(Baonghean.vn) - Sông Lam Nghệ An đoạn chảy qua Hưng Nguyên (gần biển) cho người dân nơi đây một nguồn lợi tự nhiên độc đáo: cáy và rạm. Cáy, rạm không chỉ là thực phẩm ngon, sạch hàng ngày, mà còn tạo việc làm và thu nhập cho hàng trăm hộ dân nơi đây. 

a
Một con cáy hoa ở Hưng Nguyên. Cáy có hình dạng giống cua, chân có nhiều lông. 

Cáy sinh sản nhanh, nhiều, sống khắp các vùng nước lợ ven sông như bãi bùn, bãi lác, khe hói… còn rạm thường đào hang cạn ven sông, ruộng để nấp và bơi theo con nước. Ở Hưng Nguyên, người dân các xã ven sông Lam như Hưng Lợi, Hưng Nhân, Hưng Khánh, Hưng Lam, Hưng Phú… thường đi bắt cáy, rạm để cải thiện bữa ăn và kiếm thêm thu nhập.

Tùy điều kiện cụ thể từng vùng, người dân địa phương có cách đánh bắt cáy, rạm thích hợp. Buổi sáng, ở những bãi sông có bùn, cỏ lác, dân vạn chài dong thuyền ven bờ, dựng 2 tấm ván gỗ lùa cáy vào xô, chậu hoặc giương khung lưới hình chữ nhật có dải phía sau dài 7 – 8 m. Sau đó, 2 người cầm nhành cây lùa cáy từ các bụi lác chạy vào khung lưới đã giăng sẵn.

Người không có lưới, thuyền, có thể dùng vỏ chai nước khoáng, chai dầu ăn, cắt đi phần cổ, bỏ mồi nhử (cám, thịt ốc…) dựng sát bùn ở những nơi có cáy ven sông, hói, chờ cáy vào nhiều rồi đổ vào xô.

Buổi tối, khi nhiệt độ hạ xuống, cáy, rạm đồng loạt ra khỏi hang, người dân đội đèn, đi dọc bờ sông, khe hói mà nhặt.

Bắt cáy, rạm bằng cách thả ống, trong ống có bỏ mồi cám, thịt ốc..là cách bắt đơn giản mà hiệu quả
Thành quả sau một buổi đi bắt cáy, rạm của người dân Hưng Nguyên

Xã Hưng Lợi là nơi có cáy, rạm đánh bắt được nhiều nhất huyện, khoảng 20 – 30 tấn/tháng (rạm chiếm số lượng ít, khoảng 1/100). Ở xóm 2, ngoài những hộ dân đi bắt cáy, rạm tranh thủ, có 2 hộ làm nghề đã lâu năm. Hàng ngày, họ lên thuyền đi làm lúc 2 - 3h sáng và về lúc 9 - 10 h trưa, mỗi buổi bắt được 20 – 30 kg cáy/thuyền. 

Hiện nay, cáy, rạm trở thành đặc sản và được đưa đi ngoại tỉnh, việc đánh bắt, mua bán cáy rạm dần trở nên sôi động hơn. Cáy rạm đánh bắt được thường mang đến nhập cho cơ sở thu mua để đóng gói chuyển đi Hải Phòng, Hà Nội hàng ngày.

Cáy rạm đánh bắt được đổ về nơi thu mua, làm sạch và phân loại.
Cáy, rạm chuẩn bị được đóng gói để đưa đi các tỉnh.

Cáy, rạm có thể chế biến thành nhiều món ăn bổ dưỡng. Sau khi sơ chế, cáy, rạm có thể được hấp luộc, chiên xào, nấu canh, làm chả…tùy vào sở thích của từng người, từng nhà. Riêng món mắm cáy làm từ thịt cáy với muối, riềng, thính ủ chín là đặc sản được nhiều người ưa thích, hương vị đặc trưng.  

Đặc sản mắm cáy ăn cùng rau khoai luộc. Ảnh: Internet

   Huy Thư

TIN LIÊN QUAN