(Baonghean) - Nền kinh tế nước ta lâm vào tình trạng bất ổn từ năm 2008, và dần hồi phục vào cuối năm 2012 do những chính sách kích thích tổng cầu, nhưng nay vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Lý do là những nguyên nhân nội tại của nền kinh tế chưa được giải quyết. 

Nợ xấu chưa được cải thiện, tình trạng ngân hàng thừa tiền, doanh nghiệp thiếu vốn còn kéo dài, những nỗ lực làm ấm thị trường bất động sản cũng chưa đạt kết quả như mong đợi. Chưa kể, năm nay nước ta còn phải đối mặt với nguy cơ gây bất ổn kinh tế vĩ mô, đó là thâm hụt ngân sách do nguồn thu không đạt kế hoạch.

Vì thế, đã có những khuyến nghị nên điều chỉnh lại kế hoạch kinh tế 5 năm, thay vì để con số tăng trưởng từ 7,5-8% nay điều chỉnh xuống 6,5% cho phù hợp với tình hình thực tế. Rõ ràng, đây là một bước đi cần thiết, song một số chuyên gia kinh tế lại cho rằng, việc điều chỉnh con số không giải quyết được tình hình hiện tại, mà cái cần là điều chỉnh chủ trương, đường lối và biện pháp phù hợp để vực dậy nền kinh tế. Đây mới chính là việc cần làm ngay. Bởi lẽ, nguyên nhân dẫn đến sự yếu kém của nền kinh tế như hiện tại, không chỉ do khủng hoảng kinh tế thế giới, mà chủ yếu là do những yếu kém nội tại. Vì khủng hoảng kinh tế thế giới khiến các nước cũng bị ảnh hưởng, nhưng nhiều nước trong khu vực đã đi vào quỹ đạo phục hồi và ổn định. 

Bởi vậy, chúng ta phải tìm ra câu trả lời xác đáng cho các vấn đề đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu ra tại Hội thảo khoa học quốc tế “Nhìn lại nửa chặng đường phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2011-2015 và những điều chỉnh chiến lược” vừa diễn ra tại Hà Nội vào ngày 23/9 vừa rồi. 

Một là tại sao nền kinh tế của ta ra khỏi khủng hoảng chậm hơn các nước trong khu vực? Những điểm nào trong mô hình kinh tế của chúng ta tỏ ra không phù hợp với môi trường kinh tế quốc tế hiện nay? Điều gì đã khiến chúng ta giảm sức cạnh tranh và liệu những biện pháp giúp phục hồi kinh tế đã bám sát thực tiễn, phù hợp với điều kiện hiện thời của đất nước hay chưa? 

Hai là, liệu có cần tìm kiếm động lực tăng trưởng mới, hệ thống khuyến khích mới để xây dựng một nền kinh tế tăng trưởng nhanh, năng động, hiện đại, có khả năng cạnh tranh quốc tế, hay chúng ta vẫn giữ nguyên như hiện nay và chỉ cần điều chỉnh một vài chỗ? 

Ba là, cuộc khủng hoảng thế giới hiện nay và những khó khăn kinh tế trong nước lúc này có đòi hỏi sự dịch chuyển mạnh mẽ về chính sách ngành hay không? Nếu có thì đến mức nào? Như xem xét những ngành nào đã chống chọi tốt nhất với những khó khăn vừa qua, những ngành nào đã bị ảnh hưởng tiêu cực nhất để giúp chúng ta rút ra những tầm nhìn mới về lựa chọn những ngành Việt Nam chúng ta có lợi thế cạnh tranh thực sự. 

Bốn là, đánh giá thực hiện 3 đột phá chiến lược; thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo Nghị quyết Trung ương 3. Chỉ ra những hạn chế, yếu kém và những nguyên nhân chủ quan, khách quan, đặc biệt là những vấn đề mang tính cấu trúc, cùng với những bất cập về thể chế, công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện; về nguồn nhân lực... Đâu là 3 giải pháp có hiệu lực đột phá nhất giúp nền kinh tế trỗi dậy từ hiện trạng khó khăn hiện nay? 

Năm là, cần xem xét, thảo luận một số vấn đề lớn như kinh nghiệm phân cấp kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua đã cho chúng ta thấy những bài học gì, mức độ phù hợp đến đâu? Phương thức và liều lượng phân cấp ở khâu nào còn yếu? Phải chăng có khâu nào phân cấp quá mức để dẫn đến những hệ lụy trong quản lý quá trình phát triển hay không? Vai trò của nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong quá trình công nghiệp hóa và duy trì ổn định xã hội? Mô hình nông thôn mới đã có hiệu quả trên thực tế như thế nào, đâu là những điểm lớn cần lưu ý, và mô hình này đã gắn với quá trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp như thế nào? Quy mô kinh tế Nhà nước, nhất là vai trò của doanh nghiệp Nhà nước, cần thiết đến mức nào, duy trì đến đâu?

Trả lời thấu đáo và đưa ra những điều chỉnh cần thiết và hợp lý để giải quyết có hiệu quả các vấn đề đó chính là việc làm cần kíp nhất trong hoàn cảnh hiện tại. Vì thế, nên điều chỉnh cách làm hơn là điều chỉnh con số.

Duy Hương