“Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” là một trong 2 chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội trong năm 2022 và như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhiều lần lưu ý là nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận, cử tri vì liên quan trực tiếp đến nhân lực, vật lực, tài lực của quốc gia.

Cơ bản, cuộc giám sát được tiến hành qua 2 bước. Đầu tiên các bộ ngành báo cáo theo yêu cầu của đề cương chung, tiếp đó Đoàn giám sát lựa chọn một số bộ ngành, địa phương để làm việc, khảo sát trực tiếp để đánh giá, rõ địa chỉ, “nói có sách, mách có chứng”. Điều đáng nói là thời hạn đã qua từ lâu nhưng đến nay Đoàn giám sát vẫn chưa nhận được báo cáo của rất nhiều bộ, ngành, địa phương.

giam_sat_chong_lang_phi1891391_742022.jpgĐoàn giám sát do Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương làm trưởng đoàn làm việc với một số bộ, ngành. Ảnh: Quốc hội

Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 9 vào 24/3 vừa qua, bà Nguyễn Thị Phú Hà – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát cho biết, đến ngày 23/3/2022, Đoàn giám sát chưa nhận được báo cáo của 32 bộ, cơ quan trung ương, 10 HĐND cấp tỉnh, 9 UBND cấp tỉnh, 2 tập đoàn, tổng công ty nhà nước. “Chất lượng báo cáo không đảm bảo yêu cầu của Đoàn giám sát, nội dung nhiều báo cáo rất sơ sài”.

Khi đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý giám sát có trọng tâm, trọng điểm, chỉ ra được địa chỉ và quy trách nhiệm rõ ràng nên “yêu cầu quy trách nhiệm ai không báo cáo, báo cáo sai chứ không có chuyện không chịu báo cáo”.

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đặt vấn đề: “Tại sao bộ ngành, địa phương này báo cáo còn nơi khác lại không? Trách nhiệm thế nào và đến bao giờ có báo cáo cho Đoàn giám sát tổng hợp đầy đủ, chính xác, toàn diện? Nơi nào không đảm bảo tiến độ, không báo cáo thì phải có biện pháp xử lý. Báo cáo chưa đạt yêu cầu thì phải bổ sung, đính chính với số liệu rõ ràng, minh bạch chứ không phải báo cáo để cho có”.

Hơn 10 ngày sau, thông tin từ Đoàn giám sát cho thấy, cho đến thời điểm hiện nay đã quá hạn gần 2 tháng, dù có nhiều văn bản bản đôn đốc, nhắc nhở, nhưng vẫn còn tới 26 bộ, ngành, cơ quan Trung ương và 7 địa phương chưa gửi báo cáo. Trong khi các thông tin từ báo cáo sẽ là cơ sở để Đoàn giám sát có đầy đủ chứng cứ xác đáng, đánh giá toàn diện, khách quan việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Hiện nay, các báo cáo không chỉ chậm, mà nội dung còn sơ sài, không có số liệu cụ thể, thể hiện ý thức chưa nghiêm trong việc tuân thủ các quy định của luật và là một trong những nguyên nhân dẫn đến những bất cập, thiếu sót trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đáng chú ý, danh sách 26 bộ, ngành, cơ quan Trung ương và 7 địa phương chưa gửi báo cáo đã được đăng tải công khai. Ngoài ra, Đoàn giám sát đề nghị các bộ, ngành, địa phương, đơn vị làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc không gửi báo cáo, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chậm nộp báo cáo.

Quốc hội quyết tâm đánh giá đúng tình hình, lý giải nguyên nhân để từ đó có giải pháp thực hiện hiệu quả, tạo nguồn lực phát triển vì  “thất thoát, lãng phí còn lớn hơn cả tham nhũng”, “so với nước giàu mới thấy ta quá lãng phí”, “phải xem chống lãng phí là trách nhiệm lớn”.

Trên cơ sở đề xuất của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị sàng lọc, lựa chọn tạo danh mục một loạt vụ việc lớn vi phạm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để từ đó có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe và tạo hiệu ứng xã hội; tránh việc nêu chung chung. Và việc “điểm danh” các bộ ngành, địa phương không chịu báo cáo cũng thể hiện quan điểm “chỉ rõ địa chỉ” mà Quốc hội nhiều lần nhấn mạnh./.