(Baonghean.vn) - Đền Vạn - Cửa Rào ở xã Xá Lượng, Tương Dương, Nghệ An), không chỉ được biết đến với sự linh thiêng, nằm ở vị trí độc đáo "tiền thủy hậu sơn", mà nơi đây còn có những cây cổ thụ được công nhận là Cây di sản Việt Nam, trong đó có cây me keo đã hàng nghìn năm tuổi.
Đền Vạn - Cửa Rào được xây dựng từ thế kỷ XIV, nằm ngay ngã ba sông ở xã Xá Lượng (Tương Dương). Đền được dựng ở vị trí đặc biệt, với thế "tiền thủy, hậu sơn". Bên phải đền là dòng Nậm Mô, bên trái là Nậm Nơn hợp lưu với nhau tạo thành sông Cả là thượng lưu của Lam giang. Vì vậy mà đây được xem là ngôi đền có vị trí độc đắc nhất Nghệ An. Đền thờ danh tướng đời Trần Đoàn Nhữ Hài (1280 - 1335), từ xưa trở thành một địa điểm tâm linh hết sức linh thiêng của người dân Tương Dương. Ảnh: Tiến Hùng Tháng 2/2017, hai cây cổ thụ trong khuôn viên đền chính thức được công nhận là Cây di sản Việt Nam. Trong đó, cây đa này được các chuyên gia xác định 700 tuổi, tồn tại trước khi ngôi đền được người dân xây dựng không lâu. Ảnh: Tiến Hùng Cây đa này có đường kính hơn 3 mét, cao trên 40 mét. Trước đây, cây đa này được trồng tầm gửi trên một cây săng vì cổ thụ. Sau này cây săng vì bị chết khô. Vì vậy mà thân của cây đa thực chất là hàng chục nhánh rễ đan xen nhau tạo thành, phía trong thân vẫn còn nhiều kẽ hở. Phần gốc thực chất của cây nằm cách mặt đất hơn 30 mét. Trải qua hàng trăm năm, rêu phong và nhiều loài dây leo bám dày vào thân cây. Ảnh: Tiến Hùng Cùng được công nhận Cây di sản, tại đây còn có cây me keo 1.000 tuổi. Tuy nhiên, do đã lớn tuổi, phần gốc của cây cổ thụ này đã bị hư hại nhiều. Ảnh: Tiến Hùng Trong khi đó, nhiều nhánh cây me keo này (góc trái) cũng đã bị bão làm gãy. Cây me keo còn được gọi là cây me nước hay keo tây, găng tây. Theo y học cổ truyền ở Việt Nam, vỏ và rễ cây me keo đều có tác dụng hạ nhiệt. Người ta có thể thu hái lá, rễ quanh năm để làm thuốc. Rễ thái nhỏ, phơi khô, lá thường dùng tươi. Lá me keo được dùng trị bệnh đái đường. Rễ dùng trị bệnh sốt rét. Thường dùng dưới dạng thuốc sắc. Ở Guyana, vỏ cây được sử dụng làm thuốc trị sốt. Ở Ấn Ðộ, nước sắc vỏ dùng làm thuốc thụt chống táo bón.... Ảnh: Tiến Hùng Ngoài ra, trong khuôn viên Đền Vạn - Cửa Rào còn có hàng loạt cây cổ thụ khác nhưng chưa được công nhận cây di sản. Trong khi đó, UBND huyện Tương Dương đang rốt ráo trùng tu lại ngôi đền. Theo ông Phạm Trọng Hoàng, sau khi hoàn thành, ngôi đền này được kỳ vọng sẽ là một điểm đến tâm linh thu hút nhiều du khách. Ảnh: Tiến Hùng Một cây đa cổ thụ khác trong khuôn viên Đền Vạn - Cửa Rào. Trải qua hàng trăm năm, nhiều nhánh, rễ của cây đa ôm trọn lấy bình phong được xây dựng trước đền. Ảnh: Tiến Hùng Rễ cây đa bám chặt vào bức bình phong. Ảnh: Tiến Hùng Cây bồ đề sau lưng ngôi đền có đường kính gần 2 mét. Đền Vạn - Cửa Rào hiện nay ngoài thờ danh tướng Đoàn Nhữ Hài còn phối thờ tam tòa thánh mẫu và thánh Trần Hưng Đạo. Năm 2009, ngôi đền được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Ảnh: Tiến Hùng Tiến Hùng