(Baonghean) - Ngày 14/1/2015, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 52/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Vinh đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Niềm vui và vinh dự này sẽ tiếp thêm sức mạnh cho TP. Vinh đón nhận những luồng đầu tư mới, đồng thời góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về Nghệ An.
 
Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, điều kiện thiên nhiên phong phú, đa dạng, nhiều danh lam, thắng cảnh và di tích văn hoá, lịch sử. Thành phố Vinh là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh, mang “sứ mệnh” đầu tàu đưa Nghệ An trở thành một trong những tỉnh khá của cả nước; đó thực sự vừa là động lực lớn, đồng thời là một thách thức cho thành phố. 
 
Trong Quyết định số 239/2005/QĐ-TTg ngày 30/9/2005, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển Thành phố Vinh tỉnh Nghệ An trở thành Trung tâm kinh tế, văn hoá, khoa học công nghệ vùng Bắc Trung bộ với các chức năng:  Trung tâm công nghiệp, đầu tàu tăng trưởng kinh tế vùng Bắc Trung bộ, đầu mối giao thông,  Trung tâm đào tạo nhân lực khoa học - công nghệ, văn hoá, thể thao, y tế;  du lịch dịch vụ, thương mại;  thể thao;  vai trò đô thị trung tâm trong hệ thống đô thị toàn tỉnh. Bởi vậy, việc điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thành phố Vinh giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là hoàn toàn phù hợp với đường lối, chủ trương phát triển của Đảng và Chính phủ. Việc Thủ tướng Chính phủ công bố điều chỉnh quy hoạch chung TP. Vinh là một sự khẳng định mới về pháp lý, tạo niềm tin, sự phấn khởi cho toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nghệ An, góp phần đảm bảo những mục tiêu chính trị của Đảng và Chính phủ đối với khu vực Bắc Trung bộ.
 
images1136201_nga_5_tp_vinh.jpgMột góc Thành phố Vinh. Ảnh: Sỹ Minh
 
Theo quy hoạch điều chỉnh được Thủ tướng phê duyệt, không gian đô thị Vinh được phân thành 4 vùng: Khu vực đô thị trung tâm, gồm Thành phố Vinh hiện hữu và mở rộng về phía Tây thuộc huyện Hưng Nguyên có chức năng là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, đầu mối về thương mại, du lịch, y tế, giáo dục và đào tạo, công nghiệp sạch và công nghiệp công nghệ cao và các khu đô thị mới; Khu vực đô thị Cửa Lò hiện hữu và mở rộng về phía Tây thuộc huyện Nghi Lộc có chức năng là đô thị du lịch biển, đồng thời phát triển các khu đô thị mới có trọng tâm về các lĩnh vực giáo dục - đào tạo thể dục, thể thao, du lịch nghỉ dưỡng; Khu đô thị Quán Hành - Khu kinh tế Đông Nam có chức năng là trung tâm công nghiệp và đầu mối vận tải hàng hóa, đồng thời phát triển các khu đô thị mới; vùng đệm thuộc vùng nông thôn và vùng ven của các phân vùng phát triển. Chức năng chính của phân vùng này là khu vực nông thôn - nông nghiệp, khu vực dự trữ phát triển và hệ thống sông hồ, là không gian đệm giữa các khu vực đô thị.
 
Kỹ sư Nguyễn Hồng Sơn, Phó phòng Quản lý kiến trúc quy hoạch và phát triển đô thị Sở Xây dựng, người trực tiếp tham gia vào xây dựng quy hoạch cho biết: Một nguyên tắc được đặt ra ban đầu nay vẫn được đảm bảo cho TP. Vinh trong tương lai,  đó là:  “Tất cả các khu rừng, cây xanh lớn đều phải được giữ lại. Đê sông và khu vực ngoài đê cần phải được bảo tồn làm khu sinh thái, cảnh quan. Hạn chế các khu công nghiệp ở đầu nguồn gió vào đô thị. Cấu trúc của các làng xã ven đô hiện nay luôn là sự đan xen giữa phần đô thị và nông nghiệp, nông thôn. Làng ven đô có thể tạo bản sắc văn hóa dân tộc cho đô thị như những không gian đóng vai trò vùng đệm, vùng cây xanh với các công trình nhà ở thấp tầng, kết hợp sản xuất nông nghiệp, tạo ra yếu tố cây xanh, mặt nước ở đô thị, góp phần tạo cảnh quan và môi trường cho đô thị. Các làng cổ, quần cư lâu đời  được lưu giữ, phục hồi cảnh quan truyền thống”. 
 
