Có việc khảo sát, lấy ý kiến
Về Dự án Thủy điện Yên Thắng, được quy hoạch xây dựng trên suối Nguyên (còn gọi là suối Huồi Nguyên thuộc địa bàn xã Yên Thắng, huyện Tương Dương), do Công ty CP Thủy điện Yên Thắng làm chủ đầu tư. Thủy điện này có công suất thiết kế 11MW, tổng mức đầu tư gần 240 tỷ đồng; tổ chức khởi công ngày 25/10/2009, dự kiến hoàn thành đưa vào vận hành năm 2011. Vậy nhưng, sau lễ khởi công thì chủ đầu tư như “bóng chim, tăm cá”, để rồi đến tháng 10/2013, Dự án Thủy điện Yên Thắng chính thức bị “khai tử”.
Bởi vậy, chúng tôi thực sự băn khoăn trước thông tin này. Để minh chứng, người báo tin khẳng định trong tháng 10/2020, cử tri huyện Tương Dương đã có ý kiến đề nghị đến đại biểu Quốc hội. “Cử tri khẩn thiết đề nghị đại biểu Quốc hội sớm có ý kiến để không tiếp tục xây dựng thủy điện ở huyện Tương Dương. P.V Báo Nghệ An lên thẩm tra sẽ rõ...” - người báo tin nhấn mạnh.
Liên lạc với ông Kha Văn Ót - Phó Chủ tịch HĐND huyện Tương Dương để xác minh thì quả thật có sự việc này. Cụ thể, ngày 7/10/2020, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh gồm ông Lê Quang Huy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ, Môi trường của Quốc hội và Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu tiếp xúc cử tri huyện Tương Dương. Tại đây, đại diện cử tri đề nghị các đại biểu Quốc hội cần sớm có ý kiến để các cấp có thẩm quyền không tiếp tục thực hiện xây dựng thủy điện trên địa bàn huyện Tương Dương. Tiếp nhận ý kiến này, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu đã có một số trao đổi sẻ chia và hứa sẽ chuyển tải đúng tâm nguyện của cử tri huyện Tương Dương lên các cơ quan có thẩm quyền cấp tỉnh và Trung ương. “Cùng thời điểm các đại biểu Quốc hội đang tiếp xúc với cử tri thì có một đoàn công tác khảo sát hiện trường Dự án Thủy điện Yên Thắng trước đây để lấy ý kiến bổ sung quy hoạch...” - Phó Chủ tịch HĐND huyện Tương Dương Kha Văn Ót trao đổi.
Liên lạc với UBND huyện Tương Dương để nắm tình hình, được biết, ngày 14/10/2020, Sở Công Thương có Công văn số 1733/SCT-QLNL về việc cho ý kiến đề xuất điều chỉnh quy hoạch Dự án Thủy điện Yên Thắng gửi các sở, ngành liên quan và Huyện ủy, UBND huyện Tương Dương cùng UBND 2 xã Yên Thắng và Yên Hòa.
Nội dung Công văn số 1733/SCT-QLNL thông tin, vào ngày 1/10/2020, UBND tỉnh có Công văn số 6728/UBND-CN giao Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương xem xét đề nghị của Công ty CP Sông Cầu đề xuất điều chỉnh quy hoạch Dự án Thủy điện Yên Thắng. Ngày 7/10/2020, Sở Công Thương tổ chức đoàn công tác gồm đại diện các sở, ngành, đơn vị liên quan cùng UBND huyện Tương Dương, UBND các xã Yên Thắng, Yên Hòa đi kiểm tra thực địa, làm việc với Công ty CP Sông Cầu. Sau khi kiểm tra hiện trường, Công ty CP Sông Cầu đã tiếp thu ý kiến của các thành viên đoàn công tác và chỉ đạo đơn vị tư vấn thực hiện hoàn chỉnh hồ sơ. Đến ngày 13/10/2020, Công ty CP Sông Cầu có Báo cáo số 269/SDCC-TTTV1. Bởi vậy, Sở Công Thương đề nghị các sở, ngành, đơn vị liên quan cùng UBND huyện Tương Dương căn cứ hồ sơ và Báo cáo số 269/SDCC-TTTV1, có ý kiến bằng văn bản gửi về Sở để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
Cơ sở chưa nghe, chưa biết!
