(Baonghean) - Thời gian gần đây tôi hay nhớ quắt quay một cái chợ. Không phải chợ Vinh, chợ Quang Trung hay chợ Ga, cái chợ của tôi bé bé thôi, mà thực ra tôi cũng không nhớ rõ nữa. Phần vì nó chỉ còn trong kí ức mơ hồ thủa nhỏ, phần vì bây giờ trên nền chợ xưa cũ ấy đã mọc lên một công viên giải trí. Bao nhiêu năm đi xa rồi trở về, cũng có những lúc nhung nhớ bâng quơ, nhưng chẳng có cái nhớ nào thiết tha như nỗi nhớ một chiều gần cuối năm này. Nhớ đến đau lòng. 

Tôi nhớ một chiều nào đó, cũng những ngày gần Tết lạnh heo hắt và có mưa phùn như chiều nay, vắt vẻo sau chiếc xe đạp mini già cỗi, nhìn tóc bà phất phơ loáng thoáng bạc dưới vành nón lá đi giữa một màu hoa đào nhuộm hồng cả vệt trời. Đôi lúc điểm vào sắc vàng của mai miền Nam, khiến tôi ngẩn ngơ tưởng sao hôm mới mọc. Thời ấy ở mình chưa chuộng mai như bây giờ, người ta thường chỉ chưng đào ta và đào Nhật Tân, nên mai vàng thành ra lạ lẫm. Nhắm mắt nhớ lại những cái Tết xưa cũ ấy, thấy kí ức nhạt nhòa quá, chỉ mơ hồ một vệt hồng của cánh hoa đào nào rơi trên mi mắt cay xè. Ở bên này quen với cửa hàng, siêu thị, Tết đến nhìn hàng người xếp hàng ở quầy tính tiền, nao lòng nhớ cái chợ Tết xưa. Bất chợt chiều nay đi qua khu phố châu Á, thấy nhấp nhổm người đứng kẻ ngồi bên mấy sạp hàng con mà ngẩn ngơ. Không ồn ào, không hào nhoáng, chỉ mấy mớ rau, mấy chồng bánh chưng, bánh tét, bán rán, bánh giò, mấy người đàn bà trông rõ là những kẻ tha phương đã lâu, cũng đủ họp thành một thứ chợ cóc. Vô định bước qua, lời rao bán đã lâu lắm không được nghe bỗng níu chùng cả trái tim, khiến tôi thổn thức. Không biết đã bao nhiêu mùa xuân rồi không được thấy lại cảnh chợ Tết này? 

Mua bánh chưng trong siêu thị Tang Frères (quận 13, Paris) về đón tết. Ảnh minh họa

Cái chợ Tết của tôi! Vẫn nghĩ rằng Tết buồn là Tết xa nhà, nhưng khi Tết xa nhà vắng cả những gì gợi cho ta nhớ về Tết thì còn buồn hơn nhiều lắm. Bởi vì đâu đó trong tôi vẫn biết rằng mười ngàn cây số không phải là vô tận. Có những thứ dù không thay thế được cái Tết đoàn viên nhưng cũng rút ngắn đi phần nào khoảng cách của 6 múi giờ. Là khi gói vụng về một chiếc bánh chưng, nghĩ đến nồi bánh chưng ở nhà giờ này cũng đang lục bục sôi trên bếp lửa hồng. Là khi nín thở chỉnh giờ, chờ kim đồng hồ nhích sang con số 12, nghĩ đến tiếng pháo giao thừa râm ran và mùi hương trầm ngào ngạt. Là cảm giác ta đang sống cùng một khoảnh khắc, một nỗi nhớ niềm thương dài hơn nửa bán cầu. Tất cả những điều đó nhắc cho tôi biết rằng tâm hồn tôi vẫn neo đậu ở một nơi xa xôi, nhưng sẽ lại gần bên nhau vào một tháng năm sắp tới nào đó của cuộc đời. 

Đi chợ Tết, một thói quen đã thành phong tục, không biết rồi đây có mai một không? Tôi vẫn thầm cầu nguyện mỗi mùa xuân xa nhà rằng mai đây khi trở về, vẫn còn được theo bà, theo mẹ đi chợ Tết. Bởi thành phố của hiện đại và đổi mới đã biết đến siêu thị, cửa hàng, vậy thì nỗi lo sợ của tôi đâu phải là vẩn vơ vô cớ? Người ta vẫn thường thờ ơ vô cảm với những gì thân quen quá, bởi nghĩ chúng là hiển nhiên nên vô giá trị, để rồi khi lãng quên, đánh mất đi rồi mới tiếc nhớ đến đau lòng. Hoặc để đến lúc đi xa, đến lúc không còn chạm tới được nữa mới biết điều gì là đáng yêu, đáng quý. Để một chiều Paris có gió lạnh và mưa phùn rất giống với một chiều Việt Nam gần Tết, có đứa con xa nhà ăn chiếc bánh chưng trong nước mắt hay là nước mưa? 

Hải Triều (Email từ Paris)