Theo đó, ngày 27/5, xã Bắc Lý nhận được thông tin có lợn bị bệnh tại 2 bản: Bản Buộc và bản Phoa Khoáng. Cán bộ thú y xã đã lấy mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm.
Đến chiều ngày 28/5, Chi cục Thú y vùng III có kết quả dương tính với 2 mẫu bệnh phẩm nói trên.
Ông Nguyễn Công Hiếu - Trưởng Trạm Chăn nuoi và Thú y huyện Kỳ Sơn cho biết, trong ngày hôm nay 29/5, cán bộ thú y huyện phối hợp với chính quyền địa phương trực tiếp đến ổ dịch để thống kê số lợn bị nhiễm bệnh dịch, lập hồ sơ, tiêu hủy lợn, đồng thời triển khai các giải pháp phòng chống, khống chế dịch.
Tuy nhiên, do tập quán chăn nuôi lợn thả rông của bà con nên công tác thống kê, tiêu hủy lợn có phần khó khăn, trong khi đó, các bản nằm xa trung tâm xã, giao thông đi lại còn nhiều bất cập.
Giải pháp trước mắt là khoanh vùng dịch. Giao cho các xã phân công lực lượng công an, quân sự tuần tra, trực chốt chặn, cấm không cho người dân vận chuyển lợn ra vào địa bàn “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, kể cả những bản chưa có dịch. Cùng đó, UBND huyện thành lập các chốt kiểm soát dịch bệnh động vật tại xã Chiêu Lưu và tại các đầu mối giao thông, điểm trọng yếu của các xã, thị trấn trên toàn huyện.
Như vậy, đến ngày 28/5, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn, 8 xã (chiếm hơn 1/3 số xã của huyện) đã có dịch tả lợn châu Phi, gồm: Mường Típ, Hữu Kiệm, Bảo Thắng, Bảo Nam, Keng Đu, Na Loi, Tà Cạ và Bắc Lý. Số lợn phải tiêu hủy trên 200 con.
Nguy cơ huyện biên giới rẻo cao này sẽ bùng phát dịch tả lợn châu Phi rộng hơn, bởi tình trạng lợn ốm chết vẫn còn tiếp tục xảy ra ở các xã.