(Baonghean.vn) - Tuần lễ cấp cao APEC 2017 sẽ được tổ chức tại Đà Nẵng từ ngày 6 - 11/11. Chủ đề của hội nghị năm nay là “Tạo động lực mới cùng vun đắp tương lai chung”.
1. APEC là gì?
APEC, viết tắt của cụm Asia – Pacific Economic Cooperation, nghĩa là Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương.
2. Các thành viên của APEC
APEC được thành lập vào tháng 11/1989, bắt đầu với 12 thành viên: Úc, Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Singapore, Brunei, Indonesia, New Zealand, Canada và Mỹ. Việt Nam trở thành thành viên chính thức của APEC từ ngày 14/11/1998.
Hiện APEC có tổng cộng 21 nền kinh tế, ngoại trừ 12 nền kinh tế ban đầu, những nền kinh tế còn lại là: Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Hong Kong, Đài Loan, Mexico, Papua New Guinea, Chile, Peru, Nga và Việt Nam.
Các thành viên của APEC được gọi là “nền kinh tế” thay vì “quốc gia”, do có sự xuất hiện của Đài Loan, Hong Kong (Trung Quốc). 21 nền kinh tế của APEC chiếm hơn 50% GDP toàn cầu, 44% thị phần thương mại và 40% dân số trên thế giới.
3. Nội dung chính của APEC
Mục đích cơ bản của APEC là thúc đẩy thương mại và thắt chặt mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa các đối tác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
APEC hoạt động dựa trên nguyên tắc tự nguyện, nguyên tắc đồng thuận, nguyên tắc cùng có lợi. Mọi nguyên tắc của APEC đều phải phù hợp với Hiệp ước chung về thuế quan và mậu dịch (GATT) và nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Ngân sách của APEC và quyền lợi dành cho thành viên
APEC không phải là tổ chức được tài trợ. Mọi hoạt động của APEC đều do các nền kinh tế thành viên đóng góp. Từ năm 1999 đến nay, ngân sách hàng năm của APEC khoảng 3,38 triệu USD.
Một trong những đặc quyền dành cho các nền kinh tế tham gia APEC đó là thẻ APEC – APEC Business Travel Card. Tấm thẻ này được cấp cho những doanh nhân của các nền kinh tế tham gia APEC để thuận lợi hơn trong quá trình hợp tác thương mại. Những người có tấm thẻ này khi nhập cảnh, xuất cảnh các nước và vùng lãnh thổ có tên ghi trong thẻ thì không cần có thị thực của các nước và vùng lãnh thổ đó.
4. Hội nghị APEC
Người đứng đầu chính phủ của tất cả thành viên APEC gặp nhau mỗi năm một lần trong kỳ họp thượng đỉnh gọi là "Hội nghị Lãnh đạo APEC", do các nền kinh tế thành viên lần lượt đứng ra tổ chức.
Việt Nam lần đầu tổ chức APEC vào năm 2006, trong đó tuần lễ cấp cao APEC được tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của Tổng thống Mỹ George W.Bush và phu nhân.
Chi phí tổ chức một kỳ hội nghị APEC vô cùng tốn kém, phần lớn là dành cho an ninh. APEC 2015, Philippines đã chi gần 200 triệu USD, trong khi Trung Quốc bỏ ra gần 6 tỷ USD cho APEC 2014. Australia thậm chí còn mạnh tay đầu tư 170 triệu USD để bảo vệ an ninh APEC 2007, nhiều hơn chi phí an ninh dành cho Thế vận hội Mùa hè 2000 ở Sydney.
5. Những điều thú vị
Tại APEC 1993 do Mỹ tổ chức, các lãnh đạo thế giới được yêu cầu không đeo cà vạt trong suốt thời gian diễn ra hội nghị để giam bớt tính hình thức và thân thiết với nhau hơn.
Năm 2015, Tổng thống Nga Putin đã không tham dự Hội nghị cấp cao APEC tại Philippines vì vụ rơi máy bay dân dụng khiến 200 người chết tại Nga. Ông Putin đã gọi điện nói chuyện riêng với Tổng thống Philippines Benigno Aquino III để giải thích sự vắng mặt. Thủ tướng Dmitri Medvedev đã đi thay ông Putin năm đó.
Năm 1998, Việt Nam, Peru và Nga chính thức tham gia APEC. Từ đó đến nay, APEC không kết nạp thành viên mới nào nữa.
Vua Sultan Haji Hassanal Bolkiah, quốc vương thứ 29 của Brunei, là lãnh đạo APEC lâu đời nhất. Quốc vương lên ngôi từ năm 1967, trước cả khi APEC được thành lập hơn 2 thập kỷ.
Mặc dù được coi là “Ngôi sao sáng” của Ngân hàng Thế giới, nhưng cho đến giờ Ấn Độ vẫn chưa được tham gia APEC.
Hội thảo APEC 2007 tổ chức tại Australia, nhóm hài The Chaser đã qua mặt hàng rào an ninh khi đưa một đoàn xe ô tô hộ tống giả vào trong khu vực cấm của buổi hội thảo. Không ai biết gì cho đến khi người trưởng nhóm xuất hiện trong trang phục của Osama bin Laden.
Thái Bình
(Tổng hợp)