(Baonghean) Xã Nậm Càn gồm 6 bản, thuộc huyện vùng cao Kỳ Sơn, với 343 hộ, 2.100 nhân khẩu, tất cả đều là người Mông. Do đặc điểm các bản trong xã cách nhau xa, đi lại khó khăn, nên trước đây hầu hết học sinh đến tuổi đi học không thể tới trường vì không an toàn, nhất là phải qua đèo, qua suối khi mưa lũ. Học sinh ít, có lớp chỉ có 2-3 em. Vì vậy, Trường Tiểu học Nậm Càn phải tổ chức theo hình thức lớp ghép. Việc dạy và học vì thế lại càng khó khăn, chất lượng giáo dục mãi không nhích được.

Những năm gần đây, được sự quan tâm nhiều mặt của cấp ủy, chính quyền xã và bộ đội biên phòng, Trường đã được phân thành 6 điểm trường gắn với 6 bản, tạo điều kiện thuận lợi để học sinh đi học. Hiện Trường có 366 học sinh với 24 lớp. Điều đáng mừng là hầu hết trẻ em trong độ tuổi đi học đều đã đến trường, các em chăm ngoan và nhiều em học giỏi. Năm học 2011-2012 có 48 em đạt danh hiệu Học sinh giỏi cấp trường; 6 em đạt danh hiệu Học sinh giỏi cấp huyện. Trường có 14 giáo viên dạy giỏi cấp trường; 7 giáo viên dạy giỏi cấp huyện.  Nhiều năm Trường được công nhận danh hiệu Tập thể lao động tiên tiến; riêng năm học 2011-2012 được công nhận là Tập thể lao động xuất sắc.

Điểm sáng Nậm Càn ảnh 1

                           Giờ thể dục của học sinh Trường Tiểu học Nậm Càn.

Điểm trường ở bản Nậm Khiên là một điển hình. Điểm này có 10 lớp, 140 học sinh. Nhiều năm nay, bản huy động trên 97% trẻ em trong độ tuổi đến trường, là điểm có tỷ lệ học sinh khá, giỏi cao và hàng năm số học sinh đạt từ trung bình trở lên chiếm gần 100% . Nhờ tổ chức tốt việc học ở cấp tiểu học, bản Nậm Khiên có số học sinh học lên ngày càng đông. Năm học 2011-2012, bản Nậm Khiên có 92 em học trung học cơ sở, 78 em học trung học phổ thông, 8 em đã và đang học cao đẳng, đại học ở các trường của tỉnh và Trung ương.

Trong số 40 cán bộ, giáo viên của Trường Tiểu học Nậm Càn có 8 giáo viên người Mông, 3 giáo viên người Thái, còn lại là người Kinh. Khó khăn lớn nhất là việc giáo viên người Kinh không biết tiếng Mông trong khi học sinh lớp 1, lớp 2 đa số chưa biết tiếng phổ thông. Nhà trường đã kết hợp việc dạy tiếng Mông cho học sinh để góp phần gìn giữ bản sắc dân tộc với việc dạy tiếng Mông cho giáo viên người Kinh. Nhờ vậy, hầu hết giáo viên trong trường đều có thể tiếp cận học sinh, giúp nâng cao chất lượng dạy và học.

Tuy địa hình phức tạp, đi lại giữa các cơ sở rất khó khăn, nhưng lãnh đạo trường đã tổ chức thăm lớp, dự giờ đúng định kỳ, kịp thời bổ cứu, động viên thầy cô giáo và học sinh. Các điểm trường tập trung xây dựng nền nếp trong mọi hoạt động. Nhờ vậy, học sinh không chỉ học văn hóa tốt mà còn được rèn luyện thể chất và tham gia hoạt động văn hoá có hiệu quả. Nhà trường còn có những đóng góp tích cực trong việc việc xây dựng đời sống văn hóa ở các bản.

Lăng Hồng Quang