Không phải cứ dùng nhiều thuốc bổ đã là tốt, trên thế giới đã có rất nhiều vụ ngộ độc vì thuốc bổ.

Theo báo cáo mang tên Consumers Report gửi lên cho Cơ quan quản lý Thực- Dược phẩm Mỹ (FDA) công bố 9/2012 thì trong vòng 5 năm (từ tháng 4/2007 đến tháng 4/2012) đã có trên 6.300 vụ ngộ độc vì thuốc bổ diễn ra tại Mỹ, trong số này có 115 người chết, 2.100 người nhập viện. Theo FDA, con số trên chưa chính xác, thực tế còn lớn hơn nhiều, vì vậy còn nhiều chuyện cần bàn về thuốc bổ, trong đó có 3 giả thiết và sự thật dưới đây.

1. Thuốc bổ đóng chai có an toàn?

Theo FDA, rất nhiều hãng sản xuất, kinh doanh thuốc bổ, thực phẩm dưỡng sinh ở Mỹ không tiến hành đăng ký hoặc có giấy phép phê duyệt lần đầu của FDA. Rất đa dạng, kể cả thuốc giúp tăng chuyển hóa cơ thể, thuốc giảm cân, tăng cường năng lượng. Vì vậy, không phải loại thuốc bổ nào cũng an toàn, thậm chí có những loại còn gây nguy hiểm cho con người. Cũng phải nói thêm rằng, FDA không yêu cầu các hãng sản xuất thuốc bổ, thực phẩm dưỡng sinh ghi những cảnh báo về tương tác thuốc lên nhãn mác nên điều này đã gây bất lợi cho sức khỏe của người tiêu dùng.

Ví dụ, thuốc St-John's Wort có thể làm giảm hiệu quả của thuốc tránh thai dạng viên, hay tác dụng thuốc chữa cao huyết áp. Ngoài ra, các loại thuốc bổ magie cũng làm giảm khả năng hấp thụ tác dụng của thuốc kháng sinh. Do không ghi trên nhãn mác nên khi dùng thuốc bổ người tiêu dùng hoàn toàn không hay biết về tác dụng phụ ngoài mong muốn của thuốc.

 786414_small_87019.jpg

2. Không phải tất cả vitamin đều có chứa dưỡng chất hữu ích

Do quy trình quản lý dưỡng chất, thuốc bổ, thực phẩm dưỡng sinh, thực phẩm giảm cân còn lỏng lẻo nên các hãng dược phẩm còn tùy ý sản xuất, quảng cáo, thậm chí có loại thuốc người dùng không biết là có tác dụng gì, chỉ biết chung chung là thuốc bổ. Trên trang website, địa chỉ ConsumerLab.com của Mỹ có công bố kết quả thông tin thử test của một số loại thuốc bổ, so với quảng cáo trên nhãn mác thì chất lượng của một số loại vitamin thấp hơn rất nhiều so với danh nghĩa.

Bác sĩ Tod Cooperman người phụ trách công việc này cho hay, có rất nhiều loại vitamin mới có chứa 100% dưỡng chất theo đúng thành phần, nhưng thực tế thành phần dưỡng chất lại thấp hơn rất nhiều, thậm chí có chứa cả các thành phần độc hại. Ví dụ trong loại thuốc bổ canxi có chứa cả chì, hoặc trong viên dầu cá lại có chứa thủy ngân và rất nhiều tạp chất "rác" khác. Lỗi này có một phần do Chính phủ không quy định cụ thể về phương pháp cũng như tiêu chí để đánh giá chất lượng của thuốc.

3. Thuốc bổ thực sự có... bổ ?

Phải nói ngay rằng, nếu được sản xuất và thử nghiệm theo đúng quy trình thì thuốc bổ sẽ có tác dụng tốt cho cơ thể, nhưng thực tế rất nhiều sản phẩm lại "treo đầu dê bán thịt chó", quảng cáo một đằng bán một nẻo, nhất là kẹo thuốc bổ thực phẩm dưỡng sinh được tăng cường vitamin, khoáng chất. Thậm chí rất nhiều trong số này có chứa cả hợp chất độc hại như dầu đã qua hydro hóa có chứa hàm lượng mỡ trans-fat rất cao, hàm lượng đường, muối thậm chí cả những phụ gia tạo màu, hương vị gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, gây tăng cân béo phì, dư thừa trọng lượng. Ví dụ như xôcôla đen hiện nay đang bán tại Mỹ, hoặc một số loại thực phẩm dưỡng sinh mà người ta cho rằng không có lợi cho sức khỏe trẻ em.

4. Giải pháp khi dùng vitamin, khoáng chất

Theo bác sĩ Jose Mosquera, một trong số các thành viên tham gia soạn thảo báo cáo Consumer Reports nói trên thì để mang lại hiệu quả cao nhất khi dùng Vitamin, khoáng chất, mọi người cần quan tâm đến một số tiêu chí sau:

- Không nên tự ý sử dụng vitamin, khoáng chất trừ khi được chẩn đoán là thiếu hụt thực sự. Điều này dựa trên kết quả khám bệnh và theo tư vấn của bác sĩ.

- Không nên tự ý dùng canxi, bởi lạm dụng quá nhiều canxi có thể dẫn đến gia tăng bệnh tim. Cảnh báo trên được dựa vào một số nghiên cứu gần đây phát hiện thấy: Nếu lạm dụng canxi có thể làm tăng hiện tượng vôi hóa (calcification) động mạch và làm tăng nguy cơ đột quỵ, vì vậy dùng liều cao canxi là điều kiêng kỵ.

- Nên bổ sung Vitamin, khoáng chất qua đường thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm nguyên chất, toàn phần, ít qua chế biến, bởi đây là nguồn dưỡng chất tự nhiên có lợi cho sức khỏe nhất.

- Một khi thiếu hụt dưỡng chất cần bổ sung thì nên mua những loại sản phẩm đảm bảo chất lượng, sản phẩm uy tín có giấy chứng nhận nguồn gốc rõ ràng được các cơ quan chức năng thừa nhận, đảm bảo an toàn về sức khỏe cho con người theo quy định của Chính phủ.


Theo Nông Nghiệp Việt Nam - NT