Hiện có nhiều cách gọi khác nhau về tên địa danh này. Người Việt Nam thì gọi là Biển Đông, trong khi người Trung Quốc gọi là Nam Hải, Nam Trung Hoa, còn người Philippines gọi là Biển Tây Philippines.

TS. Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ vừa có bài thuyết trình rất ấn tượng tại buổi Tọa đàm "Tranh chấp trên Biển Đông dưới ánh sáng của luật pháp quốc tế" do Nhà xuất bản TT&TT tổ chức chiều 10/9/2016 ở Hà Nội.

TS. Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ chia sẻ thông tin tại Tọa đàm.

Theo TS. Trần Công Trục, trong tư duy, quan niệm, nhận thức của nhiều người, kể cả trong giới nghiên cứu, giới quản lý, công chúng, và thậm chí cả chính khách quan trọng cũng chưa hiểu tường tận bản chất nội dung tranh chấp trên Biển Đông và vấn đề xử lý các tranh chấp thông qua luật pháp quốc tế. Còn nhiều ý kiến khác nhau, nhiều phát biểu chưa chính xác lắm.

TS. Trần Công Trục lưu ý rằng trước hết, cần thống nhất ngay tên gọi chuẩn về Biển Đông. Hiện có nhiều cách gọi khác nhau về tên địa danh này. Người Việt Nam thì gọi là Biển Đông, trong khi người Trung Quốc gọi là Nam Hải, Nam Trung Hoa, còn người Philippines gọi là Biển Tây Philippines.

Có tờ báo ghi tên địa danh là "Biển Đông" với hàm ý đây là một tên riêng địa danh của Việt Nam, cũng cũng có tờ báo chỉ ghi là "biển Đông", hoặc dịch sang tiếng Anh là East Sea hoặc Eastern Sea.

"Ông cha ta từ rất lâu đời đã dùng tên "Biển Đông" trong nhiều câu ca dao, tục ngữ. Những năm 80 của thế kỷ trước, trong một tư liệu chính thức của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đăng ký với Tổ chức Khí tượng thế giới, chúng ta đã đề nghị sử dụng từ "Bien Dong" (khi dịch sang tiếng nước ngoài cụm từ tên riêng "Biển Đông" - PV). Nếu dịch là East Sea hoặc Eastern Sea thì có nghĩa là đã dịch sai. Kiểu như tên Thủ đô Hà Nội khi dịch sang tiếng Anh phải dịch là "Hanoi Capital" chứ không phải "Internal River Capital". Hãy cứ dịch là "Bien Dong", nếu muốn để bạn bè quốc tế hiểu hơn về nội hàm của tên này thì mở ngoặc ghi thêm chữ East Sea hoặc Eastern Sea để chú thích", TS. Trần Công Trục phân tích.

Tại buổi Tọa đàm, TS. Trần Công Trục cũng đã phân tích khúc triết về một trong những tranh chấp chủ yếu trên Biển Đông hiện nay, đó là tranh chấp ranh giới biển, liên quan tới việc giải thích, áp dụng các quy định trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) để đàm phán, hoạch định các vùng chồng lấn.

Theo quy định của UNCLOS 1982, 36% diện tích biển hiện nay thuộc quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia có liên quan. Hiện có khoảng 415 vùng biển chồng lấn, cần đàm phán hoạch định (riêng khu vực châu Á có 15 vùng chồng lấn mà các bên cần phải đàm phán giải quyết).

"Việc xác định phạm vi các vùng biển phải căn cứ UNCLOS 1982 chứ không phải dựa vào một cơ sở vu vơ nào đó. Yêu sách phi lý như "đường lưỡi bò" của Trung Quốc đã không áp dụng đúng quy định UNCLOS 1982", TS. Trần Công Trục phân tích thêm.

Theo Infonet