Ngược lên xã Yên Thắng, chúng tôi được cán bộ địa phương này đưa đến vị trí từng diễn ra lễ khởi công thủy điện năm 2009, rồi cho biết: Theo như hồ sơ tài liệu của nhà đầu tư cung cấp thì quy hoạch Dự án Thủy điện Yên Thắng đã thay đổi. Trước đây, đập thủy điện đặt dưới bản Xốp Khẩu, nay dự kiến chuyển lên phía trên bản để không ảnh hưởng đến công trình nhà ở của Nhân dân. Hỏi: Theo quy hoạch mới, vùng lòng hồ Thủy điện Yên Thắng sẽ tác động đến những khu vực nào? Theo cán bộ xã Yên Thắng thì lòng hồ của Thủy điện Yên Thắng có liên quan đến suối Nguyên, khe Chà Hạ, khe Ngân, thuộc khu vực các bản Xốp Khẩu (Yên Thắng), bản Xiềng Líp, bản Cọc, bản Ngọn, bản Cành Khỉn (xã Yên Hòa). “Theo tôi được biết thì các vùng sản xuất ruộng lúa của 5 bản đều có bị ảnh hưởng, còn về nhà cửa cùng với các công trình dân sinh thì huyện đang lo cho bản Xiềng Líp ” - vị cán bộ này cho biết.
Bản Ngọn nằm ven Quốc lộ 48C, sát kề với bản Xốp Khẩu. Đi trên tuyến quốc lộ này, thấy có nhà ở, vườn, trại chăn nuôi của 3 hộ dân nằm sát bên suối Nguyên; bên cạnh đó, có một số đoạn quốc lộ khá thấp và kề cận với suối, chắc chắn sẽ có những tác động xấu nếu ngăn đập thủy điện. Ở bản Ngọn, chúng tôi được gặp Bí thư Chi bộ, anh Lô Văn Thỉu. Hỏi chuyện, anh cho hay là chưa được biết gì về việc khảo sát, lấy ý kiến bổ sung quy hoạch Thủy điện Yên Thắng. Theo anh Thỉu, toàn bản chỉ có 3 hộ gia đình là ở dưới thấp, thường có ngập lụt khi có mưa lũ kéo dài; nhưng đối với ruộng, vườn thì cơ bản là bám theo dọc suối, nên rất băn khoăn khi nghe thông tin về thủy điện. Bí thư Chi bộ bản Ngọn nói: “Trưởng bản có nắm được thông tin hay không chứ tôi thì chưa biết gì. Xã thì chưa thấy báo tin. Tôi mong được cấp trên truyền đạt đầy đủ thông tin để khi Nhân dân hỏi còn biết mà trả lời...”.
Ở xã Yên Hòa, chúng tôi đã đi dọc theo suối Nguyên, khe Chà Hạ và khe Ngân. Ở những khu vực này, có đồng ruộng và khá nhiều nhà ở của người dân. Đáng lưu tâm là khu vực bản Xiềng Líp, có một số hộ gia đình có công trình nhà ở vị trí rất thấp, mấp mé với khe Chà Hạ. Theo Trưởng bản Xiềng Líp , chị Lương Thị Dậu thì nơi đây thường bị ngập lụt vào mùa mưa lũ. Toàn bản Xiềng Líp có 179 hộ gia đình. Từ cầu Xiềng Líp xuống đến ngã ba Xốp Kha có 87 nhà thường bị ngập, trong đó có hơn 30 nhà bị ngập sâu. “Trận mưa lụt năm ngoái có nhà bị ngập sâu đến 2m nước. Mưa lụt dân khổ lắm...” - chị Lương Thị Dậu nói. Hỏi trưởng bản đã được nghe về chuyện khảo sát quy hoạch Thủy điện Yên Thắng không? Chị Dậu trả lời: “Tôi chỉ biết từng có lễ khởi công Thủy điện Yên Thắng từ lâu còn thời gian gần đây thì chưa có thông tin gì thêm. Xã cũng chưa có thông tin gì với cán bộ bản...”. Và cũng như anh Lô Văn Thỉu - Bí thư Chi bộ bản Ngọn, chị Lương Thị Dậu trao đổi: “Làm cán bộ thôn bản, chúng tôi muốn được biết sớm thông tin để khi Nhân dân hỏi thì còn biết đường mà trả lời. Làm cái gì thì cũng phải cho cán bộ cơ sở và Nhân dân biết chứ...”.
