Một ngôi đền ở Tokyo thử nghiệm thanh toán điện tử vì lo ngại nạn trộm cắp tiền công đức và tiền xu ngày càng hiếm trong lưu thông.
Du khách đến viếng thăm ngôi đền Ohtori ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản giờ đây nếu không có sẵn tiền xu thì có thể quẹt thẻ tín dụng để đóng góp công đức, Nikkei Asia Review đưa tin.
Ngôi đền lâu đời của Tokyo bắt đầu chấp nhận việc "cúng tiền" bằng các loại thẻ ngân hàng từ tháng 11 sau khi nhiều người hỏi liệu nhà đền có chấp nhận công đức bằng hình thức thanh toán điện tử hay không.
Trước đó, đầu năm nay, ngôi đền nổi tiếng Atago nằm trong trung tâm quận Minato ở thủ đô Tokyo, đã đi tiên phong trong việc nhận công đức bằng tiền điện tử. Đền Atago hợp tác với công ty điều hành mua sắm trực tuyến Rakuten Inc. thử nghiệm một ngày "cúng tiền điện tử" vào hôm 4/1 nhân dịp đầu năm mới khi lượng du khách tới thăm đền tăng đột biến.
Một thiết bị nhận tiền được đặt bên cạnh chiếc hộp gỗ công đức truyền thống. Khi du khách nhập số tiền rồi quét thẻ Edy, thẻ thanh toán do công ty Rakuten phát hành, hoặc áp điện thoại thông minh vào thiết bị trên, sẽ có tiếng "ting ting" vang lên cho biết họ đã "cúng tiền" thành công.
"Thiết bị này cho phép du khách công đức đúng số tiền mà họ muốn kể cả khi họ không có sẵn tiền lẻ trong người", ông Masataka Yoshida, giám đốc bộ phận phát hành thẻ của Rakuten.
Người Nhật Bản có truyền thống công đức đồng xu 5 yên đục lỗ ở giữa với mong ước được hạnh phúc. Tuy nhiên, đồng tiền xu này ngày càng ít. Theo khảo sát của ngân hàng Nhật Bản, từ cuối năm 1999, lượng tiền xu 5 yên trong lưu thông đã giảm 14% xuống 10,8 triệu yên vào tháng 11/2016.
Ông Koichiro Naruse, một doanh nhân 46 tuổi đã công đức bằng tiền điện tử, dự đoán xu hướng này có thể sẽ ngày càng phổ biến vì nó giúp nhà đền tránh được rắc rối. "Tiền điện tử cũng là tiền mà", ông Naruse nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Rie Matsuoka, một người quản đền Atago, cho biết ngôi đền quyết định thử nghiệm thanh toán điện tử vì lo ngại nạn trộm cắp tiền công đức và các ngân hàng ngày càng ngại nhận tiền xu.
"Chúng tôi lường trước sẽ có 'điều ong tiếng ve' nhưng vốn dĩ trước kia người dân chỉ công đức bằng gạo hoặc cá sau đó chuyển sang dùng tiền mặt. Do vậy, chúng tôi nghĩ tiến tới tiền điện tử cũng có thể coi là một hình thức công đức", ông Matsuoka giải thích.
Chính phủ cũng khuyến khích người dân thanh toán điện tử nhiều hơn vì chi phí để duy trì việc lưu thông tiền mặt mỗi năm tốn khoảng 72,2 tỷ USD, theo thống kê của ngân hàng Mizuho.
Theo VNE