Vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, có một lễ vật không thể thiếu khi dâng lên 18 đời Vua Hùng chính là những chiếc bánh chưng, bánh giầy. Sự tích bánh chưng, bánh giầy khởi nguồn từ vùng đất Tổ, trải qua hàng nghìn năm lịch sử, đến nay chiếc bánh ấy đã trở thành biểu trưng của văn hóa dân tộc Việt Nam .

Dẻo thơm lễ vật dâng các Vua Hùng ảnh 1

                  Thi gói bánh chưng tại Lễ hội Đền Hùng

 

Giỗ Tổ Hùng Vương vào mùng 10-3 âm lịch hàng năm, giờ đây đã trở thành ngày Quốc giỗ. Vào ngày này, con cháu mang dòng máu Lạc Hồng dù ở phương trời nào cũng hướng về vùng đất Tổ Phú Thọ, tưởng nhớ sâu sắc công đức dựng nước, làm nên thời đại Hùng Vương và nhà nước đầu tiên trên lãnh thổ Việt Nam. Từ khắp phương trời, con cháu Lạc Hồng lại về với đất Tổ, dâng lên Vua Hùng những sản vật do chính mình làm ra. Trong những lễ vật dâng lên cúng tế các Vua Hùng như: xôi, oản, trầu cau, chuối, hương hoa, ngũ quả... không thể thiếu chiếc bánh chưng, bánh giầy. Có thể khẳng định, bánh chưng có vị trí đặc biệt trong tâm thức của cộng đồng người Việt. Chẳng thế mà, nhiều kiều bào ta ở nước ngoài, mỗi dịp Tết đến, Xuân về đều cố gắng nhờ người từ quê nhà gửi sang một hai chiếc bánh chưng... để đỡ nhớ hương vị ngày Tết cổ truyền của quê hương.

 

           

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, chiếc bánh chưng đã song hành cùng lịch sử dân tộc và trở thành linh hồn ngày Tết ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Ngày nay, một trong những hoạt động văn hóa không thể thiếu trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng, đó là phần thi gói bánh chưng. Đội nào giành giải Nhất sẽ vinh dự được lựa chọn để gói bánh dâng lễ các Vua Hùng vào năm sau. Năm nay có 9 tỉnh được mời tham gia nấu bánh chưng, bánh giầy và diễn xướng văn hóa dân gian, gồm Hà Nội, Hòa Bình, Hải Dương, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Yên Bái, Lào Cai, Vĩnh Phúc và Thái Nguyên. Để có thể gói được chiếc bánh chưng vừa đẹp, vừa nhanh, mỗi đội dự thi đều có những bí quyết riêng. Có tận mắt chứng kiến những chiếc bánh chưng vuông thành, sắc cạnh được tạo nên bởi những bàn tay điêu luyện, du khách mới giải đáp được băn khoăn: bánh chưng được gói bằng tay mà không hề dùng khuôn. Không những gói bánh đẹp, nhanh (10 chiếc bánh các đội chỉ gói trong vòng 3 - 5 phút), chất lượng bánh cũng đòi hỏi rất nghiêm ngặt. Để có một chiếc bánh chưng ngon, khâu chuẩn bị nguyên liệu rất quan trọng. Theo chị Bùi Thị Thu Hằng (xã Hùng Lô, TP. Việt Trì), để có được chiếc bánh chưng ngon, người làm phải chọn gạo nếp Điện Biên loại ngon, đỗ ngon, thịt ngon, lá dong phải rửa thật sạch và nấu trong khoảng 7 tiếng. Gia đình chị Bùi Thị Thu Hằng cũng như làng Hùng Lô (TP. Việt Trì) được biết đến là những người làm bánh chưng cho lễ Quốc giỗ Đền Hùng năm 2010 với 18.000 chiếc bánh chưng để xếp thành chiếc bánh chưng khổng lồ, dâng tiến Quốc Tổ Hùng Vương trong ngày chính lễ. Theo kinh nghiệm của người dân xã Hùng Lô, để có được chiếc bánh chưng thơm, bánh bóc ra có màu xanh, chín đều, ngon, công đoạn nấu bánh chưng cũng rất quan trọng. Người coi nồi bánh chưng phải đốt than liên tục, pha nước trung bình 1 - 2 tiếng một lần, đun lửa hợp lý.

 

Ngày Quốc giỗ mùng 10-3 âm lịch, người dân Việt Nam dâng lên các Vua Hùng chiếc bánh chưng, bánh giầy là cách để thế hệ con cháu hôm nay tưởng nhớ sâu sắc công đức tổ tiên đã dạy ta biết yêu quý hạt gạo - thứ "ngọc thực” quý nhất trời đất này... Giờ đây, trong ẩm thực truyền thống Việt Nam , bánh chưng đã được nhắc đến như một biểu trưng của văn hóa Việt. Chiếc bánh chưng làm từ gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn... được bọc trong chiếc lá dong xanh như tượng hình cha mẹ yêu thương, đùm bọc con cái, chất chứa bao tình nghĩa với Vua Hùng và "nước non mình nghìn năm”...

Theo Daidoanket