(Baonghean) - Lênin là nhà tư tưởng lý luận, nhà hoạt động thực tiễn, lãnh tụ cách mạng kiệt xuất. Lênin đã kế tục vẻ vang sự nghiệp của Mác - Ăngghen, vận dụng sáng tạo và phát triển học thuyết Mác, để lại cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động bị áp bức một di sản tư tưởng lý luận vô giá. Đó là:
 
1. Học thuyết của V.Lênin về chủ nghĩa đế quốc và cách mạng vô sản.
 
Lênin là người đã nghiên cứu sâu sắc chủ nghĩa đế quốc và chỉ ra bản chất của nó.
 
Lênin đã vạch ra con đường cách mạng vô sản, đã lãnh thành công cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại năm 1917, đưa đến sự ra đời một nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới, mở ra thời đại lịch sử mới - thời đại nhân dân lao động đứng lên làm chủ xã hội, thời đại giải phóng các dân tộc bị áp bức.
 
Trong di sản tư tưởng lý luận của Lênin về cách mạng vô sản, Người đã chỉ ra một chân lý vĩ đại là sự nghiệp giải phóng giai cấp vô sản không thể tách rời sự nghiệp giải phóng các dân tộc bị áp bức. Cuộc cách mạng của giai cấp vô sản các nước đi áp bức và cuộc cách mạng giải phóng các dân tộc bị áp bức phải ủng hộ lẫn nhau. Người đã bổ sung thêm vào câu khẩu hiệu cách mạng nổi tiếng trong Tuyên ngôn cộng sản của Mác - Ăngghen: "Vô sản tất cả các nước liên kết lại", thành khẩu hiệu: "Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại".
 
2. Lênin cũng là người đầu tiên vạch ra, gợi ý những vấn đề thực tế xây dựng một hình thái kinh tế xã hội mới xã hội chủ nghĩa chưa từng có trong lịch sử.
 
Mặc dù sau Cách mạng Tháng Mười phải tập trung vào đánh thù trong giặc ngoài, bảo vệ cách mạng, Người chưa thể đề ra được một cách hoàn chỉnh các mặt của công cuộc xây dựng một xã hội mới, mà chỉ phác họa những nét cơ bản về chính sách ban đầu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhiều luận điểm Lênin đề ra lúc đó như Chính sách kinh tế mới (NEP), nhiều luận điệu về quan hệ chính trị - kinh tế, vấn đề nông dân và nông nghiệp. Lênin còn chỉ ra rằng, quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội phải trải qua nhiều bước quá độ với nhiều hình thức, làm sao khai thác được mọi tiềm năng nhân tố bên trong và bên ngoài nhằm phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất tăng dân nhân tố xã hội chủ nghĩa.
 
Những luận điểm trên không những có ý nghĩa với nước Nga lúc đó mà còn có ý nghĩa quốc tế hiện nay.
 
3. Di sản tư tưởng lý luận của Lênin để lại còn là tư tưởng về xây dựng Đảng kiểu mới và xây dựng một nhà nước mới với bản chất là cơ quan quyền lực của nhân dân.
 
Những quan điểm của Lênin về vai trò của Đảng Cộng sản trong cuộc đấu tranh giành chính quyền, đặc biệt là những luận điểm của đảng cầm quyền xây dựng chủ nghĩa xã hội, đó là điều kiện quyết định sự thành công. Lênin cảnh báo nguy cơ của một đảng là sai lầm về đường lối và quan liêu xa rời quần chúng, kiêu ngạo cộng sản.
 
Lênin cho rằng, đảng phải thực hiện dân chủ trong nội bộ, thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, chống mọi biểu hiện bè phái.
 
Nhân dân Việt Nam ta mãi mãi ghi nhớ công ơn vĩ đại của Lênin và các dân tộc Liên Xô trước đây đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc ở nước ta.
 
Khi đi tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại là người Việt Nam đầu tiên đã tìm thấy ở chủ nghĩa Lênin, đặc biệt là khi gặp Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin, thấy được con đường duy nhất đúng đắn để giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Bản luận cương làm cho tôi cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao". Và Người khẳng định: "Đây là con đường giải phóng chúng ta".
 
Trong suốt 82 năm qua, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo học thuyết của Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, lãnh đạo nhân dân giành những thắng lợi lịch sử: Làm cách mạng tháng Tám thành công; đánh bại hai cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đưa dân tộc bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do và thống nhất đất nước.
 
Hiện nay, Đảng ta đang lãnh đạo công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mặc dầu điều kiện lịch sử đương đại của Lênin có khác nhiều so với sự phát triển hiện nay, song tư tưởng cơ bản của Chính sách kinh tế mới và những luận điểm gợi ý của Lênin về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội vẫn được Đảng ta coi là những tiền đề tư tưởng lý luận, những gợi ý quý báu cho công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay.
 
Mặc dầu trước mắt còn có nhiều khó khăn, thách thức, nguy cơ, song tin tưởng Đảng và nhân dân ta biết trân trọng những di sản tư tưởng quý báu của Lênin, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn, nhất định sẽ đưa công cuộc đổi mới đất nước thành công.

Nguyễn Yêm