Căn nhà gỗ nhỏ nhoi, tạm bợ của em Nguyễn Thị Phương nằm lẩn khuất sau một vườn keo rậm rì ở bản Hợp Thành, xã Đôn Phục, huyện Con Cuông (Nghệ An). Cô bé 12 tuổi nom gầy gò như một chú sóc con yếu đuối và chỉ có đôi mắt là luôn sáng lên một nỗi khao khát mơ hồ nào đó. Có thể là niềm mong mỏi được chạy nhảy trên chính đôi chân của mình bởi từ khi lớn lên, em chưa bao giờ có thể tự mình đứng lên chứ chưa nói là bước đi.
Phương gần như không biết mặt cha. Em chủ yếu sống với ông bà ngoại vì mẹ thường xuyên vắng nhà. Chị Nguyễn Thị Ngân (mẹ Phương) quanh năm suốt tháng lang bạt trên nhiều miền đất phụ việc cho những quán ăn. Công việc của chị không ổn định nên gánh nặng chăm sóc Phương đè nặng trên vai hai vợ chồng ông Hạnh, bà Liên, những người đều đã bước qua tuổi lục tuần.
Ông Nguyễn Văn Hạnh nhớ lại, gia đình phát hiện bệnh khi em mới 3 tháng tuổi. Lúc này cha mẹ Phương đã chia tay nhau. Từ đó cuộc sống của Phương gắn liền với những bệnh viện. “Từ bệnh viện huyện, tỉnh đến các bệnh viện ở Hà Nội, chúng tôi đều đưa cháu đi cả rồi” - ông Hạnh chia sẻ: “Sau đó các bác sỹ bảo bệnh này không chữa được. Chỉ tốn tiền của. Nhưng vì thương cháu, chúng tôi không sá gì”.
Bà Nguyễn Thị Liên, bà ngoại của bé Phương thì cho biết, theo kết luận của các bác sỹ, em bị bệnh teo cơ bẩm sinh. Chứng bệnh quái ác khiến cô bé chỉ biết ngồi một chỗ. Cố gắng lắm mới lết đi trong nhà được. Mọi sinh hoạt của em đều phải nhờ bà ngoại chăm sóc.
Tuy vậy, Nguyễn Thị Phương luôn thể hiện nỗi khát khao học hành và đam mê kiến thức. Tay quá yếu nên mỗi khi viết đối với Phương là một cuộc “đánh vật” với cây bút. Với bàn tay phải em chỉ có thể hoàn thành được 1 hoặc 2 trang giấy, sau đó phải dùng hai tay mới có thể tiếp tục viết, dẫu vậy, nét chữ của Phương vẫn rất nắn nót. Cô bé cho biết, bản thân thích môn Ngữ văn và đọc sách văn chương, sách khoa học.
Từ nhỏ, dù không được đến trường cũng chẳng có ai kèm dạy nhưng Phương đã tìm cách tự học chữ. Ở tuổi mẫu giáo, em đã đọc thông viết thạo. Sau đó em đã được nhận vào học lớp 1 mà không qua cấp học mầm non. Hiện tại em là học sinh lớp 6B, Trường THCS xã Mậu Đức (Con Cuông).
Biết cháu ham học, trong hơn 5 năm qua, ông Hạnh trở thành người bạn đồng hành đến trường của cô cháu gái. Khoảng 6 giờ sáng, ông Hạnh lại đẩy Phương đến lớp trên chiếc xe lăn. Trưa lại đón về. Vào những ngày có giờ học buổi chiều, thì ông Hạnh phải 4 lượt đưa đón cháu. Ông Hạnh cho biết: Bản thân không mong mỏi gì hơn là có thể tìm ra phương cách cứu chữa cho cháu. Trong những năm qua, gia đình cũng nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền. Nhà trường cũng miễn tất cả các khoản đóng góp cho Phương và còn hỗ trợ em rất nhiều về mặt vật chất cũng như tinh thần.
Theo thầy Nguyễn Văn Vỹ - Hiệu trưởng Trường THCS Mậu Đức, thì trong những năm học qua, em Nguyễn Thị Phương luôn đứng tốp đầu trong trường về học lực. Tuy nhiên, em vẫn thường xuyên mặc cảm bản thân, vì thế việc động viên tinh thần đối với Phương là cực kỳ quan trọng.
Nguyễn Thị Phương nuôi ước mơ trên chiếc xe lăn. |
Phương cho biết, em luôn hy vọng rằng, nhờ sự tiến bộ của khoa học, bệnh tình của em sẽ được chữa chạy, bản thân đang cố gắng học thật giỏi để sau này làm bác sỹ chữa bệnh cho những người kém may mắn như em.