Trước tình trạng các vụ vi phạm quyền lợi người tiêu dùng có xu hướng ngày càng gia tăng, gây thiệt hại không chỉ về tài sản mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người tiêu dùng. Chính vì vậy, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. So vớiPháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 1999, Luật có những điểm mới cơ bản sau:


+ Bảo vệ thông tin của người tiêu dùng: Luật khẳng định người tiêu dùng được bảo đảm an toàn, bí mật thông tin của mình khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền yêu cầu. Trường hợp thu thập, sử dụng, chuyển giao thông tin của người tiêu dùng thì tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm thông báo rõ ràng, công khai trước khi thực hiện với người tiêu dùng về mục đích hoạt động thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng; sử dụng thông tin phù hợp với mục đích đã thông báo với người tiêu dùng và phải được người tiêu dùng đồng ý...


+ Quy định cụ thể hơn về nghĩa vụ của người tiêu dùng: người tiêu dùng có nghĩa vụ kiểm tra hàng hoá trước khi nhận; lựa chọn tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không làm tổn hại đến môi trường, trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội, không gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của mình và của người khác; thực hiện chính xác, đầy đủ hướng dẫn sử dụng hàng hóa, dịch vụ. Thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không bảo đảm an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người tiêu dùng...


+ Các hành vi bị cấm trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng gồm: cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện những hành vi như lừa dối, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc cung cấp không đầy đủ, sai lệch, không chính xác hoặc che dấu thông tin về hàng hóa, dịch vụ, về uy tín, khả năng kinh doanh; cấm việc tiếp xúc, liên hệ trái ý muốn của người tiêu dùng từ 2 lần trở lên...


+ Hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, điều kiện giao dịch chung: Luật quy định khá đầy đủ việc đăng ký hợp đồng theo mẫu đối với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đó. Quy định này không chỉ giúp bảo vệ người tiêu dùng trong quá trình mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ cuộc sống hàng ngày mà còn giúp cơ quan nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.


+ Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng: tổ chức, cá nhân kinh doanh phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ bảo hành đối với hàng hóa do mình cung cấp, trong thời gian bảo hành phải cung cấp cho người tiêu dùng hàng hóa tương tự để sử dụng tạm thời hoặc có hình thức giải quyết khác được người tiêu dùng chấp nhận, phải chịu chi phí về sửa chữa và vận chuyển hàng hóa, linh kiện được bảo hành... Hàng hóa có khuyết tật, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, tiến hành thu hồi và báo kết quả với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.


+ Vai trò của tổ chức xã hội trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Luật bổ sung quy định nhằm nâng cao vai trò của tổ chức bảo vệ người tiêu dùng, góp phần xã hội hóa công tác bảo vệ người tiêu dùng như quyền tự khởi kiện vì lợi ích công cộng của tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Pháp lệnh chỉ quy định quyền khởi kiện của tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi được người tiêu dùng ủy quyền); quy định tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Nhà nước cấp kinh phí và các điều kiện khác khi tổ chức này thực hiện nhiệm vụ được cơ quan nhà nước giao.


 
+ Giải quyết tranh chấp theo thủ tục đơn giản: Luật quy định thủ tục giải quyết tranh chấp tại tòa án khá đơn giản khi tòa án áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong trường hợp vụ án dân sự đơn giản, cá nhân là người tiêu dùng khởi kiện; tổ chức, cá nhân trực tiếp cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng bị khởi kiện; vụ án đơn giản, chứng cứ rõ ràng; giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng.   


+ Miễn nghĩa vụ chứng minh lỗi và miễn tạm ứng án phí: Luật đưa ra quy định miễn nghĩa vụ chứng minh lỗi và miễn tạm ứng án phí cho người tiêu dùng khi tiến hành khởi kiện các tổ chức cá nhân vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Luật này thay thế Pháp lệnh năm 1999 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011.


Phương Hà