“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Em là bà nội của anh”, “Ngày trở về”... là những tác phẩm điện ảnh tạo được nhiều ấn tượng trong năm 2015.
 
1. Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh
 
Được chuyển thể từ chuyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ đã tạo nên một “hiện tượng” của làng điện ảnh Việt trong năm qua. Không chỉ thành công về mặt chất lượng mà doanh thu 80 tỷ đồng của phim cũng khiến nhiều nhà sản xuất bị thu hút.
 
Tận tháng 10/2015 bộ phim mới được công chiếu rộng rãi, nhưng từ trước đó, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đã thu hút, lôi cuốn khán giả bởi những khuôn hình mượt mà, đẹp mắt thông qua trailer của phim. Và ngay sau khi ra mắt, khắp các mặt báo, diễn đàn, mạng xã hội đều tràn ngập những hình ảnh, bài viết về phim. “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” thực sự đã tạo nên một “cơn sốt” về điện ảnh đối với công chúng.
images1433540_3.jpg
Bên cạnh đó, diễn xuất tốt của bộ ba diễn viên nhí (Thịnh Vinh, Trong Khang, Thanh Mỹ) cùng những giai điệu âm nhạc ngọt ngào, bay bổng là những điều mà khán giả không thể quên sau khi xem “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”.
Không chỉ vậy, tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” còn đại thắng về mặt giải thưởng khi “ẵm” 4 giải: Giải Bông sen Vàng thể loại phim truyện điện ảnh, quay phim xuất sắc, đạo diễn xuất sắc, phim được khán giả yêu thích.
 
Đây cũng là một tác phẩm điện ảnh đánh dấu sự thành công của việc hợp tác giữa Cục Điện Ảnh và các hãng phim tư nhân trong năm 2015.
 
2. Người trở về
 
Là tác phẩm của Điện ảnh Quân đội Nhân dân được ra mắt khán giả đúng dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng tám và Quốc khánh 2/9, bộ phim “Người trở về” của đạo diễn Đặng Thái Huyền đã nhận được nhiều phản hồi tích cực của giới chuyên môn cũng như khán giả.
Dựa theo truyện ngắn “Người về bến sông Châu” của nhà văn Sương Nguyệt Minh và được Nguyễn Thu Dung viết kịch bản, bộ phim “Người trở về” tập trung miêu tả về số phận của người phụ nữ trước và sau chiến tranh. Với mức kinh phí đầu tư không lớn nhưng bộ phim đã được thực hiện một cách kỹ lưỡng, có trách nhiệm và tạo ra được những hiệu ứng vượt trên mong đợi.
Sự thành công của bộ phim còn được khẳng định bởi chính những khán giả khó tính. Trong  3 tháng công chiếu với 12 suất chiếu phía Bắc (tại Trung tâm Văn hóa Kim Đồng) và 22 suất chiếu phía Nam (CGV Việt Nam) lượng người xem đều chật kín rạp. Nhiều buổi chiếu, khán giả còn phải xếp hàng dài trong rạp để đợi xem phim.
 
Phim cũng đã giành được giải xuất sắc nhất cho khâu kịch bản, bằng khen của ban giám khảo cho phim trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19.
 
3. Đập cánh giữa không trung
 
Dù tháng 1/2015 mới được công chiếu tại Việt Nam, nhưng trước đó, bộ phim “Đập cánh giữa không trung” của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đã khiến làng điện ảnh Việt phải chú ý với giải thưởng quốc tế: Giải Phim hay nhất từ Liên đoàn các nhà phê bình phim châu Âu và Địa Trung Hải (FEDEORA) tại Tuần phê bình phim quốc tế Venice...
 
Ngoài ra, “Đập cánh giữa không trung” còn khiến mọi người chú ý khi đi sâu vào khai thác chủ đề tình yêu, chuyển giới… Đây là một chủ đề khá nhạy cảm nhưng đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đã xử lý rất khéo khiến khán giả khi xem không thấy quá thô hay trần trụi. Đặc biệt là phần diễn xuất rất tốt của các diễn viên cũng để lại nhiều ấn tượng với người xem. Trong đó, Thanh Duy Idol khiến khán giả bị chú ý nhất khi vào vai một người chuyển giới có cuộc sống nhiều thăng trầm.
Cùng với đó, “Đập cánh giữa không trung” còn là một điển hình thành công của dòng phim độc lập tại Việt Nam.
 
