Điều này xuất phát từ quan điểm chơi bóng của ông thầy người Hàn, đảm bảo không thua trước khi nghĩ đến chiến thắng. Trong khi đó, điều lệ VCK U23 châu Á 2020 lại quan tâm đến thành tích đối đầu trước tiên, nếu 3 đội Jordan, UAE, Việt Nam có cùng điểm số. Nên dù Việt Nam có thắng đậm U23 Triều Tiên nhưng Jordan, UAE hòa nhau có tỷ số cũng khiến chúng ta phải rời Thái Lan.
Áp lực tấn công chưa đủ
Trước hết phải khẳng định cả U23 UAE lẫn U23 Jordan đều mạnh hơn các đội bóng Đông Nam Á rất nhiều. Việc U22 Việt Nam ghi được 24 bàn thắng sau 7 trận đấu tại SEA Games 30 không bảo đảm cho việc họ có bàn thắng trên đất Thái Lan. Nhìn Đức Chinh - vua phá lưới SEA Games 30 với hiệu suất ghi bàn 1,1 bàn/trận loay hoay trước hàng phòng thủ U23 UAE và U23 Jordan là minh chứng rõ nét nhất.
Sau 2 trận đấu, chúng ta tung ra 31 cú sút, trúng đích 4 và không có bàn thắng nào được ghi. Áp lực lớn nhất sau 180 phút của 2 trận đấu là tình huống chúng ta có 4 quả phạt góc liên tiếp trong vòng 5 phút cuối trận đấu với U23 Jordan.
Quang Hải luôn bị khóa cứng, U23 Việt Nam không có cầu thủ tổ chức tấn công. Ảnh AFC.
Việc hàng tấn công mỏng, áp lực tấn công không đủ cho hàng phòng ngự U23 UAE lẫn U23 Jordan bối rối phạm sai lầm là điều khiến cho bàn thắng chưa đến. Dường như các pha tấn công là sự xuất sắc cầm bóng của cá nhân Quang Hải, Tiến Linh hơn là những đợt tấn công có tổ chức bài bản như tại SEA Games 30 khiến cho đối phương không khó hóa giải.
Rõ ràng sau khi Trọng Hoàng, Văn Hậu, Hùng Dũng rời đội thì các cầu thủ thay thế không thay thế được. Hai bộ cánh Thanh Tịnh, Việt Anh rồi Thanh Tịnh, Tấn Tài đơn thuần chỉ đá như hậu vệ cánh trong sơ đồ 4 hậu vệ. Mẫu cầu thủ đá cánh chơi wing-back công thủ toàn diện như Trọng Hoàng, Văn Hậu hiện nay tại U23 Việt Nam chưa xuất hiện.
Nên dù chỉ cầm bóng 35% (trận gặp U23 UAE) hay 62% (trận gặp U23 Jordan) thì số lượng cầu thủ tấn công của chúng ta bao giờ cũng ít hơn đối thủ. Rất hiếm khi quân số U23 Việt Nam tấn công lại ngang bằng đối phương, nên suốt 1 trận đấu hiếm có pha dàn xếp tấn công gây cho đối phương lúng túng.
Cả 2 HLV U23 UAE lẫn U23 Jordan đều có phương án kèm chặt nhạc trưởng Quang Hải, trong khi đó Hoàng Đức lại không đủ sức cáng đáng như kỳ vọng khiến hàng tiền vệ U23 Việt Nam gần như không triển khai tấn công.
Hàng tiền vệ bị kèm chặt
Trong 2 trận đấu, ông Park đều đã xoay hết quân bài trong tay. Khi bế tắc, trận gặp U23 UAE ông rút Đức Chiến ra, dùng cặp tiền vệ trung tâm Quang Hải, Hoàng Đức. Đến trận gặp U23 Jordan ông lại cho Thanh Sơn ra nghỉ, đưa Hoàng Đức từ tiền đạo cánh về đá tiền vệ trung tâm cùng Đức Chiến.
Nhưng cả 3 phương án lắp ghép đều không khởi sắc, bởi khả năng xử lý bóng trong khoảng hẹp của các tiền vệ trung tâm đều chưa đạt yêu cầu. Khi bị 2-3 đối phương ập vào, các tiền vệ không đủ kỹ năng che chắn bóng như đàn anh Tuấn Anh trên đội tuyển nên đều chọn phương án bung dài lên. Phía trên Tiến Linh lại không đủ sức tì đè hậu vệ đối phương nên đói bóng.
Trong trận gặp U23 Jordan chúng ta có 502 đường chuyền, với độ chính xác 79% vượt trội đối phương 302 đường chuyền, tỷ lệ chính xác chỉ 69% nhưng số cơ hội chúng ta vẫn ít hơn đối phương.
Dù Việt Nam có thắng đậm U23 Triều Tiên nhưng Jordan, UAE hòa nhau có tỷ số cũng khiến chúng ta phải rời Thái Lan. Ảnh AFC
Việc thủ hòa U23 Việt Nam cũng coi như là hoàn thành nhiệm vụ kỷ luật khiến cho các cầu thủ U23 Jordan không ham tranh bóng khu vực giữa sân. Trong khi các cầu thủ U23 Việt Nam cũng không dám dồn lên cao tấn công vì đối phương thể lực dồi dào, sẵn sàng phản công bằng các đường chuyền dài.
Với nhịp độ tấn công vừa phải, không có nhiều đột biến thì có được bàn thắng vào lưới các đội bóng Tây Á chưa bao giờ là điều dễ dàng. Ông Park đã xoay gần hết quân bài chiến lược có trong tay nhưng bàn thắng vẫn chưa đến. Đó cũng là điều ông thầy Hàn Quốc từng tiên liệu nhưng vẫn phải chờ sự trưởng thành theo thời gian của các học trò.
Khi bước ra khỏi khu vực, điều đầu tiên là chúng ta phải học sự kiên nhẫn. Ngay như người Nhật, mất đến 3-4 năm chuẩn bị vẫn phải xách va ly lên đường về sớm đấy thôi.