(Baonghean) - Thời tiết ngày càng khắc nghiệt, hạn hán không chỉ xảy ra trong vụ hè thu mà tại Diễn Châu nhiều diện tích cây trồng vụ xuân cũng bị khô hạn.
Đầu năm nay, Diễn Châu đã khởi công nâng cấp đập Bầu Gáo, xã Diễn Lâm với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng. Đây là con đập có trữ lượng gần 1 triệu m3 nước, cung cấp nước tưới cho 70 ha lúa của xóm Bắc Lâm. Hiện nay, các tổ thợ đang khẩn trương thi công với các hạng mục gia cố thân đê, mở rộng mặt đập, tôn cao, sửa lại cống, tràn xả lũ... Nhà thầu quyết tâm hoàn thành công trình vào cuối tháng 5 năm nay đảm bảo nước cho sản xuất hè thu. Như vậy, đến nay, tại xã miền núi Diễn Lâm đã có 5/7 đập được đầu tư nâng cấp xây dựng, cơ bản đảm bảo cho gần 1.100 ha lúa cả năm của Diễn Lâm.
Ông Ngô Sỹ Thắng - người dân xóm 9, xã Diễn Lâm cho hay: Sau khi được nâng cấp các đập, lượng nước được trữ đảm bảo không rò rỉ, có đủ nước cho dân sản xuất nên rất phấn khởi, toàn bộ diện tích chuyển đổi trước đây không có hiệu quả thì đến nay đã được cấy 100% diện tích.
Cùng với nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho nâng cấp hồ đập, bước vào vụ xuân năm nay, huyện Diễn Châu đã đầu tư 2,5 tỷ đồng tập trung tu sửa, nâng cấp nhiều công trình thủy lợi nội đồng quan trong như: Tu sửa trạm bơm 18A tại xã Diễn Tháp, trạm bơm Diễn Thọ với kinh phí hơn 1 tỷ đồng; Nâng cấp kênh tưới, trạm bơm các xã Diễn Tân, Diễn Ngọc với kinh phí hơn 900 triệu đồng; Nâng cấp kênh nội đồng xã Diễn Bình kinh phí 550 triệu đồng...
Cùng với đó, huyện đã huy động gần 98.000 người ra quân làm thủy lợi, qua đó nạo vét gần 85.000m3 bùn đất tại các kênh tưới, kênh tiêu nội đồng; đắp, tu bổ kênh, bờ vùng bờ thửa với hơn 61.000m, phát quang, cắt cỏ, vơ rong vớt bèo hơn 389.000m2...
Tính trong 5 năm qua, huyện Diễn Châu đẩy mạnh đầu tư nhiều công trình phục vụ sản xuất như: Cải tạo, nâng cấp 10 hồ đập với tổng giá trị gần 50 tỷ đồng, đã góp phần tích cực trong việc chống thất thoát nước tưới cũng như tiêu thoát lũ; Huy động hàng nghìn tỷ đồng nâng cấp 60 trạm bơm, kiên cố hơn 200km kênh tưới, tiêu và gần 60km đê sông, đê biển vừa góp phần ngăn mặn phục vụ sản xuất, vừa đảm bảo an toàn đời sống người dân. Nhờ đó, nếu như trước đây Diễn Châu có khoảng 1.000 ha thường xuyên phải chuyển đổi hoặc bỏ hoang do hạn hán và ngập úng, thì nay diện tích này chỉ còn khoảng 200 ha.
Cùng với nâng cấp các công trình thủy lợi, việc tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng tiến bộ KHKT trong sản xuất cũng được các địa phương chú trọng. Tại xã Diễn Hạnh, tiết kiệm nước là một cách để xã chủ động chống hạn ngay từ đầu vụ. Cách làm của bà con ở đây là 100% diện tích với hơn 300 ha đều được gieo cấy theo phương pháp SRI để cấp nước một lần. Ngoài ra, xã cũng đã đầu tư gần 30 triệu đồng tu sửa 2 trạm bơm, đảm bảo vận hành 24/24 giờ, phục vụ bà con xã viên sản xuất đảm bảo tiến độ.
Tại cánh đồng các xóm 1, 2, 3 xã Diễn Mỹ trước đây toàn bộ trồng lúa thì vụ xuân 2 năm nay, đã được chuyển sang trồng lạc, từ 15 ha năm 2016 vụ này đã lên 30 ha. Đây là chủ trương đúng đắn, mang lại hiệu quả rõ nét nhất trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Diễn Châu, không chỉ giảm gánh nặng về thiếu nước của một xã vùng cuối kênh mà hiệu quả kinh tế còn tăng gấp đôi.
Còn tại xã Diễn Lộc, bên cạnh việc tập trung tu sửa hệ thống trạm bơm, kênh mương nội đồng, xây dựng các phương án điều tiết nước thì ngay từ đầu vụ xã cũng chủ động quy hoạch hơn 50 ha cánh đồng lúa một giống. Đây cũng là giải pháp tiết kiệm nước đối phó với tình trạng nắng hạn bởi thời gian gieo cấy cũng như trổ cùng thời điểm nên tập trung cấp nước một lần sẽ góp phần tiết kiệm được nước trong cả quá trình sản xuất.
Do hạn hán ngày càng đến sớm và gay gắt nên ngay từ đầu vụ, Diễn Châu đã chủ động triển khai nhiều giải pháp như: Phát động 39 xã, thị trấn ra quân tu bổ, nạo vét toàn bộ hệ thống kênh mương, thủy lợi chống thất thoát nước; Cơ cấu các giống cây ngắn ngày, có khả năng chống hạn tốt, chỉ đạo các xã thâm canh theo phương pháp SRI với diện tích trên 9.000 ha; Chuyển đổi hơn 200 ha vùng nguy cơ thiếu nước sang trồng lạc, ngô...
Đối với đồng màu, khuyến khích các xã phát huy hiệu quả hệ thống giếng khoan phục vụ nước cho cây màu tại ruộng. Hiện nay, bà con đã kéo điện ra đồng, đầu tư hơn 6.000 máy bơm, hơn 4.000 giếng khoan tại ruộng đảm bảo nước cho diện tích cây màu.
Ông Lê Thế Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Diễn Châu cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đã tích cực triển khai phương án chống hạn và đặc biệt trong cơ cấu sản xuất chúng tôi cơ cấu giống ngắn ngày hơn so với vụ khác, sử dụng nguồn nước tiết kiệm, bên cạnh đó triển khai giải pháp tưới nông - lộ - phơi tiết kiệm nước một cách triệt để duy trì mực nước ổn định đảm bảo tưới cho sản xuất vụ xuân”.
Mai Giang