(Baonghean.vn) - Sáng ngày 11/3/2015, xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu đã tổ chức trọng thể lễ đón Bằng công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh đối với Đền Rậm. Đến dự lễ đón nhận, có đại diện Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, UBND huyện Quỳnh Lưu, cùng đông đảo cán bộ, nhân dân địa phương.

Đồng chí Hoàng Thị Quỳnh Anh, Phó đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An trao Bằng công nhận xếp hạng di tích lịch sử, công nhận quần thể Đền Rậm là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh
Đồng chí Hoàng Thị Quỳnh Anh, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch trao Bằng  công nhận quần thể Đền Rậm là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh
Lễ rước bằng công nhận từ Sân vận động lên Đền Rậm

Đền Rậm, còn gọi là đền Thượng, tọa lạc ở phía tây nam dưới chân núi Tùng Sơn, xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An). Đền là nơi thờ vị đức thánh Phùng Hưng – Người anh hùng dân tộc đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa lật đổ ách thống trị của nhà Đường, được nhân dân tôn làm Bố Cái đại vương.

Từ xa xưa Đền Rậm xã Quỳnh Văn được xây dựng nằm cạnh con đường quan cũ. Theo sử cũ và thần phả của Đền Rậm, Phùng Hưng quê ở đất Đường Lâm (nay là xã Đường Lâm, Sơn Tây, TP Hà Nội), có tên tự là Công Phấn. Bố của Phùng Hưng là Phùng Hạp Khanh,  một người hiền tài đức độ, từng tham gia cuộc khởi nghĩa Hoan Châu do Mai Thúc Loan lãnh đạo ở Nghệ An. Phùng Hưng là người có sức khỏe phi thướng, khí phách hơn người, thông minh, sớm có chí đuổi quân đô hộ, giải phóng đất nước. Thời trai tráng, ông từng giết được hổ quấy phá trong vùng.

Ngày 21 tháng Giêng (năm 798), có giặc Côn Lôn, Chà Va quấy nhiễu ở phía nam nên Ngài đi tuần phòng các địa hạt, đến địa phận thôn Tùng Sơn thì trời tối phải trú quân tại đây. Vệ binh đã cấp báo cho Phùng Hưng biết vùng này có niều hổ báo. Đến tối, bổng xuất hiện một con hổ. Phùng Hưng một mình đánh nhau với con hổ vẫn không thắng bại. Đúng lúc đó có thêm 3 con hổ lao vào giúp sức cùng đánh, Phùng Hưng hy sinh. Bốn con hổ ôm xác ngài lên đỉnh núi Thạch Án để an táng nhưng núi đá nên hổ không thể đào được nên chúng lạ mang Phùng Hưng xuống Long Hải Sơn thuộc làng Quỳnh Tụ (nay là xã Quỳnh Xuân, Quỳnh Lưu) để táng. Qua đêm hôm sau, hổ lại tiếp tục vùi thêm đất. Ngôi mộ ngày càng to thêm. Nhân dân nơi trong vùng đã lập đền thờ Bố Cái Đại Vương. Sau khi mất, Bố Cái Đại Vương rất hiển linh giúp nhân dân. Hiện nay còn bia đá khắc chữ nổi: “Gia Long thập bát niên tạo tác” và bát hương đá “Hương hỏa thiên thu”, hai cột nanh đá có khắc bốn mặt là câu đối. “Gia Long thập bát niên tạo tác” và bát hương đá “Hương hỏa thiên thu”, hai cột nanh đá có khắc bốn mặt là câu đối. 

Các đại biểu dâng hương tại Đền Rậm
Lễ tế tại Đền Rậm

Ngôi đền xưa kia được kiến trúc gồm 5 tòa: Hậu cung, Thượng điện, nhà Tả vu, Hữu vu, Hạ Điện. 

Từ năm 2006 – 2008, đền Rậm được phục dựng lại với 2 tòa nhà gồm: Bái đường và Thượng điện; còn Trung điện, Hạ điện, Tả vu, Hữu vu sẽ tiếp tục được xây dựng. 

Từ năm 2008 huyện Quỳnh Lưu đã khôi phục lại lễ hội đền Rậm. Lệ hội sẽ diễn ra vào ngày 21 tháng Giêng hàng năm. Trải qua hàng trăm năm lịch sử, Đền Rậm là địa điểm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng tâm linh của người dân địa phương và các vùng phụ cận. Hàng năm, tại đây diễn ra nhiều hoạt động lễ nghi thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương về tham dự.

Với những giá trị to lớn đó, cũng như để giữ gìn và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa lâu dài, năm 2014 UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định cấp bằng công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh cho Đền Rậm.

Tại buổi lễ, đại diện Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An đã trao Bằng công nhận xếp hạng di tích lịch sử, công nhận quần thể Đền Rậm là di tích lịch sử cấp tỉnh.

                               Vân Đình