(Baonghean.vn) – Sáng 3/10, UBND TX. Cửa Lò, UBND phường Nghi Thuỷ long trọng tổ chức Lễ đón bằng Di tích lịch sử cấp quốc gia đền Mai Bảng.

Tham dự có đại diện lãnh đạo Sở VH – TT&DL, các đồng chí lãnh đạo Thị ủy, UBND, các ban ngành TX Cửa Lò cùng hàng ngàn người dân phường Nghi Thuỷ và TX Cửa Lò.

images1703190_14.jpgMàn trống hội chào mừng Lễ đón nhận Bằng Di tích lịch sử đền Mai Bảng.

Đền Mai Bảng, phường Nghi Thủy (TX Cửa Lò), cách Thành phố Vinh khoảng 20km về phía Đông Bắc. Tương truyền, đền được xây dựng từ thời Lê (năm 1778) thờ Chiêu Trưng Vương Lê Khôi, người có công lớn dưới triều đại nhà Lê, từng giúp Lê Lợi đánh thắng giặc Minh vào thế kỷ XV.

Lê Khôi gia nhập nghĩa quân Lam Sơn ngay từ những ngày đầu. Ông có tên trong Hội thề Lũng Nhai và danh sách 35 vị công thần khởi nghĩa. Lê Khôi đã trải qua 3 triều đại là Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông và đã giữ tới chức Hộ vệ thượng tướng quân, Khâm sai tiết chế thủy lục như dinh.

Năm 1443, ông được phái vào làm Tổng trấn Hoan Châu. Ở đây, ông đã rất chú trọng việc phát triển nông nghiệp cũng như đắp đập khai hoang, lập làng. Năm 1446, sau khi đánh tan quân Chiêm Thành, trên đường trở về, ông ốm nặng rồi qua đời, sau đó được nhân dân mai táng tại núi Long Ngâm (Thạch Hà, Hà Tĩnh).

Các đồng chí lãnh đạo Sở VH - TT&DL, Thị uỷ, UBND thị xã Cửa Lò cùng đông đảo đại biểu và nhân dân tham dự buổi lễ.

Cư dân vùng Mai Bảng có gốc từ làng Mai Phụ (Hà Tĩnh). Sau khi di cư đến làng Mai Bảng (phường Nghi Thuỷ - TX Cửa Lò nay), họ lập bài vị để thờ Lê Khôi, tôn ông làm thành hoàng làng.

Đền cũng là nơi thờ Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, một quý phi tài sắc vẹn toàn, được nhân dân suy tôn làm nữ thần biển; thờ Thủy Tinh phu nhân, vợ của Long Vương...

Ngoài ra, Đền còn thờ các vị có công khai cơ, lập nên Mai Bảng là các ông Trần Liệt, Nguyễn Văn Nhiệm, Phạm Công Huấn, Hoàng Đức Thực, Lê Viết Lễ, Võ Chính Tạo.

Lễ rước kiệu thần trong khuôn khổ Lễ đón nhận Bằng Di tích Quốc gia của nhân dân phường Nghi Thuỷ.

Lúc đầu, đền Mai Bảng chỉ là một ngôi nhà tranh. Đến thời nhà Nguyễn đền được tôn tạo với quy mô lớn, gồm nhà thượng điện, nhà trung điện và nhà hạ điện theo bố cục mặt bằng kiểu chữ tam. Qua nhiều thế kỷ, đền đã bị xuống cấp, các hoạt động lễ hội đền phải tạm dừng trong thời gian dài.

Từ năm 2004 nay, với đạo lý uống nước nhớ nguồn, ngoài góp công, góp sức bà con nhân dân trong vùng đã quyên góp tiền để phục hồi tôn tạo lại đền, đồng thời các hoạt động văn hóa được trở lại như xưa. Đền là nơi gìn giữ văn hóa tâm linh có giá trị của người dân Mai Bảng nói riêng và TX Cửa Lò nói chung.

Lễ rước kiệu Chiêu Trưng Vương Lê Khôi ra làm lễ trên biển và nghinh đón 6 vị tiền nhân từ Hà Tĩnh có công về lập ấp, khai dân lập ấp trên đất làng Mai Bảng.

Mỗi năm đền Mai Bảng diễn ra hai lễ hội lớn vào ngày 12/2 và 3/5 (Âm lịch). Lễ hội dịp đầu năm vào ngày 12/2 (ÂL), ngày thành lập làng, vừa là dịp lễ cầu ngư, đồng thời là ngày giỗ Chế Thắng phu nhân. Nhân dân trong làng tề tựu đông đủ, tổ chức các hoạt động lễ, hội sôi nổi với các nghi thức: Rước thần, tế Tà cần và lễ Điểm đinh. Dịp lễ hội 3/5 (ÂL) kỷ niệm ngày giỗ Chiêu Trưng Vương Lê Khôi, nhân dân tổ chức rước kiệu thần và tế thần.

Bên cạnh các hoạt động văn hóa tâm linh, tại đền còn diễn ra các hoạt động văn hóa dân gian cổ truyền kết hợp với các trò chơi hiện đại, tạo nên sự phong phú cho văn hóa ngư dân vùng biển. 

Các đồng chí lãnh đạo Thị uỷ, UBND TX Cửa Lò, đền Mai Bảng đón nhận Bằng Di tích quốc gia.

Hiện, trong Đền còn lưu giữ 138 hiện vật, trong đó có 75 hiện vật cổ: sắc phong, biển, kiệu, câu đối, đại tự, long ngai bài vị, hương án, bát bửu bàn thờ...

Đây là những hiện vật quý giá, có giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật. Đặc biệt, tòa trung điện có lối kiến trúc cổ, chất liệu gỗ, những nét chạm trổ tinh xảo, những bộ vì vững chắc tạo nên sự cổ kính, uy nghiêm cho ngôi đền.

Các đồng chí lãnh đạo Thị uỷ, UBND TX Cửa Lò, đền Mai Bảng rước Bằng Di tích quốc gia vào đền.

Đền Mai Bảng vừa có giá trị lịch sử, vừa mang nét kiến trúc đặc sắc, lưu giữ nhiều cổ vật quý hiếm, đặc biệt có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân. Đền được công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia theo Quyết định số 2279/QĐ-BVHTTDL (1/7/2016).

Trần Hải

TIN LIÊN QUAN