(Baonghean) - Thời tiết mưa nắng bất thường, độ ẩm cao là điều kiện cho một số bệnh như sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng phát triển mạnh. Theo thống kê mới nhất từ Khoa truyền nhiễm, Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An, từ đầu tháng 9 đến nay, trên 200 trẻ nhập viện vì bị sốt vi rút và bị bệnh tay chân miệng, nhất là 2 tuần trở lại đây số trẻ bị bệnh tay chân miệng tăng đột biến, bình quân mỗi ngày 5 - 6 ca nhập viện ở Thành phố Vinh, Nghi Lộc, Yên Thành… triệu chứng chủ yếu là nổi bọng nước, chán ăn, quấy khóc và sốt cao, co giật... 
 
Chị Nguyễn Thị Hoài, mẹ của cháu Trần Trường Giang 17 tháng tuổi, ở phường Hưng Dũng (TP. Vinh), cho biết: “Mấy ngày trước cháu có nổi một số bỏng nước, nhưng nghĩ cháu bị kiến đốt nên tôi không đưa cháu đi khám, sau đó cháu bị sốt cao co giật, gia đình đưa cháu đến Bệnh viện Sản - Nhi khám mới biết cháu bị bệnh tay chân miệng”. Đơn cử như thế để thấy, do sự chủ quan của cha mẹ hoặc thiếu hiểu biết về dấu hiệu bệnh mà nhiều trẻ khi đến cơ sở y tế khám và điều trị đã ở giai đoạn muộn, bệnh đã biến chứng bởi triệu chứng ban đầu sốt, ho, đau họng, biếng ăn... hoặc do xuất hiện những vết loét ở miệng, lưỡi, lợi lại thường nhầm lẫn với với bệnh viêm loét miệng thông thường. Hay khi vùng mông, gối, lòng bàn tay, bàn chân có những mụn bóng nước nhưng người nhà nghĩ trẻ mắc thủy đậu, nhiễm trùng da, dị ứng... Hơn nữa, do sức đề kháng của trẻ yếu nên cũng dễ mắc bệnh hơn, nhất là đối tượng trẻ dưới 5 tuổi. Trong khi đó, bệnh tay chân miệng lây lan nhanh nên dễ phát tán ra cộng đồng. 
images1388365_a7___bsckii_nguy_n_van_son__dang_kh_m_cho_b_nh_nh_n_b__b_nh_tay_ch_n_mi_ng.jpgBSCKII Nguyễn Văn Sơn đang khám cho bệnh nhân bị bệnh tay chân miệng
Trước tình hình trên, bác sỹ CKII Nguyễn Văn Sơn, Trưởng Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Sản - Nhi khuyến cáo: Cần rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước sạch nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn, cho trẻ ăn và bế ẵm trẻ; sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Về thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng, sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng...
 
Hộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh. Trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác. Các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và gia đình có trẻ dưới 6 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện và đưa ngay đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác để tránh lây lan.
 
Thanh Hoa