(Baonghean) - Báo Nghệ An chủ nhật, ngày 16/6/2013, có bài viết: “Chùa Phúc Long và di văn của một danh nhân xứ Quảng” đề cập tới một tác phẩm văn học của Danh nhân Phạm Như Xương, tại Diễn Châu. Sau đó chúng tôi tiếp tục tìm thấy thêm một bài văn nữa của ông chép trong cuốn “Hoan Châu bi ký”. Được biết, Hoàng giáp Phạm Như Xương là người chiêu tập nghĩa quân chống Pháp tại vùng Nam trung bộ, sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại giặc Pháp đã cho thiêu hủy toàn bộ tác phẩm của ông. Vì vậy, việc tìm thấy di văn của ông rất có ý nghĩa... 

Theo ghi chép trong cuốn Hoan Châu bi ký thì bài văn soạn vào ngày 20 tháng 4 năm thứ 4, niên hiệu Thành Thái (1892). Ở cuối ghi rõ: “Hoàng giáp khoa Đinh Hợi, người Ngũ Hành Sơn tỉnh Quảng Nam Phạm Như Xương soạn”.  Về ngôi đền thờ những người hiền tài xã Vạn Phần, đây là một nét rất độc đáo trong văn hóa làng xã Việt Nam xưa mà đất Vạn Phần là một địa phương tiêu biểu. Nó cho thấy sự kính trọng của nhân dân đối với những người con ưu tú, có nhiều cống hiến đối với nhân dân, Tổ quốc. Vì vậy “người có công đức với dân ắt sẽ được dân thờ phụng” (trích từ văn bia). Sau khi tìm thấy bài văn này, chúng tôi đã tổ chức đi điền dã, hy vọng tìm lại di tích này. Nhưng đáng tiếc, ngôi đền không còn nữa. Và tấm văn bia tại đền cũng không ai biết đến. May mắn là toàn bộ nội dung của nó đã được ghi chép lại đầy đủ trong Hoan Châu bi ký. 

Qua lời văn của Hoàng giáp Phạm Như Xương, chúng ta có thể hình dung được niềm tự hào về mảnh đất quê hương Vạn Phần nói riêng, quê Nghệ nói chung sinh ra những con người tài giỏi: “Xã Vạn Phần ta là một ấp đẹp của Diễn Thành. Biển bờ rộng rãi xanh trong, người vật tốt tươi giàu mạnh. Từ xưa đã sớm xưng là nơi văn hiến, nhân kiệt địa linh, hiền tài đông đúc… Ôi! Triều đình thì ở trên, thiên hạ thì rộng lớn nhưng đều biết đến đạo của xã ta mà hiền tài ở xã ta đều thành đạo ở trong thiên hạ. Vậy thì hiền tài, thân thuộc, vui vẻ, lợi lộc, đạo trị bình có thể nắm lấy như trong bàn tay vậy, há lại nói rằng nó chỉ có chút bổ ích thôi sao? Bậc hiền tài sau này không thay bỏ thì sẽ khiến cho tấm bia này cùng núi Hai Vai, biển Vạn Tân với vạc đồng trường tồn sừng sừng vậy”. (Trích dịch từ văn bia).

Nhà thờ họ Phạm Như tại xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Nhà thờ họ Phạm Như tại xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Trong lịch sử khoa cử xứ Quảng Nam (và cả miền Nam), Phạm Như Xương là người đỗ cao nhất với học vị Hoàng giáp. Ông làm quan ở trong triều rồi giữ chức Bố chánh tỉnh Phú Yên. Sau khi nghĩa quân chống Pháp do ông lãnh đạo bị tan rã, ông và gia quyến bị bắt giải về Huế. Vua Thành Thái lên ngôi ông, được ân xá và ra Nghệ An giữ chức Tri phủ phủ Anh Sơn. Vào thời điểm này, ông chính là người làm quan chủ khảo trong cuộc thi có Phan Bội Châu (khi đó mang tên Phan Văn San) dự thi và ông đã đánh giá rất cao về tài năng của cụ Phan.

Kỳ thi ở phủ Anh Sơn lần đó, sau khi Phan Văn San làm bài đạt loại ưu và được chọn vào phúc hạch với 6 học sinh khác để định thứ bậc cao thấp, cả sáu người kia đã vào thi được một lúc thì Phan Văn San mới tới. Hoàng giáp Phạm Như Xương lúc đó làm Chánh chủ khảo yêu cầu Phan Văn San phải làm đề riêng với nội dung: “Hoa nở bất cập xuân” (Hoa nở không kịp mùa xuân”, có ý trách Phan Văn San đến muộn. Nhận đề, Phan Văn San đặt bút viết ngay bốn câu thơ:

Chữ Hán, tạm dịch:

Nhờ chúa xuân lưu ý,

Cho đứng đầu trăm hoa.

Chỉ vì lòng khiêm tốn,

Nên chỉ nở dần dà!

Phan Văn San viết xong 4 câu thơ này, Chánh chủ khảo Phạm Như Xương liếc mắt nhìn qua và: “Chỉ cần 4 câu mở đầu thế này là dư sức đỗ đầu xứ rồi, không phải làm thêm nữa!”.

Sau này, Hoàng giáp Phạm Như Xương là một trong những người ủng hộ các phong trào yêu nước do Phan Bội Châu lãnh đạo, đặc biệt trong tổ chức Việt Nam Quang Phục hội, Hoàng giáp Phạm Như Xương giữ vai trò cố vấn. Các con trai của ông cũng là những người tham gia vào các phong trào yêu nước chống thực dân Pháp vào đầu thế kỉ XX như Phạm Như Chương, Phạm Như Giáp, Phạm Như Đỉnh… 

Xét về khoa cử, Hoàng Giáp Phạm Như Xương là người có học vị cao nhất trong lịch sử xứ Quảng (và cả toàn miền Nam), xét về quan trường ông lại là người đại trí thức song toàn giữa chính sự và quân sự. Cuộc đời làm quan yêu nước, thương dân nhiều lần đứng lên chống giặc Pháp xâm lược, được đồng liêu quý mến, nhân dân ngưỡng vọng. Ông còn là tác giả của nhiều tác phẩm văn học có giá trị lịch sử, nay đã bị mất hết. Việc tìm thấy hai tác phẩm văn học của ông tại Nghệ An, cũng như giai thoại giữa ông và cụ Phan, phần nào thấy được những tình cảm mà ông dành cho đất và người nơi đây. Điều này càng làm cho chúng ta cảm thấy tự hào khi lưu giữ được dấu ấn của một nhân vật lịch sử nổi tiếng như ông.

Trần Tử Quang (Thư viện Nghệ An)