(Baonghean) - Diễn Châu là mảnh đất đã sản sinh ra nhiều danh nhân, dòng họ khoa bảng, đóng góp trí tuệ, công sức cho xây dựng, bảo vệ và  phát triển quê hương, đất nước. Theo các sách ghi chép về khoa cử ở nước ta, kể từ khoa thi đầu tiên năm 1075 đến khoa thi cuối cùng năm 1919, qua 185 khoa thi, cả Nghệ Tĩnh có 280 người thi đỗ tiến sỹ và phó bảng thì Diễn Châu cũng có tới 23 người – một con số rất đáng tự hào.
 
Những tên làng, tên xã xưa ở Diễn Châu như:  Nho Lâm, Linh Kiệt, Bút Điền, Bút Trận, Văn Hiếu, Xuân Nho, Văn Vật, Văn Tập, Thư Phủ... gắn với sự học và khoa bảng. Mỗi tên đất, tên làng đều thể hiện khát khao được học tập, được thành danh trên con đường khoa cử của các sĩ tử. Vùng đất Nho Lâm xưa (Diễn Thọ nay) là một trong những địa danh nổi tiếng về truyền thống hiếu học. Trên mảnh đất khoa cử này, việc học hành được nhân dân rất coi trọng nên đã sản sinh nhiều bậc hiền tài làm rạng danh cho quê hương, đất nước. Ông Đặng Quang Liễn – người đã có nhiều năm nghiên cứu về sự học của người Nho Lâm cho biết: Ở Nghệ An sau Quỳnh Đôi, Nho Lâm là nơi có khoa bảng nhiều nhất với 318 người đỗ đạt. Người Nho Lâm có truyền thống khổ học thành tài. Từ đời Trần, đời Lê, thời Hán học mới mở khoa thi thì ở đây đã có người đỗ đạt rồi.
 
 
images1476867__nh_b_i_mai_giang.jpgCác bậc cao niên dòng họ Thái Doãn (Diễn Hoa) ôn lại truyền thống hiếu học cùng con cháu.
Cùng với những tên làng, tên xã gắn với ước mơ đỗ đạt của người dân ở mỗi miền quê thì ở Diễn Châu cũng có nhiều dòng họ khoa bảng nổi tiếng về sự học được tiếp nối từ đời này qua đời khác như dòng họ Ngô ở Diễn Kỷ, họ Cao ở Diễn Thịnh, họ Đặng ở Diễn Thọ, họ Hoàng ở Diễn Cát... Tiêu biểu nhất phải kể tới dòng họ Ngô, 5 đời có người đỗ tiến sỹ liên tục và là dòng họ có nhiều người đỗ đạt nhất trong các kỳ khoa cử ở Diễn Châu. Thật hiếm có trong một nhà mà cả cha, con và cháu là Ngô Trí Tri, Ngô Trí Hòa, Ngô Sỹ Vinh đều đỗ tiến sỹ. “Sáng khoai, trưa khoai, tối khoai, khoai ba bữa/ Ông đỗ, cha đỗ, con đỗ, đỗ cả nhà”, hai câu thơ trên đã trở thành biểu tượng cho sự khổ học thành tài của dòng họ Ngô, được người đời ca ngợi từ đời này sang đời khác. Ông Ngô Quang Nhã – Trưởng ban Khuyến học dòng họ Ngô tâm sự: Khi vinh quy, nhà vua đã khen 2 cha con cụ Ngô Trí Tri, Ngô Trí Hòa bức trướng “khoa danh vô hạ hữu, phụ tử thế gian vô” nghĩa là khoa danh thì rất nhiều nhưng 2 cha con cùng đỗ một khoa thời đó chỉ có một. Khi ra làm quan thì cha con ông rất được nhà vua tín nhiệm. Một nhà mà 3 đời liên tục làm quan nhất phẩm cũng rất hiếm.
 
 
Các em học sinh của làng Quảng Hà ngày xưa (nay là làng Hà Đông, xã Diễn Cát, huyện Diễn Châu) đến đọc sách tại tử sách dòng họ Hoàng Kiêm - tên tủ sách cũng là tên vị tiến sĩ đầu tiên của huyện Diễn Châu.
Sau khi đỗ đạt, các bậc đại khoa ở Diễn Châu đều cống hiến tài năng và công sức cho đất nước, đảm nhiệm nhiều trọng trách của nhà nước phong kiến. Đến nay nhiều câu chuyện cảm động kể về trí thông minh, tinh thần quả cảm, lòng yêu nước thiết tha cháy bỏng, khát vọng được phò vua giúp đời của họ vẫn được lưu truyền với sự yêu mến và ngưỡng vọng như Bạch Liêu, Cao Quýnh, Ngô Trí Hòa, Nguyễn Xuân Ôn... Tên tuổi các vị đại khoa xưa đã trở thành tên các trường học ở Diễn Châu như: Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn, THPT Ngô Trí Hòa, THCS Cao Xuân Huy… 
 
Tiếp nối truyền thống hiếu học của quê hương, ngày nay sự học ở Diễn Châu được truyền giữ và phát huy. Ngành Giáo dục Diễn Châu 13 năm liên tục đạt tiên tiến xuất sắc cấp tỉnh, là đơn vị trong tốp đầu về số lượng học sinh giỏi các cấp. Mảnh đất đã ươm mầm nhiều tài năng trẻ, chắp cánh cho hàng nghìn con em nhân dân lao động thành đạt nên người, trong đó nhiều tấm gương vượt khó học giỏi. Thành tích này đang viết tiếp trang sử truyền thống hiếu học của các thế hệ ông cha, làm cho mỗi mùa Xuân  trên đất Diễn Châu thêm tươi vui, rạng rỡ.
 
 
Mai Giang
(Đài Diễn Châu)