Phải lấy ý kiến Nhân dân!
Theo bản thuyết minh điều chỉnh quy hoạch Dự án Thủy điện Yên Thắng mà xã Yên Thắng được cung cấp thì các phương án mà nhà đầu tư đưa ra sẽ hạn chế được tối đa những tác động gây ảnh hưởng đến người dân. Còn ở Văn bản số 269/SDCC-TTTV1 thể hiện chủ đầu tư tiếp thu ý kiến góp ý của các sở, ngành, huyện Tương Dương, xã Yên Hòa, Yên Thắng (tại cuộc họp được tổ chức sau khi thực tế hiện trường ngày 7/10/2020), đưa ra cam kết nếu dự án được bổ sung quy hoạch, được thực hiện thì sẽ đảm bảo an sinh xã hội, quyền lợi của người dân, có đóng góp vào kinh tế chung của tỉnh...
Dù vậy, qua trao đổi, lãnh đạo huyện Tương Dương tỏ rõ những băn khoăn, bởi khi xảy ra mưa lũ thì họ vẫn thường trực tiếp vào các điểm ách yếu trên địa bàn xã Yên Hòa, Yên Thắng để giúp dân chống lũ. Như với ông Kha Văn Ót thì không tin các phương án điều chỉnh quy hoạch Dự án Thủy điện Yên Thắng sẽ hạn chế được các tác động xấu. Ông Ót trao đổi: “Trận lũ năm 2019, chưa có thủy điện mà nước khe Chà Hạ đã dâng cao cách bề mặt cầu khoảng 0,5m. Nếu có thủy điện chặn dòng chảy, khi mưa lũ sẽ không hình dung được như thế nào...”.
Với ông Phan Đức Sơn - Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết, đã tham gia buổi khảo sát hiện trường ngày 7/10/2020 và có ý kiến tại cuộc họp diễn ra sau đó. Chủ tịch UBND huyện Tương Dương trao đổi: “Tôi đã nói rõ quan điểm của huyện tại cuộc họp. Đó là, huyện Tương Dương đồng tình với chủ trương thu hút đầu tư, để tạo ra nguồn năng lượng sạch. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện Tương Dương đã có nhiều thủy điện, và có một số tồn tại, vướng mắc nhiều năm ở một số thủy điện mà vẫn chưa giải quyết được triệt để. Vì vậy, chủ đầu tư cần phải tổ chức họp để lấy ý kiến của người dân vùng bị ảnh hưởng. Nếu người dân đồng thuận, chính quyền các địa phương cơ sở đồng thuận, UBND huyện Tương Dương sẽ xin ý kiến Ban Thường vụ Huyện ủy, sau đó sẽ có ý kiến...”.
Dõi theo thực tế nhiều năm ở huyện Tương Dương, chúng tôi hiểu tâm tư của các lãnh đạo địa phương này. Vì dù có nhiều công trình thủy điện trên địa bàn nhưng người dân của huyện núi 30a này lại không được hưởng lợi ích gì từ đó, không những thế, họ còn phải gánh chịu không ít những hệ lụy. Như với Dự án Thủy điện Yên Thắng, sau lễ khởi công là nạn “vàng tặc” kéo dài dằng dặc, phá tan hoang những bờ xôi, ruộng mật ở hai bên suối Nguyên, khe Ngân, khe Chà Hạ. Bởi vậy, ở thời điểm hiện tại, dù nhà đầu tư có đề ra được các giải pháp, phương án tối ưu như thế nào đi chăng nữa thì việc lắng nghe, giải quyết ý nguyện của người dân là việc cần phải thực hiện!.