(Baonghean.vn) - "Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, nếu không có gì thay đổi, du lịch Việt Nam có thể đuổi kịp Indonesia vào sang năm và sau đó khoảng 2 năm nữa sẽ đuổi kịp Singapore" - Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết.

» 10 tháng, Nghệ An đón hơn 5,6 triệu lượt khách du lịch

 » Nhiều hướng dẫn viên du lịch ở Nghệ An có nguy cơ thất nghiệp
 

Sáng 28/11, Bộ VH-TT&DL tổ chức họp trực tuyến tại 63 điểm cầu trong cả nước, triển khai Chương trình hành động của Chính phủ và Kế hoạch hành động của Bộ VH-TT&DL thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL chủ trì cuộc họp.

Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Lê Minh Thông - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Tham dự có đại diện lãnh đạo Sở Du lịch, Phòng VHTT các huyện, thành, thị.

1511838296877.jpgQuang cảnh cuộc họp ở điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Phước Anh

Ngành du lịch tăng trưởng “nóng”

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, du lịch Việt Nam đang trong giai đoạn tăng trưởng “nóng”: năm 2016, tốc độ tăng trưởng du lịch là 27%, đến nay là đã hơn 30%.

So sánh ngành du lịch Việt Nam với một số quốc gia gần như Thái Lan, có thể thấy hai nước tương đương tiềm năng để phát triển du lịch.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhận định, nếu ngành du lịch Việt Nam trong những năm tới tăng thêm khoảng 20% đến 25% mà ngành du lịch Thái Lan chỉ tăng khoảng 7% như năm 2016, thì đến một mức nào đó, Việt Nam và Thái Lan sẽ gặp nhau về tốc độ phát triển du lịch. Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, điểm gặp nhau giữa ngành du lịch của hai nước vào khoảng sau 15 năm.

10 tháng đầu năm 2017, ước tính lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 10,4 triệu lượt khách, tăng 28,1% so với cùng kỳ 2016; Khách du lịch nội địa đạt 63,1 triệu lượt khách, trong đó có 30,5 triệu lượt khách lưu trú; Tổng thu từ khách du lịch đạt 417.400 tỷ đồng, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm 2016.

“So sánh với du lịch Indonesia, Singapore, với tốc độ tăng trưởng này, nếu không có gì thay đổi, chúng ta có thể đuổi kịp Indonesia vào sang năm và sau đó khoảng 2 năm nữa sẽ đuổi kịp Singapore. Chỉ còn hai nước là Malaysia và Thái Lan, chúng ta sẽ mất khoảng từ 10 đến 15 năm nữa” - người đứng đầu ngành VH-TT&DL quốc gia cho biết.

Tăng trưởng “nóng” thể hiện sự phát triển mạnh mẽ của ngành Du lịch trong thời gian qua, nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều bất cập về cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ, thủ tục xuất nhập cảnh, thái độ ứng xử với khách du lịch… Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, thời cơ luôn đi kèm với thách thức, ngành Du lịch Việt Nam xác định tháo gỡ những “điểm nóng” là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

8 nhiệm vụ đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Du khách tham quan đảo chè Thanh An (Thanh Chương, Nghệ An). Ảnh tư liệu

Khẳng định tài nguyên và tiềm năng phát triển du lịch Việt Nam là rất to lớn, tuy nhiên, sự phát triển còn chưa tương xứng, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết, những chủ trương, chính sách của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thời gian qua đã tạo động lực thúc đẩy giúp ngành Du lịch Việt Nam khắc phục khó khăn, khơi thông nguồn lực để phát triển.

“Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển hạ tầng du lịch giai đoạn 2016 - 2020 với hơn 30.000 tỷ đồng đầu tư cho các địa phương trọng điểm. Đây là những trợ lực quan trọng cho ngành Du lịch”- Tổng Cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn cho biết.

Mục tiêu Nghị quyết 08 đặt ra: Đến năm 2020, ngành Du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực.

Thu hút được 17 - 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa; đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỉ USD; giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỉ USD; tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp.

Phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Việt Nam thuộc nhóm các nước có ngành Du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Bà Nguyễn Thị Thành An - Phó Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An tặng chữ cho các du khách đến từ Hà Lan đầu xuân 2017. Ảnh tư liệu

Tại cuộc họp, Tổng Cục trưởng cũng nêu 8 nhiệm vụ cần thực hiện nhằm đạt mục tiêu Nghị quyết số 08 đề ra, đó là: Nâng cao nhận thức về phát triển du lịch; Cơ cấu lại ngành du lịch; Hoàn thiện thể chế, chính sách; Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch; Xúc tiến quảng bá du lịch; Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch; Phát triển nguồn nhân lực du lịch; Tăng cường quản lý nhà nước về du lịch.

Tuy nhiên, tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái cũng cho rằng, hệ thống văn bản mới chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là trong quá trình thực hiện, cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội, có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; tập trung nguồn lực quốc gia cho phát triển du lịch./.

Phước Anh

TIN LIÊN QUAN