(Baonghean) - Nghệ An hiện có 135 người mắc bệnh sốt xuất huyết, dịch bệnh này đã có mặt tại 10/21 huyện, thành, thị trong tỉnh. Cơ quan chức năng đang nỗ lực dập dịch trong khi người dân vùng tâm dịch vẫn còn tâm lý chủ quan...
Vào “tâm dịch” Diễn Châu
Những ngày này, không khí phòng, chống dịch sốt xuất huyết ở các xã ven biển Diễn Châu trở nên khẩn trương. Tâm dịch nằm ở các xã bãi ngang, có đường làng ngõ xóm chật hẹp, dân cư quần tụ; nhiều tập tục cũ ô nhiễm vệ sinh môi trường.
Diễn Ngọc là một xã miền biển của huyện Diễn Châu, với 3.220 hộ, cùng 14.977 nhân khẩu. Nhiều năm qua, Diễn Ngọc là xã trọng điểm của dịch sốt xuất huyết. Ca bệnh sốt xuất huyết đầu tiên được phát hiện ở xã vào ngày 10/7. Và sau 1 tháng, số người mắc bệnh đã lên tới con số 75, 7/12 xóm có người mắc. Từ đầu mùa dịch đến nay, gần như ngày nào ở xã Diễn Ngọc cũng xuất hiện ca bệnh mới, đỉnh điểm có ngày lên tới 13 trường hợp.
Trong cuộc giám sát thực tế cuối tháng 7, lãnh đạo ngành Y tế Nghệ An đã phê bình và yêu cầu xã tăng cường truyền thông, huy động toàn bộ lực lượng tham gia vệ sinh môi trường, diệt ổ bọ gậy, để phòng, chống dịch. Sau cuộc giám sát này, đến đầu tháng 8/2017, chính quyền xã Diễn Ngọc đã huy động tất cả các lực lượng của xã cùng phối hợp với cán bộ ngành Y tế, Bộ đội Biên phòng tỉnh vào cuộc phòng, chống dịch. Xã thành lập các tổ công tác liên ngành bao gồm cán bộ xã, trung tâm y tế huyện, cán bộ xóm đến từng nhà tuyên truyền người dân về bệnh dịch, hướng dẫn và cùng người dân làm vệ sinh môi trường, diệt các ổ bọ gậy.
Bác sỹ Nguyễn Trọng Tân - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Diễn Châu - Được phân công thường trực giám sát và hỗ trợ điều trị sốt xuất huyết tại xã Diễn Ngọc cho biết: Trong chiều ngày 8/8, các tổ công tác đã đến tuyên truyền vận động cho 325 hộ dân ở xóm Yên Thịnh và 144 hộ dân xóm Ngọc Tân. Và trong sáng ngày 9/8, cán bộ Trung tâm Y tế huyện tiếp tục đến từng hộ gia đình của 2 xóm này để phun thuốc diệt muỗi trưởng thành. Đến hết ngày 9/8, đã có 10/12 xóm ở xã Diễn Ngọc được phun thuốc diệt muỗi.
Cùng với ngành Y tế, huyện Diễn Châu đang tập trung toàn bộ lực lượng để khống chế và dập dịch. Bác sỹ Cao Đình Minh - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết, đến thời điểm này, ổ dịch sốt xuất huyết ở xã Diễn Thịnh đã được dập tắt, 19 người mắc đã điều trị khỏi; 5 ca mắc bệnh ở xã Diễn Bích đã khỏi 4, còn 1 đang điều trị, không phát hiện ca mắc mới. Các xã Diễn Phong, Diễn Thành, Diễn Kỷ đang huy động xã hội hóa nguồn đóng góp của người dân mua thuốc phun diệt muỗi để chống dịch.
Nguy cơ bùng phát trên diện rộng
Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cho biết, sốt xuất huyết bắt đầu xuất hiện tại tỉnh Nghệ An (ở huyện Diễn Châu) với 3 ca bệnh đầu tiên vào ngày 28/6. Tính đến ngày 9/8, toàn tỉnh có 135 trường hợp mắc, chưa có trường hợp tử vong. Số bệnh nhân mắc có mặt ở 10/21 huyện, thành, thị trong tỉnh, bao gồm: Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Quế Phong, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Yên Thành, TX. Hoàng Mai và thành phố Vinh. Trong đó, Diễn Châu có số lượng ca mắc lớn nhất với 106 người.
Ngoài huyện Diễn Châu, 29 ca mắc còn lại ở 9 huyện, thành, thị đã nêu đều là ca ngoại lai - người từ vùng dịch trở về hoặc người từ vùng dịch đến lây cho người trên địa bàn. Đơn cử 22 trường hợp mắc ở huyện Quỳnh Lưu đều ở 10 vùng dịch lớn của cả nước về (Đà Nẵng, Bình Dương, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Khánh Hòa, Đồng Nai, Sóc Trăng, thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội); 4 trường hợp mắc ở huyện Quỳ Hợp có 3 người từ Hà Nội, 1 người từ Lào về.
