Toàn bộ khu vực này có tổng diện tích 1,5 héc ta, là vùng đất mà 13 hộ dân Lào đã tự nguyện hiến cho Nhà nước để xây dựng Khu Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Đặng Văn Hồng - Việt kiều bản Xiengvang, gần 90 tuổi, cho biết: “Xiengvang, tiếng Lào có nghĩa là vùng bãi ngang sông Mê Kông. Thời chống Pháp, Xiengvang có tiếng là “vùng đất ngang bướng” mà thực dân tay sai nhận định và chúng vô cùng khiếp sợ, luôn xếp vào mục tiêu để đàn áp. Bản chúng tôi được hưởng phước lớn của Cụ Nguyễn Ái Quốc - Người từng sống và hoạt động cách mạng ở đây. Đến hôm nay, được Đảng, Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào xây dựng nên khu tưởng niệm này đã làm cho bộ mặt bản Xiengvang thực sự đổi mới, có đường nhựa, có điện về, thật là ơn phúc lộc của Cụ Hồ quá! Cụ Hồ luôn trong trái tim tôi và các thế hệ người dân Xiengvang”.

Địa chỉ đỏ nơi Bác Hồ hoạt động cách mạng tại Lào ảnh 1

Khu lưu niệm có ao cá Bác Hồ, nhà trưng bày các hiện vật về Bác và mối quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam.

Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đất Lào với bên này sông Mê Kông là tỉnh Khammuan của Lào và bên kia sông là tỉnh Nakhonphanom của Thái Lan. Những năm của thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, cư dân ở đây khá đông, có khi đến khoảng 500 hộ và tới hơn 5000 nhân khẩu. Do nhân khẩu mỗi năm mỗi tăng nên bản Xiengvang đã được chia thành 3 bản gồm Xiengvang tay (bản Xiêng Vang Nam), Xiengvang cang (bản Xiêng Vang Trung) và Xiengvang neua (bản Xiêng Vang Bắc).

Người dân bản Xiengvang chủ yếu giao tiếp với nhau bằng tiếng Việt và còn giữ nguyên cách phát âm của từng địa phương - nơi tổ tiên họ xuất phát, như tiếng Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An. Hiện bản có hơn 80 hộ, gần 400 nhân khẩu. Nét sinh hoạt văn hóa, thuần phong mĩ tục vẫn rất thuần Việt và ngôi làng, nhà cửa cũng theo phong cách Việt.

Chị

Kiều bào tại Lào đến dâng hoa, dâng hương Khu lưu niệm Bác Hồ ở Xiengvang.

Bản Xiengvang có rất nhiều gia đình và cá nhân được nhận Huân, Huy chương kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của 2 nhà nước Việt Nam và Lào. Đặc biệt, nhà nào cũng treo ảnh Bác Hồ và có ban thờ Bác.

Mỗi năm, ngoài duy trì đều đặn các ngày lễ chính như Tết Nguyên đán, Tết Độc lập của Việt Nam (2/9) thì ngày sinh Bác Hồ (19/5) hàng năm, bà con Việt kiều khắp mọi miền đất nước Lào, cũng như Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Lào đều hành hương về Xiengvang dâng hoa, dâng hương lên ban thờ Bác kính yêu, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với công lao của Người.

Đảng, Chính phủ Lào luôn quan tâm, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho bà con nhập quốc tịch Lào, xây dựng bản làng, giữ gìn thuần phong mĩ tục Việt Nam trong lòng đất nước Lào và coi đây là biểu tượng của tình hữu nghị đặc biệt Lào - Việt Nam.

Các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Lào đến dâng hương Bác ở Xiengvang.

Theo lịch sử Lào, bản Xiengvang là căn cứ địa của những người cộng sản Lào sát cánh, gắn kết với những người cộng sản Việt Nam. Trong khoảng những năm 1928 - 1929, Bác Hồ hoạt động tại các tỉnh Đông Bắc Thái Lan bên bờ Tây sông Mê Kông, Người thường bơi thuyền sang Xiengvang để lãnh đạo phong trào cách mạng; nghiên cứu tình hình, tuyên truyền, xây dựng phong trào, tập hợp lực lượng cách mạng Đông Dương ở cả 2 bờ Lào - Thái. Từ đó, phong trào cách mạng đã phủ khắp các tỉnh Đông Bắc Thái Lan, mà nòng cốt là Việt kiều. Xiengvang cũng là địa bàn khi kẻ địch gây hấn, truy sát bên này, thì cán bộ cách mạng vượt sông Mê Kông sang đất Thái hoặc ngược lại. Đối diện với bản Xiengvang bên kia sông trên đất Thái Lan là Ban May (Bản Mảy), tỉnh Nakhonphanom (Na-khon-pha-nôm), cũng đã được bà con Việt kiều tại Thái Lan xây dựng khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Để ghi nhận hành trình của người cộng sản Hồ Chí Minh trên đất Lào, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã quyết định xây dựng và khánh thành Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại chính ngôi làng thuần Việt này vào ngày 19/5/2012. Khu lưu niệm được xây dựng với sự kết hợp giữa kiến trúc Lào và Việt Nam, gồm 15 hạng mục, trong đó phía Lào đảm nhận 12 hạng mục, Việt Nam đảm nhận 3 hạng mục. Khuôn viên gồm nhà tưởng niệm và trưng bày; ao cá, vườn cây, giống cá và cây được mang từ Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội sang, trồng xen kẽ với một số giống cây tiêu biểu của Lào.

Trên ban thờ Bác là lẵng hoa của các cơ quan đại diện Việt Nam tại Lào và các cơ quan đoàn thể nước bạn Lào.

Nhân kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5), các tổ chức chính trị xã hội, các tầng lớp nhân dân Lào cũng đến Xiengvang dâng hoa, dâng hương lên ban thờ Bác, nguyện cùng với nhân dân Việt Nam tiếp tục tăng cường, củng cố, vun đắp mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Lào - Việt Nam mãi mãi là tài sản vô giá, là hành trang không thể thiếu của hai dân tộc trên con đường xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.