Điểm mù trên xe ô tô được hiểu là khoảng không gian mà người lái xe không thể quan sát hay nhìn qua gương chiếu hậu bên ngoài khi điều khiển phương tiện lưu thông trên đường hoặc lùi xe. Đặc biệt là mỗi khi xe chuyển làn, quay đầu ở các ngã tư…
Đây là một yếu tố rất nguy hiểm vì nó có thể gây ra những va chạm hay thậm chí là tai nạn chết người. Đặc biệt, đối với các xe có kích thước càng lớn thì điểm mù cũng tăng theo tỷ lệ thuận.
Dưới đây là một số điểm mù mà lái xe hay gặp phải và cách khắc phục để có thể hạn chế.
1. Điểm mù trên gương chiếu hậu
Gương chiếu hậu bên ngoài là chi tiết kỹ thuật giúp hỗ trợ người lái quan sát hai bên của xe khi đang lưu thông. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp người lái xe sẽ không thể quan sát được hết các xe ở hai bên hông do nằm trong vùng điểm mù của gương. Điều này thường gây ra những tai nạn đáng tiếc cho nhiều người vì nghĩ hai bên đã an toàn.
Vì vậy, khi điều khiển xe tài xế mà muốn chuyển làn, sang đường, quay đầu… thì nên điều khiển xe ở tốc độ chậm và quan sát kỹ hai bên hoặc thậm chí ngoài đầu lại nhìn (dưới 3s) để có tầm quan sát tốt nhất. Hoặc có thể lắp một gương cầu nhỏ ở góc trái của gương chiếu hậu để tăng khả năng quan sát.
Bên cạnh đó, hiện tại ở một số mẫu xe hiện đại đã được trang bị tính năng cảnh báo điểm mù trên gương chiếu hậu giúp tăng khả năng lái xe an toàn. Hệ thống này hoạt động bằng cách quét ra-đa và đưa ra tín hiệu cảnh báo trên gương chiếu hậu nếu có phương tiện nằm ở vị trí điểm mù.
2. Điểm mù phía sau xe
Đây được coi là khoảng không gian lớn nhất mà người lái xe không thể quan sát qua gương chiếu hậu cũng như mắt thường. Điểm mù này có phạm vi khá lớn, kéo dài đến vài mét tính từ đuôi xe về phía sau. Điều này khiến người lái xe thường gặp phải những tai nạn đáng tiếc khi lùi xe.
Vì vậy, để khắc phục nhược điểm này, người lái có thể trang bị cho xe bộ cảm biến lùi hay camera phía sau. Hoặc có thể xuống xe quan sát xung quanh và phía sau trước khi tiến hành lùi xe.
3. Điểm mù ở cột trước (cột chữ A)
Cột chữ A (cột ở 2 bên khung kính chắn gió của xe) có ảnh hưởng lớn nhất đến việc hình thành nên điểm mù tùy theo góc đánh lái. Tuy không lớn nhưng nó vẫn có thể gây nguy hiểm cho người điều khiển xe nếu không chú ý quan sát.
Vì vậy, người lái xe khi chuyển hướng hay quay đầu chỉ cần nghiêng đầu quan sát để có góc nhìn tốt nhất. Trong trường hợp đi đèo núi, với những góc cua tay áo không có gương cầu cảnh báo bên đường, bạn nên bấm còi, nháy đèn để phát tín hiệu cảnh báo mỗi khi vào cua.
4. Điểm mù phía trước xe
Những mẫu xe gầm cao, xe bán tải, xe tải… thường có những điểm mù phía trước xe được tạo ra bởi chiều cao đầu xe, khiến tài xế không thể quan sát được các vật thể ở quá gần đầu xe. Vì vậy, khi gặp những xe tải, xe kích thước lớn… người tham gia giao thông nên giữ khoảng cách an toàn, không nên đi quá gần, cố vượt... vì có thể lái xe sẽ không nhìn thấy bạn và dẫn đến những tai nạn đáng tiếc.
Đồng thời, người lái xe cũng nên giảm tốc độ khi điều khiển qua khu vực đông dân cư, trường học, hay ngã tư, khúc cua… đồng thời cảm nhận các điểm mù trên xe, trang bị các công cụ hỗ trợ quan sát (gương cầu, camera, cảm biến…).
Bên cạnh đó, điểm mù cũng có thể được tạo ra do không điều chỉnh tư thế ngồi đúng cách hay chỉnh gương chiếu hậu không phù hợp với vị trí lái... Vì vậy, trước khi lên xe, người tài xế nên tập thói quen điều chỉnh ghế lái và gương chiếu hậu sao cho phù hợp nhất với mình để có tầm quan sát tốt nhất./.