Tại khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An đang điều trị cho 2 trẻ mắc sốt xuất huyết là: Cháu Cao Đức Mạnh, 15 tuổi, ở phường Đội Cung, thành phố Vinh mắc bệnh do đi chơi ở Hà Nội về và cháu Chu Tuệ Nhi, 2 tuổi ở xã Hưng Hòa, thành phố Vinh mắc bệnh do lây từ chú ngoài Hà Nội về chơi 3 ngày. Trong đó, xã Hưng Hòa đang có nguy cơ dịch lan truyền vì nhiều đặc thù khác nhau.
Thực tế cho thấy, không riêng gì Diễn Châu hay Thành phố Vinh mà ở cả 10 huyện, thành, thị nguy cơ dịch lan truyền đều rất cao. Khi nguồn bệnh xuất hiện ở vùng có điều kiện vệ sinh không đảm bảo thì nơi rất có thể trở thành một ổ dịch.
Tiến sỹ Nguyễn Văn Định - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cho biết: Để khống chế, dập tắt các ổ dịch, Sở Y tế và trung tâm đã yêu cầu các đơn vị y tế tuyến huyện triển khai các biện pháp kế hoạch đã đề ra. Cụ thể là tăng cường giám sát dịch bệnh; tăng cường truyền thông về bệnh; tổ chức tốt điều trị tại chỗ (tránh tình trạng di chuyển bệnh nhân); xử lý ổ dịch bằng việc thu gom phế thải, diệt ổ bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi; huy động xã hội hóa phòng, chống dịch; tổ chức các đoàn giám sát, hỗ trợ từ tỉnh xuống huyện, huyện xuống xã.... Ngày 3/8 vừa qua, Trung tâm tiếp tục tổ chức tập huấn nhanh cho các đơn vị về xử lý ổ dịch bệnh, quy trình điều trị. Trung tâm đã hỗ trợ đầy đủ con người, máy móc, hóa chất cho các huyện đáp ứng đủ, kịp thời dập dịch xảy ra.
Theo tiến sỹ Định: Về lý, sau khi vệ sinh môi trường, phun thuốc thì các ca bệnh sẽ giảm. Thế nhưng ở Nghệ An các ca bệnh vẫn tăng là do chính quyền một số xã chưa quan tâm chỉ đạo quyết liệt, người dân còn chủ quan với bệnh chưa xử lý triệt để ổ bọ gậy. Ngoài ra, còn có một số yếu tố khách quan như dịch xảy ra tại các khu dân cư xây dựng theo kiến trúc đô thị nên việc phun thuốc khá khó khăn; tình trạng ca bệnh ngoại lai về địa bàn gây dịch.
Nghệ An vẫn chưa vào mùa dịch sốt xuất huyết (mùa dịch thường xuất hiện vào tháng 9 hàng năm). Vậy nên nguy cơ dịch bùng phát đang rất lớn. Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức phòng, chống dịch. Mọi gia đình cần làm tốt công tác vệ sinh môi trường. Gia đình có người mắc sốt xuất huyết ngoại lai thì người bệnh cần nằm trong màn triệt để (trong thời gian điều trị), cách ly với người nhà. Chính quyền địa phương, nhất là các xã, phường, thị trấn phải tích cực vào cuộc, cùng người dân phòng, chống dịch sốt xuất huyết hiệu quả.
Từ đầu năm đến nay tại Việt Nam có hơn 71,000 trường hợp mắc sốt xuất huyết và đã có 19 người thiệt mạng. Số bệnh nhân tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền Nam (chiếm 59%). Tại khu vực phía Bắc, lượng bệnh nhân tăng cao tại Hà Nội, trong tuần qua có thêm 2.745 ca mắc mới, nâng tổng số người mắc lên 11.751 người, chiếm gần 74% khu vực. Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Sốt xuất huyết sẽ đặc biệt nguy hiểm khi bệnh nhân mắc sốt xuất huyết trên nền một số bệnh khác như nhiễm khuẩn, đái tháo đường, huyết áp cao... Khi có các biểu hiện sốt cao, bệnh nhân cần được chuẩn đoán bệnh sớm tại các cơ sở y tế, không được tự ý điều trị tại nhà. Tự ý điều trị hay truyền dịch, bệnh nhân rất dễ gặp các biến chứng như tràn dịch màng phổi, bụng to, cổ trướng, xuất huyết bất thường, suy tạng và tử vong. |
Thanh Sơn