(Baonghean) - Ngày 10/1, Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu chia tay tại thành phố quê nhà Chicago, bang Illinois, trước khi rời Nhà trắng 10 ngày sau đó. Đây cũng lúc nhìn lại và đánh giá những di sản mà vị Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ để lại sau 8 năm cầm quyền.
Kinh tế
8 năm sau lễ nhậm chức của ông Obama, nước Mỹ chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp 4,6% - mức thấp nhất trong 1 thập kỷ, các thị trường chứng khoán đạt mức điểm cao kỷ lục, giá nhà hồi phục từ cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử, tăng 23%.
Ngoài ra, có khoảng 11 triệu việc làm đã được tạo ra dưới sự lãnh đạo của ông Obama và phần lớn sự phục hồi trong việc làm nằm trong ngành dịch vụ hay chăm sóc sức khỏe. Tuy vậy, ngành sản xuất mất dần vị thế bởi các nước khác hay con người bị thay thế bởi robot.
Mặc dù có khá nhiều chiến công trong kinh tế, tuy nhiên, sự tăng trưởng của nước Mỹ có thể coi là thiếu chắc chắn khi mà nhiều người cảm thấy bị trả mức lương thấp và việc làm thiếu bền vững.
Còn đối với Tổng thống kế nhiệm - ông Trump, một cuộc giải phóng cho lực lượng tư bản có thể diễn ra khi mà vị Tổng thống đắc cử này tuyên bố sẽ xóa bỏ các đạo luật, trong đó có cả những điều mà Tổng thống tiền nhiệm đặt ra.
Biến đổi khí hậu
Barack Obama có thể coi là Tổng thống “khí hậu’’ đầu tiên của Mỹ. Mặc dù ít đề cập đến vấn đề khí hậu trong 2 chiến dịch tranh cử của mình nhưng vào giai đoạn cuối nhiệm kỳ, ông Obama đã có những bước đi rất đáng kể liên quan đến môi trường và khí hậu. Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đã được thông qua trong chưa đầy 1 năm nhờ sự thương thuyết của ông Obama đối với Trung Quốc để đạt được sự đồng thuận.
Mặc dù những khó khăn trong tiến trình chống lại biến đổi khí hậu vẫn còn và hiệp định còn chưa hoàn thiện, nhưng so với những thất bại của Kyoto hay Copenhagen thì bước tiến này vẫn được kỳ vọng. Đối với trong nước, ông Obama đã thất bại khi cố gắng xây dựng một hệ thống hạn chế và trao đổi chất thải nhằm giảm thiểu khí thải cũng như đặt ra các quy định đối với các nhà máy đốt than đá.
Tuy vậy, các động thái khác như giảm thiểu rò rỉ khí metan hay cải thiện hiệu năng sử dụng nguyên liệu của xe cộ vẫn có hiệu quả. Ngay trước Giáng sinh, ông Obama đã cấm vĩnh viễn việc mở thêm giàn khoan mới ở hầu hết các vùng biển của Mỹ tại Bắc Cực và Đại Tây Dương. Đây là nỗ lực bảo vệ môi trường cuối cùng trước khi trao quyền cho Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Obamacare
Vấn đề chăm sóc sức khỏe cho người dân đã trở thành điểm nóng trong cuộc vận động tranh cử năm 2008. Tại thời điểm đó, không có một kế hoạch nào của Chính phủ Mỹ về sức khỏe, người dân không có bảo hiểm y tế (thương mại), chịu những khó khăn trong hệ thống y tế đắt đỏ nhất thế giới.
Các vấn đề về sức khỏe của người dân Mỹ là nguyên nhân của một nửa số vụ việc phá sản bởi chi phí điều trị. Trong khi đó, các bệnh nhân ung thư còn bị từ chối từ dịch vụ bảo hiểm vì thời gian sống ngắn ngủi.
