Với quan điểm giải phóng giải phóng dân tộc luôn gắn liền giải phóng con người, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Đảng ta và Bác Hồ lúc sinh thời luôn quan tâm tới công tác giáo dục và đào tạo (dưới đây viết tắt là giáo dục).
Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, giữa muôn vàn khó khăn, thù trong giặc ngoài nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh xem tình trạng trên 90% dân số bị mù chữ cũng là một thứ giặc.
Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3/9/1945, Người đã nêu sáu vấn đề cấp bách trong đó cứu đói là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu, nhiệm vụ chống nạn mù chữ được xếp thứ hai.
Ngày 8/9/1945 (chỉ sau 6 ngày tuyên bố độc lập), Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã ban hành Sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ, tổ chức cho nông dân và thợ thuyền những lớp học bình dân buổi tối.
Chế độ học chữ Quốc ngữ bắt buộc, không mất tiền áp dụng cho tất cả mọi người mù chữ.
Đặt mục tiêu trong vòng một năm, toàn thể dân chúng Việt Nam trên 8 tuổi phải biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ.
Lời kêu gọi của Bác Hồ về phong trào “diệt giặc dốt” làm thức dậy lòng tự trọng của mỗi người dân và lòng tự tôn dân tộc.
Từ đó, không chỉ tạo nên phong trào thi đua học tập trong toàn dân mà còn phát huy được vai trò của đội ngũ trí thức, những người đọc thông viết thành thạo và những người kinh tế khá giả tham gia cuộc chiến chống “giặc dốt”.
Những người có nhà ở rộng rãi mở lớp học tại tư gia cho bà con láng giềng, nhiều hòa thượng, linh mục cho mượn chùa, nhà thờ làm lớp học; dùng cánh cửa, chiếu trải xuống đất cho học viên ngồi học...
Chỉ sau một năm hoạt động của phong trào Bình dân học vụ (từ 08/09/1945 đến 08/09/1946) đã có 2.520.678 người thoát nạn mù chữ (dân số Việt Nam lúc đó khoảng 22 triệu người)
Để nâng cao trình độ dân trí và tri thức đội ngũ cán bộ các cấp, nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Pháp và nhiệm vụ kiến quốc, năm 1950, trong điều kiện cuộc kháng chiến chống Pháp đang diễn ra vô cùng ác liệt, Đảng và Bác Hồ đã chỉ đạo Cải cách giáo dục lần thứ nhất.
Để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhiệm vụ giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đồng thời để từng bước hội nhập với nền giáo dục quốc tế, Đảng đã chú trọng xây dựng, phát triển nền giáo dục quốc gia thông qua cuộc Cải cách giáo dục lần thứ hai vào năm 1956.
Sau ngày đất nước thống nhất, Đại hội Đảng IV (năm 1976), xác định:
“... Tiến hành cải cách giáo dục trong cả nước; phát triển giáo dục phổ thông; sắp xếp, từng bước mở rộng và hoàn chỉnh mạng lưới các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp; phát triển rộng rãi các trường dạy nghề”.
Để cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết Đại hội IV, ngày 11/1/1979 Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 14-NQ/TW “về cải cách giáo dục” (Cải cách giáo dục lần thứ ba).
Qua ba lần cải cách giáo dục, tuy còn những hạn chế do điều kiện, hoàn cảnh lịch sử, nhất là bị chi phối bởi mô hình giáo dục của Liên Xô (trước đây) nhưng đã tạo nên bước phát triển quan trọng của nền giáo dục Việt Nam trong thời kỳ trước đổi mới (trước 1986).
Bước sang thời kỳ đổi mới, sự nghiệp giáo dục luôn là một trong những nội dung quan trọng trong các văn kiện của các kỳ đại hội Đảng.
Trong đó, Nghị quyết số 04-NQ/HNTW “Về tiếp tục đổi mới sự nghiệp giáo dục và đào tạo” không những chỉ ra những giải pháp cấp bách để xử lý những vấn đề nóng bỏng đối với công tác giáo dục mà còn đề ra định hướng chiến lược cho việc phát triển sự nghiệp giáo dục theo cương lĩnh và chiến lược của Đảng ta đến sau năm 2000...
Trong 80 năm lãnh đạo cách mạng, tùy theo từng hoàn cảnh lịch sử, nội dung chỉ đạo có thể khác nhau nhưng về quan điểm, Đảng luôn luôn đề cao vai trò của sự nghiệp giáo dục đối việc nâng cao dân trí, phát triển nhân lực, bồi dưỡng nhân tài phục vụ cho công cuộc chấn hưng, xây dựng, phát triển Quốc gia.
Để mục tiêu phát triển sự nghiệp giáo dục của Đảng trở thành hiện thực, các cấp các ngành, nhất là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo cần phải nắm vững quan điểm, mục tiêu của Đảng, trên cơ sở đó đề ra chủ trương giải pháp sát với thực trạng của nền giáo dục nước nhà và nhu cầu của xã hội, trong đó cần tập trung vào các vấn đề:
Thứ nhất: Cơ quan quản lý cần phải bỏ hình thức chỉ đạo theo kiểu “cầm tay chỉ việc” cho cơ sở đào tạo để mạnh dạn trao quyền tự chủ về mọi mặt cho các cơ sở.
Thứ hai: Đối với người học, Nghị quyết Trung ương 8 (Khóa XI), đã chỉ rõ: “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học” thì đối với đội ngũ cán bộ giảng dạy cũng cần được phát huy tính sáng tạo trong chuyển tải nội dung, nhất là phương pháp như dạy.
Thứ ba: Trên cơ sở quan điểm của Nghị quyết Trung ương 8: “Phát triển giáo dục và đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc với tiến bộ khoa học và công nghệ phù hợp quy luật khách quan”, cần phải đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt nội dung chương trình đào tạo để gắn đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội.
Thứ tư: Mạnh dạn hội nhập tiếp thu nội dung, chương trình đào tạo của các quốc gia có nền giáo dục phát triển nhằm tận dụng lợi thế của nước đi sau trong phát triển giáo dục và đào tạo.