“Tiếp sức” nhờ vốn vay chính sách

Về xã Thuận Sơn, nhiều người biết tới gia đình anh Nguyễn Thế Tuyên (sinh năm 1968) là tấm gương điển hình từ hộ nghèo vươn lên phát triển kinh tế. Anh Tuyên là thành viên tổ tiết kiệm và vay vốn xóm Thuận Phú, xã Thuận Sơn. Thời điểm năm 2007 nhà có 6 nhân khẩu, 2 vợ chồng là lao động chính và 4 con đang tuổi ăn học. Cuộc sống cả gia đình chỉ dựa mấy sào ruộng khoán, ngoài ra không có thu nhập gì khác, thuộc hộ nghèo, bữa cơm gia đình còn bữa đói, bữa no.

Anh Tuyên cho biết: Vì quá khó khăn nên 2 con đầu của tôi tốt nghiệp 12 là khăn gói đi làm thuê kiếm sống. Đến năm 2008 con thứ 3 thi đậu vào Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, tôi sợ kinh tế khó khăn không có tiền nuôi con ăn học, nhưng với sự động viên của Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm 8 (nay là xóm Thuận Phú) tôi đã mạnh dạn vay vốn chương trình học sinh, sinh viên tại NHCSXH để đầu tư cho con ăn học. Nhờ đó mà gia đình có đủ kinh phí để trang trải chi phí học tập cho con thứ 3, rồi đến đứa thứ 4.

Điểm tựa vững chắc của người dân Đô Lương ảnh 1
Từ nguồn vốn vay NHCSXH, gia đình anh Nguyễn Thế Tuyên ở xóm Thuận Phú, xã Thuận Sơn, huyện Đô Lương nuôi bò phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: Thu Huyền

Cũng năm 2009, anh Tuyên vay 7 triệu đồng để đầu tư mua một con bò cái về chăn nuôi sinh sản. Năm 2012 có thu nhập từ việc bán bê và đã thanh toán đầy đủ nợ cho ngân hàng. Năm 2013 tiếp tục xin vay 30 triệu đồng chương trình cho vay hộ cận nghèo với mục đích mua thêm 1 con trâu, 1 con bò cái về chăn nuôi sinh sản tạo đàn. Sau khi trả hết nợ ngân hàng với số tiền hơn 100 triệu đồng, năm 2020 thoát nghèo, anh vay thêm 100 triệu đồng để tiếp tục chăn nuôi sản xuất.

Với sự hỗ trợ của NHCSXH về nguồn vốn vay, sự hướng dẫn kỹ thuật trong chăn nuôi của các ban, ngành và sự nỗ lực của gia đình đã giúp cho gia đình tôi ổn định cuộc sống, có nguồn thu nhập tăng thêm từ chăn nuôi và sản xuất, kinh doanh. Đến nay, gia đình tôi đã thoát nghèo vươn lên trở thành hộ khá của toàn xã, tài sản hiện có là 15 con trâu, bò với trị giá khoảng trên 300 triệu đồng. Đặc biệt là hai con út của tôi được đi học, nay đã ra trường có việc làm ổn định và có thu nhập cao. Đó là cả một giấc mơ mà trước kia tôi chưa từng mơ tới. Trong đó, NHCSXH huyện Đô Lương, cán bộ Hội Nông dân xã Thuận Sơn và tổ tiết kiệm và vay vốn nơi tôi đang sinh sống là những người có công rất lớn để chắp cánh cho ước mơ của gia đình tôi trở thành hiện thực

Anh Nguyễn Thế Tuyên ở xóm Thuận Phú, xã Thuận Sơn, huyện Đô Lương.
Trang trại chăn nuôi của gia đình Nguyễn Thị Thảo ở xã Giang Sơn Đông (Đô Lương). Ảnh: Thu Huyền

Ở huyện Đô Lương còn có trường hợp bà Trần Thị Biện, 66 tuổi, xã Lam Sơn, hoàn cảnh chồng mất sớm khi con còn nhỏ, hai mẹ con ở trong một căn lều, làm thuê kiếm sống. Năm 2018, được NHCSXH cho vay 25 triệu đồng, Quỹ Mái ấm tình thương hỗ trợ 25 triệu đồng, bà con, đoàn thể giúp đỡ mẹ con bà xây dựng được căn nhà ngói rộng 35m2.

Tiếp đó, bà Biện còn được NHCSXH tiếp sức, cho vay vốn mua cặp bò sinh sản. Được NHCSXH cho vay lúc khó khăn nên bà luôn có ý thức trong việc gửi tiết kiệm. Thành thói quen, cứ mỗi lần ai thuê làm công bà cũng nghĩ ngay tới việc để dành 30 - 50 ngàn đồng gửi tiết kiệm qua tổ vay vốn. Hiện con trai đã tìm được việc làm gửi tiền về cho mẹ trả nợ dần. Bà cho rằng, đây là trách nhiệm với ngân hàng, với bà con chòm xóm. Mình vay còn để người khác vay.