Trước thực tế đó, Obama vận động cho một chính sách bảo hiểm y tế rộng rãi (Obamacare) với việc trả tiền một lần duy nhất giống như một số chương trình ở các nước châu Âu. Tuy nhiên, những gì mà Quốc hội Mỹ thông qua - đạo luật chi phí chăm sóc hợp lý - đơn giản là thỏa hiệp giữa Chính phủ và lĩnh vực bảo hiểm. Người dân Mỹ sẽ buộc phải mua bảo hiểm cho các công ty; đổi lại ngành bảo hiểm phải bãi bỏ một số chính sách hạn chế quyền lợi của khách hàng. Đạo luật được thông qua trong nửa đầu nhiệm kỳ của ông Obama.
Mặc dù đã cung cấp bảo hiểm y tế cho 22 triệu người Mỹ, đặc biệt là người nghèo, nhưng nó gặp phải phản đối từ Đảng Cộng hòa đối lập khi mà Quốc hội chịu sự kiểm soát của Đảng Dân chủ thông qua. Hơn nữa, tuy số người Mỹ đăng ký bảo hiểm y tế đang ở mức kỷ lục, hệ thống y tế mà ông Obama tạo ra vẫn chưa hoàn hảo khi mà giá toa thuốc tăng, các công ty bảo hiểm lấy đi hàng ngàn USD từ khách hàng. Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố sẽ thay thế chương trình Obamacare ngay khi vào Nhà Trắng.
Chính sách đối ngoại
Dường như chính sách đối ngoại của ông Obama đã được đề cao trước cả khi nó đi vào thực tế. Ngay sau khi nhậm chức 9 tháng, Tổng thống Obama đã được trao giải Nobel hòa bình, tại thời điểm đó, thành tựu chính của ông là những phát biểu đầy tham vọng về Trung Đông và chính sách phổ biến vũ khí hạt nhân. Tránh những sai lầm của người tiền nhiệm ông George W. Bush, Tổng thống Obama dường như thận trọng hơn trong việc can thiệp quân sự.
Việc coi Iran không phải là một khối thù địch đã dẫn đến việc đạt được thỏa thuận tháng 7/2015 tại Vienna, Áo khi mà Tehran chấp thuận những giới hạn nghiêm ngặt về chương trình hạt nhân - được coi là một thành tựu ngoại giao của ông Obama. Bên cạnh đó, việc tái lập quan hệ với Cuba đã chấm dứt một chính sách cô lập thất bại đã tồn tại nửa thế kỷ. Mặc dù không trực tiếp can thiệp quân sự, tuy nhiên, việc can dự vào Libya làm căng thẳng mối quan hệ với Nga hay cuộc nội chiến Syria khiến gần nửa triệu người chết có thể làm lu mờ đi những di sản ngoại giao mà ông Obama có được.
Tội phạm và nhập cư
Tổng thống Obama để lại phía sau một di sản chắp vá về vấn đề nhập cư khi mà dưới thời vị Tổng thống này đã có 2,5 triệu người bị trục xuất nhiều hơn bất kỳ một người tiền nhiệm nào. Tuy nhiên, ông Obama cũng là người có quyết tâm trong việc đảm bảo tình trạng pháp lý cho hàng triệu trẻ em nhập cư không có giấy tờ cũng như cha mẹ chúng.
Về vấn đề tội phạm, dưới thời ông Obama, số lượng tù nhân đã lần đầu tiên giảm đều sau nửa thế kỷ. Mặc dù vậy, trong 2 năm cuối cùng của nhiệm kỳ, các vụ thảm sát cũng như giết người bằng súng đã tăng cao. Tại Chicago - quê hương ông Obama, số vụ giết người đã tăng 50% trong năm 2016. Trên thực tế, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Tổng thống Obama đã đề cập đến lệnh cấm vũ khí tấn công, tuy vậy, những nỗ lực trong kiểm soát súng đạn đều bị Quốc hội từ chối.
Phan Vũ