Như thế, không gian đô thị, vùng quy hoạch đô thị Vinh phát triển theo mô hình "Đô thị đa cực sinh thái phi tập trung, nhất thể hóa giữa đô thị với nông thôn và tự nhiên"; phát triển độc lập nhưng kết nối đồng bộ 3 khu vực đô thị: Vinh - Hưng Nguyên; Cửa Lò; Quán Hành - Khu kinh tế Đông Nam bằng các trục giao thông chính; kết nối mềm giữa các khu đô thị là không gian nông nghiệp - nông thôn mới và không gian thiên nhiên ven sông Lam, nhằm bảo tồn cảnh quan sinh thái tự nhiên, phát triển du lịch, gắn kết các khu danh thắng, di tích lịch sử, văn hóa của vùng phụ cận sẽ được ôm trọn vào quy hoạch 250 km2, bao gồm toàn bộ Thành phố Vinh, toàn bộ Thị xã Cửa Lò, phần lớn huyện Nghi Lộc, trong đó có Thị trấn Quán Hành và các xã trải xuôi xuống phía biển; mở rộng lên Hưng Nguyên gồm toàn bộ xã Hưng Tây, một phần của Thị trấn Hưng Nguyên, các xã Hưng Lợi, Hưng Mỹ nằm phía Bắc của Quốc lộ 1 tránh TP. Vinh, xã Hưng Đạo ở phía Bắc Quốc lộ 46 và Quốc lộ 1 đoạn tránh Vinh hiện nay…  
 
Sau khi tỉnh tổ chức công bố  điều chỉnh quy hoạch chung TP. Vinh đến 2030  nhằm quảng bá vị thế mới, ranh giới quy hoạch của thành phố đồng thời xúc tiến mạnh mẽ các hoạt động đầu tư, sẽ là hàng loạt các công việc phải làm của các cấp chính quyền, các ngành chức năng và không thể thiếu là vai trò của người dân thành phố. Trước hết, chính quyền cần có một khung chính sách có hiệu lực, hiệu quả và tính khả thi để bảo vệ quy hoạch, đó là một quy hoạch “xanh” cho Thành phố Vinh khi được mở rộng. Bởi “Đô thị Vinh mở rộng” ở đây gồm nhiều mục tiêu: “Kết nối đô thị”, “Kết nối trọng điểm”, “Kết nối cây xanh”, “Kết nối con người”. Trục cảnh quan cây xanh được xác định đường trục Cửa Lò – Vinh – Hưng Nguyên, khu vực nông thôn. Trục cảnh quan sông nước: Sông Lam, sông Kẻ Gai, sông Cấm. Bên cạnh đó các công trình điểm nhấn là chợ  Vinh, núi Quyết, Thành cổ Vinh, Quảng trường Hồ Chí Minh, Công  viên ven biển Cửa Lò…
 
Việc đảm bảo nguồn vốn là vấn đề quan trọng trong thực thi quy hoạch đô thị. Đặc biệt là các công trình hạ tầng kỹ thuật quy mô cần có nguồn vốn rất lớn. Bởi vậy, thu hút nguồn vốn và huy động được nhiều nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư hạ tầng đảm bảo quy hoạch là một vấn đề quan trọng và được quan tâm ngay từ bây giờ. Thứ đến, việc lập quy hoạch sử dụng đất phải phù hợp với xu hướng gia tăng dân số, phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển ngành nghề trong tương lai. Bên cạnh đó, vấn đề bảo vệ môi trường cho một đô thị xanh cần có những chiến lược mới  để đảm bảo được quy hoạch. 
 
Ông Nguyễn Xuân Sinh, Chủ tịch UBND Thành phố Vinh cho biết: Từ 2015 đến 2016, thành phố sẽ triển khai quy hoạch chung, tiếp đến là  quy hoạch phân khu, phối hợp với UBND tỉnh, các ngành trong thu hút đầu tư, cải cách mạnh mẽ hành chính. Giai đoạn tiếp theo, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện quy hoạch chi tiết Quyết định số 52 của Thủ tướng Chính phủ. 
 
Trân Châu