4. Em là bà nội của anh
 
Được Làm lại tác phẩm ăn khách của Hàn Quốc - Miss Granny (Ngoại già tuổi đôi mươi) và ra mắt vào tháng 12/2015, bộ phim của đạo diễn trẻ Phan Gia Nhật Linh có tên “Em là bà nội của anh” đã tạo nên một “hơi thở” tươi mới cho thị trường phim Việt dịp cuối năm.
 
Bộ phim là câu chuyện về bà Đại (Minh Đức đóng), một bà lão 70 tuổi đột nhiên có cơ hội sống lại tuổi 20 hoàng kim rực rỡ. Ông trời đã mang đến một món quà bất ngờ cho bà Đại vào lúc bà buồn bã và thất vọng nhất. Đó chính là tuổi thanh xuân diệu kỳ. Tuy nhiên, đi kèm với món quà ấy là không ít rắc rối kiểu “trẻ lại mệt thật” mà “cô nàng” 70 tuổi phải xử lý. Rắc rối lớn nhất có lẽ là khi tình yêu đến bất ngờ và cũng là lúc “ước mơ thời tuổi trẻ của cô sắp trở thành hiện thực”...
Với câu chuyện gây tò mò, có bi có hài, hình ảnh đẹp… âm thanh được đầu tư kỹ lưỡng, “Em là bà nội của anh” đã tạo nên một câu chuyện hài tình cảm gây nhiều xúc động với khán giả.
 
Điều này cũng giúp bộ phim đem về doanh thu hơn 41 tỉ đồng sau 10 ngày công chiếu. Bên cạnh đó, nhiều khán giả sau khi xem phim "Em là bà nội của anh" đều chia sẻ mình bị “mê hoặc” vào sức hút kì lạ của bộ phim từ phút đầu tiên cho đến những giây cuối cùng, mặc dù bộ phim có độ dài hơn hai tiếng đồng hồ.
 
Tại liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19, dù chưa chính thức dự thi nhưng Em là bà nội của anh giành được giải khán giả bình chọn ở hạng mục toàn cảnh.
 
5. Chàng trai năm ấy
 
Với sự tham gia của ca sỹ Sơn Tùng M-TP – người được hàng triệu bạn trẻ yêu thích, bộ phim “Chàng trai năm ấy” nhanh chóng được khán giả đón nhận khi ra mắt vào dịp cuối năm 2014 và đầu năm 2015.
 
Bên cạnh đó, việc lấy cảm hứng từ cuộc đời của ca sĩ quá cố - Wanbi Tuấn Anh (dõi theo những ngày cuối đời của một ngôi sao trẻ mắc bệnh ung thư) cũng là yếu tố gây xúc động và ghi điểm trong lòng khán giả.
Với hai yếu tố đó, “Chàng trai năm ấy” đã thu về 70 tỉ đồng sau khi ra rạp đồng thời cũng được mời tham dự một số Liên hoan phim ở khu vực Đông Nam Á. 
 
6. Trúng số
 
"Trúng số" được coi là “hiện tượng” tại các rạp chiếu phim trong dịp Tết 2015. Phim được làm dựa trên một câu chuyện có thật về một người bán vé số không lấy 6,6 tỉ đồng từng gây xôn xao dư luận xã hội cuối tháng 12/2011.
 
Nội dung nhẹ nhàng, đằm thắm và nhân văn của “Trúng số” đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của khán giả và giới chuyên môn ngay khi vừa ra mắt. Điều này giúp "Trúng số" đứng thứ 2 về doanh thu trong số các phim ra mắt dịp Tết. Đây là kết quả vượt xa mong đợi của êkíp sản xuất, dù kinh phí sản xuất phim thấp và được liệt vào hàng "phim nhỏ" trong 8 bộ phim ra rạp mùa Tết 2015.
Ngoài ra, tháng 10 vừa qua, phim cũng được lựa chọn là đại diện Việt Nam tham dự vòng Sơ tuyển Oscar "Phim nói tiếng nước ngoài" nhưng không vào danh sách rút gọn.
 
