Đền thờ Quận Công Từ được lập vào triều Tự Đức năm Canh Thân (1860). Trải qua hơn 150 năm, đền vẫn giữ được các kiện gỗ và văn tự, hoa văn khắc gỗ tinh xảo.
Mặt tiền đền Quận Công Từ. Ảnh: Diệp Phương Ông Trần Văn Thiết (SN 1947) - thành viên ban quản lý ngôi đền cho biết: Từ giữa thế kỷ XVII, quân Chúa Nguyễn chiếm được 7 huyện phía Nam sông Lam, hai anh em ruột là Trần Hưng Học và Trần Hưng Nhượng đã lãnh đạo dân binh dấy nghĩa phù Lê. Sau khi đuổi quân nhà Nguyễn ra khỏi trấn Nghệ An, ông Trần Hưng Học được vua Lê phong tước Hầu Giáp, ông Trần Hưng Nhượng được phong tước Hầu Ất.
Với nhiều chiến công hiển hách, năm 1670, triều đình xét công kiến nghĩa, Hầu Giáp được thăng chức Tham đốc, Hầu Ất được thăng chức Thị vệ, cả hai Hầu được ghi danh vào quốc sử. Năm 1672, vua Lê Gia Tông ngự giá Nam chinh, hai Hầu được lệnh quản nhuệ tiền dẫn đầu đội quân tiên phong tập kích phòng tuyến quân Nguyễn tại Bàu Tró, vùng Đồng Hải (nay thuộc Đồng Hới) và được giao đồn trú phòng thủ tuyến Bắc sông Gianh.
Hoa văn khắc gỗ trải qua nhiều thế kỷ vẫn còn nguyên vẹn. Ảnh: Diệp Phương Thời điểm đó, Hầu Giáp lâm bệnh tạ thế tại nơi đồn trú ở tuổi 43, thi hài ông được đưa về quê an táng tại xứ Phát Lạt (nay thuộc xã Thanh Xuân), triều đình truy tặng tước Nhuận Quận Công, đặt tên húy là Đôn Hậu.
Cũng theo ông Thiết, Sau khi Hầu Giáp tạ thế, Hầu Ất về kinh đô cai quản đội quân Ưu Tiền thuộc Vệ Quân Thị Hậu. Năm Bính Dần, ông tuân lệnh làm Thủ hiệu truy quét Khoan Quận Công Vũ Công Tuấn làm phản ở vùng Tuyên Quảng, Hưng Hóa. Năm Canh Ngọ (1690) Luân Quận Công Tả Đô Đốc Trịnh Huyền đem toàn bộ thủy quân của Vệ Đông Quân đến vùng Hoa - Phong - Yên Quảng (nay là tỉnh Quảng Ninh) phối hợp với thủy quân nhà Thanh dẹp yên bọn hải tặc hoạt động ở ven biển giáp hai nước.
Bia gỗ trong đền. Ảnh: Diệp Phương Về sau, Hầu Ất được thăng lên Tuần Phủ Châu Bố Chính trấn giữ biên thùy. Năm Vĩnh Thịnh thứ 6, ngài qua đời tại Sơn Phòng, hưởng thọ 76 tuổi, linh cữu ngài được đưa về quê an táng ở chân Rú Bạc (nay thuộc xã Thanh Xuân, Thanh Chương).
Ngày ngài qua đời, để biết ơn công lao của ngài nên triều đình đã truy tặng chức Tả Đô Đốc tước Triều Quận Công. Ngài có công ơn to lớn đối với quê hương, thể hiện trong câu: “Đem ruộng cá Trai, cá Lệ, đất bãi Lầy, bãi Triều chia hết cho ba xã gồm: Bích Triều, Lâm Triều, Võ Nguyên”. Để ghi nhớ ơn trạch của ngài mãi mãi, triều Tự Đức năm Canh Thân (1860), nhân dân 3 xã Bích Triều (nay thuộc xã Thanh Giang, huyện Thanh Chương), Lâm Triều (nay thuộc xã Thanh Lâm, huyện Thanh Chương), Võ Nguyên (nay thuộc xã Nam Thượng, huyện Nam Đàn) đã lập đền thờ Quận Công Từ (tại xứ Cồn Đền, thôn Mỹ Hòa, xã Thanh Lâm, huyện Thanh Chương) để tam xã phụng tự.
Dù trải qua 2 cuộc chiến tranh và di dời, ngôi đền vẫn được dân làng bảo tồn nguyên vẹn. Ảnh: Diệp Phương Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, do địch thả bom dữ dội nên năm 1973, nhân dân đã dời đền vào xã Thanh Xuân - quê của 2 ngài để bảo tồn và tiếp tục thờ tự.
Đầu năm 2018, nhân dân xã Thanh Lâm quyết định rước đền thờ 2 ngài về nền đất cũ. Sau gần 2 thế kỷ tồn tại, đền có phần hỏng hóc, song nhìn chung, 85% ngôi đền đang còn nguyên vẹn. Dân làng Thanh Lâm đã chung sức, góp tiền trùng tu lại 1 cái kèo, 1 cái cột, thay ngói mới, xung quanh đền và trước đền có xây thêm tường gạch, tiếp tục giữ mạch hương khói, tâm linh của địa phương./.