẽ quyết định chất lượng của cuộc sống gia đình.”
Trong cuốn sách “Những lời khuyên tâm huyết” (NXB Phương Đông), Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 dạy rằng: “Nếu nguồn an vui tràn ngập trong gia đình, và các giá trị nhân bản được tôn trọng, thì chẳng riêng gì cha mẹ mà cả con cháu đều được sống trong bầu không khí hạnh phúc và thư giãn, và cũng biết đâu cái không khí đó sẽ còn tiếp tục tồn tại cho đến những thế hệ về sau.
Nếu cha mẹ ăn nói lễ độ với nhau, biết sống trong đạo đức, yêu thương và kính trọng lẫn nhau, biết giúp đỡ kẻ khác và quan tâm đến thế giới chung quanh, thì con cháu sau này sẽ có nhiều hy vọng biết cư xử giống như họ trong cuộc sống của chúng, và chúng sẽ hành động như những con người ý thức được trách nhiệm của mình."
Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng chỉ ra rằng, "nếu cha mẹ thường xuyên gây gổ và thóa mạ lẫn nhau, biểu lộ thành hành động tất cả những gì đến trong tâm trí họ và không hề biết kính trọng lẫn nhau, thì chẳng những họ không bao giờ biết hạnh phúc là gì mà dĩ nhiên con cái họ sẽ phải gánh chịu những hậu quả mà họ gây ra.”
Việc bố mẹ bất hòa làm ảnh hưởng nhiều mặt đến con trẻ, trong đó có khả năng học tập. Theo nhà sinh học phân tử John Media trong cuốn sách “Luật trí não” (NXB Lao động - Xã hội), sự căng thẳng ở nhà có liên quan sâu sắc tới khả năng học tốt của trẻ ở trường, khi chúng trưởng thành và đi làm. Sự căng thẳng về hôn nhân trong gia đình có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thành tích học tập của trẻ, xét trong mọi chừng mực và gần như ở bất kỳ độ tuổi nào. Đáng chú ý, khi bọn trẻ lớn lên, các tác động của những căng thẳng thời thơ ấu có thể vẫn còn.
Chắc chắn rằng duy trì hôn nhân không phải là điều dễ dàng. Nhưng nếu bố mẹ nghĩ đến sự phát triển lành mạnh của các con về nhiều mặt, thì họ sẽ biết mình cần phải làm gì. Theo chuyên gia về nghệ thuật lãnh đạo người Mỹ John C. Maxwell, “một cuộc hôn nhân thành công là cuộc hôn nhân đi từ khủng hoảng này qua khủng hoảng khác với sự gắn bó ngày càng mật thiết. Giống như bất kỳ điều gì mà bạn phải đấu tranh mới có được, hôn nhân đòi hỏi kỷ luật và sự cam kết.”
Người ta chỉ đạt được mục đích khi đặt ưu tiên cao nhất cho mục đích đó. Một khi cả hai cha mẹ đều cam kết rằng sẽ duy trì không khí gia đình hòa thuận bằng sự yêu thương, tôn trọng lẫn nhau, thì cả gia đình đều sẽ được hưởng lợi, và các con sẽ là người hạnh phúc nhất.
Theo Dantri