7. Quyên
 
Được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ, bộ phim “Quyên” kể về cuộc đời của cô gái Hà Nội tên Quyên trong thời kỳ hỗn mang khi bức tường Berlin sụp đổ. Trong hành trình tìm sự sống nơi xứ người, Quyên đã gặp và trải qua những khoảnh khắc khó quên bên cạnh những người đàn ông yêu thương cô theo những cách khác nhau.
Dù chưa phải quá xuất sắc hay bùng nổ, nhưng “Quyên” đã đem tới cho công chúng tại Berlin, đặc biệt là cộng đồng người Việt tại Đức một cái nhìn chân thực về thân phận con người tại đây. “Quyên” cũng là bộ phim Việt đầu tiên có buổi công chiếu long trọng tại nước ngoài.
Ngoài ra, bộ phim còn là một dấu ấn đẹp và đáng ghi nhận của Nguyễn Phan Quang Bình khi bối cảnh phim Việt vẫn loay hoay đi tìm khán giả , có đạo diễn đã chú trọng vào việc đầu tư nghiêm túc cho phim nghệ thuật, bỏ qua những thể loại hài nhảm, hoặc kinh dị nửa vời, đánh nhanh thắng nhanh để thu hồi tiền vốn và tái sản xuất.
 
8. Yêu
 
Được chuyển thể từ tác phẩm đồng tính nam của Thái Lan – “TheLove of Siam”, bộ phim “Yêu” của đạo diễn Việt Max đã đem đến cho khán giả một câu chuyện tình cảm lãng của đôi tình nhân nữ Nhi và Tú ( do Chi Pu và Gil Lê đóng hai vai chính).
Phim chưa hẳn đã xuất sắc nhưng vẫn nhận được sự quan tâm của khán giả khi một đạo diễn trẻ lại mạnh dạn chọn một đề tài khá gai góc (đồng tính nữ) để làm phim khi trước đó không mấy người thành công.
 
9. 12 chòm sao - Vẽ đường cho yêu chạy 
 
Dù chỉ được sản xuất trong 20 ngày và còn nhiều “sạn” nhưng bộ phim về chiêm tinh và tình yêu giới trẻ mang tên “12 chòm sao - Vẽ đường cho yêu chạy” của đạo diễn trẻ Vũ Ngọc Phượng vẫn gây được tiếng vang sau khi ra rạp.
 
Phim là câu chuyện “hư cấu” nhưng lại khiến người ta yêu thích và đồng ý lạc trong thế giới hư cấu đó. Cùng với sự tham gia của dàn sao đều là hot boy và hot girl, “12 chòm sao - Vẽ đường cho yêu chạy” vẫn là tâm điểm của giới trẻ khi được ra mắt.
Cùng với “Yêu”, “12 chòm sao - Vẽ đường cho yêu chạy” là hai bộ phim Việt năm 2015 đánh dấu sự “trỗi dậy” của những đạo diễn trẻ với phong cách “dám nghĩ, dám làm”, sống vì đam mê, nhiệt huyết.
 
10. Dịu dàng
 
Sau thành công với "Trúng số”, Dustin Nguyễn tiếp tục gây bất ngờ với khán giả điện ảnh với vai diễn mới trong “Dịu dàng”. Lấy cảm hứng từ truyện ngắn “Người đàn bà dịu dàng” của nhà văn người Nga Fyodor Dostoyevsky được xuất bản vào năm 1876; đạo diễn Lê Văn Kiệt – người mà tên tuổi gắn liền với thành công của các phim như "Bụi đời" và "Ngôi nhà trong hẻm", đã phối hợp cùng với nhà sản xuất Trần Trọng Dần để chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh mang tên "Gentle - Dịu dàng". 
 
Bộ phim “Dịu Dàng” được đánh giá là phim xem được nhưng nặng về yếu tố nghệ thuật nên khó tránh khỏi tình trạng hờ hững của khán giả giải trí hiện nay. Tuy nhiên, nếu ai xem xong thì đều khó quên.
 
Nội dung bộ phim xoay quanh Thiện (Dustin Nguyễn thủ vai) – một ông chủ tiệm cầm đồ. Người đàn ông trung niên này yêu Linh (do Thanh Tú thể hiện) – cô gái trẻ có gia cảnh nghèo nàn, sống với hai người cô nhưng bị họ đối xử rất tệ bạc./.
 
Theo VOV.VN