Một gia đình ở xã Đà Sơn, huyện Đô Lương chăn nuôi bò từ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách. Ảnh: Thu Huyền

Hiện trên địa bàn có rất nhiều mô hình vay vốn chính sách mang lại hiệu quả tốt như: Gia đình chị Nguyễn Thị Lý ở xã Đà Sơn thuộc diện hộ cận nghèo, vay 100 triệu đồng (mỗi lần vay 50 triệu đồng) để đầu tư chăn nuôi, làm xưởng mộc. Hiện nay, đồng vốn chính sách phát huy hiệu quả, sản xuất kinh doanh thuận lợi, kinh tế gia đình ngày một khấm khá. Hay hộ chị Lê Thị Chung ở xóm 1, xã Đại Sơn, cuối tháng 2/2021 chị Chung vay 50 triệu đồng thông qua tổ vay vốn Hội Nông dân để mua 5 con bò, đến nay đàn bò của gia đình chị Chung phát triển tốt, giá trị đàn bò được nâng lên, cuộc sống gia đình chị Chung từng bước ổn định…

Tín dụng ưu đãi đồng hành cùng người dân

Trên địa bàn huyện Đô Lươnghiện có khoảng 266 trang trại, gia trại chăn nuôi, trồng trọt, và nhiều trường hợp trong số này được đầu tư từ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội.

Theo bà Nguyễn Thị Anh Quang - Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương, mấy năm gần đây, nguồn vốn của NHCSXH huyện Đô Lương liên tục tăng, năm sau nhiều hơn năm trước. Năm 2022, tính hết tháng 6, tổng nguồn vốn đạt trên 554 tỷ 152 triệu đồng, trong đó, ngân sách địa phương đạt 2 tỷ 771 triệu đồng. NHCSXH đã phối hợp hiệu quả với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, phổ biến chính sách vay vốn, đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao trách nhiệm sử dụng vốn vay của hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Nhờ đó mà nhiều hộ nghèo, cận nghèo của huyện đã tiếp cận được vốn vay ưu đãi để vươn lên trong cuộc sống.

Gia đình anh Phạm Văn Kiều ở xóm Hồng Phong, xã Lưu Sơn (Đô Lương) vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn NHCSXH đầu tư máy làm nhôm kính, phát triển sản xuất kinh doanh. Ảnh: Thu Huyền

Đến cuối tháng 6/2022, NHCSXH huyện Đô Lương đạt tổng dư nợ trên 552 tỷ 904 triệu đồng, tăng 8,77% so với đầu năm. Nguồn vốn đã giúp cho hàng nghìn lượt hộ phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Với quan điểm xóa nghèo nhanh nhưng phải bền vững nên chúng tôi luôn rà soát tập trung vốn cho vay hộ mới thoát nghèo và hộ cận nghèo, kịp thời tiếp sức để họ không quay lại tái nghèo, có đà vươn lên từ nguồn vốn chính sách. Song song với đó, chúng tôi đang tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 11 của Chính phủ, tạo điều kiện cho các đối tượng được thụ hưởng các nguồn vốn ưu đãi theo đúng chế độ quy định, bao gồm: Chương trình cho vay mua máy tính theo Quyết định 09/2022/QĐ-TTg, ngày 04 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ, Chương trình cho vay giải quyết việc làm cho các đối tượng bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 quay về địa phương sinh sống có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, Chương trình cho vay mua nhà và xây dựng, cải tạo sửa chữa nhà để ở theo Nghị định 100 của Chính phủ...

Ông Nguyễn Hữu Kỳ - Giám đốc NHCSXH huyện Đô Lương

Ngoài ra, các tổ chức nhận ủy thác các cấp tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các thành viên vay vốn tích cực tham gia gửi tiền tiết kiệm hàng tháng; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt qua NHCSXH.

Cùng với xóa nghèo bền vững, huyện Đô Lương đang trên đường đô thị hóa, tín dụng chính sách đã dành nguồn vốn đáng kể cho vay giải quyết việc làm, sản xuất - kinh doanh vùng khó khăn. Theo đánh giá của chính quyền, các ban, ngành trong huyện, cách làm của NHCSXH đúng, trúng, hiệu quả, mang lại thực tế sinh động ở nông thôn.

Bà Nguyễn Thị Anh Quang - Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương cho biết, những kết quả tích cực của hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn đang góp phần cùng huyện Đô Lương phấn đấu hoàn thành các mục tiêu: Năm 2023 đạt huyện nông thôn mới, năm 2025 trở thành huyện mạnh về kinh tế, văn hóa - xã hội phát triển, tiến tới thành lập thị xã Đô Lương…