(Baonghean) Ngành Giáo dục tỉnh ta hiện có gần 1.580 chi bộ trong số 1.589 trường học (số liệu đầu năm học 2011). Tuy nhiên, đến hết quý 3 năm nay chỉ có 548 chi bộ trường học có báo Nghệ An, đạt 34,6%.
Ngày 19/12/2011, Sở GD-ĐT đã ban hành công văn yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành thực hiện tốt việc mua và sử dụng báo đảng. Theo đó, ở mục 3: “Mỗi trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, trung tâm giáo dục, phòng Giáo dục và Đào tạo đặt mua ít nhất 1 số báo Nghệ An, việc mua báo phải thực hiện liên tục 12 tháng/năm”. Như vậy, những đơn vị nào không mua báo và cắt báo trong dịp nghỉ hè là trái với quy định của công văn này.
Đọc báo đảng tại Trường THPT Dân tộc nội trú Kỳ Sơn. Ảnh: Phan Toàn
Khảo sát ở 20 đơn vị huyện, thành, thị, đến thời điểm này, hầu hết các đơn vị giáo dục miền núi làm rất tốt chỉ đạo của Sở: Quỳ Châu 38/38 chi bộ có báo, Tân Kỳ 68/68, Quế Phong 48/48; Tương Dương 41/62; Quỳ Hợp và Kỳ Sơn đều có số lượng: 41/67 chi bộ có báo. Đáng tiếc, một số đơn vị đã chỉ đạo 100% chi bộ trường học đặt báo Nghệ An, nhưng đến kỳ nghỉ hè lại cắt: Đô Lương còn 79/90 chi bộ; Anh Sơn còn 19/71, Yên Thành 13/114, Con Cuông 3/48, Nam Đàn 24/73, Cửa Lò 3/21.
Bên cạnh đó, có 3 đơn vị đã từng nổi bật trong công tác phát hành và sử dụng báo Nghệ An nhưng đến nay lại nằm ở vị trí đáng báo động là Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc.
Thời điểm đó, lãnh đạo phòng Giáo dục Quỳnh Lưu và Nghi Lộc đã quyết định trích kinh phí cấp báo Nghệ An cho các chi bộ mầm non, nhờ đó 100% chi bộ trường học ở 2 huyện này có đủ báo Nghệ An. Tuy nhiên, sau khi lãnh đạo phòng thay đổi thì việc mua và sử dụng báo đảng cũng thay đổi: Quỳnh Lưu chỉ có 27/138 chi bộ có báo (đạt tỷ lệ 0,19%), Diễn Châu 28/126 (0,22%), Nghi Lộc 1/94 (0,01%). Tương tự, Thanh Chương 5/130 (0,03%), Hưng Nguyên 5/58 (0,08%), Nghĩa Đàn 15/68, Thái Hoà 13/28.
Vậy, các chi bộ trường học có những khó khăn gì? Vì sao các huyện miền núi làm tốt công tác này mà các huyện đồng bằng lại không?
Bà Hồ Thị Hương - Giám đốc Bưu điện huyện Quỳ Châu cho biết: “Theo tôi, dù ngành bưu điện có nỗ lực bao nhiêu nhưng để làm tốt công tác phát hành bảo đảng ở các chi bộ trường học, quan trọng nhất vẫn là uy tín của người đứng đầu ngành Giáo dục huyện đó, Quỳ Châu là một điển hình. Chỉ một công văn, trong đó nêu rõ việc đặt báo phải thực hiện từ đầu năm học và có đủ cả năm, chưa đầy một tuần lễ, 100% chi bộ đã đặt đầy đủ. Đặc biệt là các trường học đều đặt báo cả năm, nhưng quý nào trả tiền báo quý đó. Phòng Giáo dục không phải nhắc nhở, kiểm tra thời điểm sang quý hay nghỉ hè nữa. Không những vậy, việc đọc báo ở Quỳ Châu đã thành thói quen, nề nếp ở mỗi giáo viên, các đồng chí bí thư chi bộ còn mượn báo về cho gia đình đọc…”.
Sau nhiều năm nay ngành Giáo dục Tân Kỳ trắng báo Nghệ An, sang quý 2, Phòng Giáo dục huyện đã phối hợp với Bưu điện huyện cho nợ tiền báo, quý sau mua mới trả tiền quý trước. Trong các kỳ họp Hiệu trưởng (thường kiêm bí thư chi bộ nhà trường), Bưu điện đưa phiếu nhu cầu đến cho các bí thư ghi các loại báo cần đặt, Phòng Giáo dục yêu cầu nộp hoá đơn đặt báo. Với cách làm đó, các chi bộ không còn lý do để không thực hiện.
Quế Phong cũng là huyện thực hiện khá nghiêm túc chỉ đạo của Thường trực Huyện uỷ và Sở Giáo dục trong việc ban hành công văn chỉ đạo các chi bộ trường học mua báo. Phòng Giáo dục thống nhất với Bưu điện, nếu trường nào chưa có báo phòng sẽ trích kinh phí đặt mua, sau đó sẽ trừ lại nguồn kinh phí với đích cuối cùng là 100% chi bộ trường học có báo Đảng.
Đánh giá việc thực hiện mua và sử dụng báo đảng trong chi bộ trường học, ông Nguyễn Trọng Hoàn - Phó Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng: Các cấp uỷ, lãnh đạo chưa thực sự quan tâm các thông tin về kinh tế, văn hoá, xã hội từ báo chí, từ đó chưa chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của cấp trên, để tình trạng thiếu báo kéo dài, mặc dù nguồn kinh phí để mua 2 số báo bắt buộc là Nghệ An và Giáo dục và Thời đại không thiếu. Sau khai giảng năm học mới, Sở sẽ rà soát lại những đơn vị nào chưa thực hiện sẽ tiếp tục chỉ đạo và ban hành công văn để việc đặt báo trong các chi bộ trường học đi vào nề nếp.
Điểm sáng ở các huyện miền núi
Đạm Phương