Kết quả phân tích cho thấy mẫu lồng đèn nhựa xuất xứ từ Trung Quốc có chứa chất cadimi (Cd) cao hơn 123 lần mức cho phép. Cd có thể gây ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi, dị tật thai nhi...
Đây là một trong ba kim loại (hai loại còn lại là chì và thủy ngân) độc hại nhất với cơ thể người.
Gấp 123 lần mức cho phép
Để tìm hiểu độ an toàn của lồng đèn, chúng tôi đã chọn ngẫu nhiên hai chiếc lồng đèn nhìn khá đáng yêu, một mua ở siêu thị và một ở tiệm bán lồng đèn trên phố. Mẫu thứ nhất là một chú chuồn chuồn có đôi cánh màu xanh, điểm vài bông hoa màu xanh da trời với đôi mắt xanh biếc. Khi lắp pin vào, lồng đèn chuồn chuồn đưa đôi cánh lên xuống nhịp nhàng. Mẫu thứ hai là một lồng đèn nhựa hình con chim vừa biết vỗ cánh lại biết chạy nhảy tung tăng nếu lắp pin vào sử dụng. Đẹp, giá không rẻ (từ 65.000-75.000 đồng/chiếc), lại được ghi xuất xứ rõ ràng, có nhà nhập khẩu hẳn hoi... là những lý do khiến nhiều ông bố, bà mẹ vô tư “rinh” về nhà những chiếc lồng đèn nhựa như trên.
Lồng đèn nhựa Trung Quốc tràn ngập phố Hàng Mã (Hà Nội)
- Ảnh: Nguyễn Khánh
Hai mẫu lồng đèn này được đưa đến Viện Khoa học vật liệu ứng dụng và Viện Công nghệ hóa học kiểm tra. Theo kết quả kiểm nghiệm, thành phần nhựa trong hai mẫu lồng đèn nói trên không độc hại. “Dù sản phẩm của hai nhà phân phối khác nhau, của hai địa chỉ sản xuất khác nhau nhưng đều có chung một nguyên liệu sản xuất là nhựa APS (nhựa tái chế) và PE” - TS Trần Ngọc Quyển, phó trưởng phòng vật liệu - hóa dược Viện Khoa học vật liệu ứng dụng, cho biết. Tuy nhiên, nhà phân phối chỉ ghi chung chung hoặc ghi không đúng thành phần như kết quả kiểm nghiệm. Lồng đèn con chuồn chuồn chỉ được ghi chung chung về thành phần là “nhựa”, còn lồng đèn con chim thì ghi sai thành phần gồm nhựa PP, PE mà không phải là APS và PE.
Đáng chú ý, kết quả kiểm nghiệm nói trên ở mẫu lồng đèn con chuồn chuồn cho thấy hàm lượng Cd trong sơn phủ rất cao: 7.390 microgram/kg (muối cadimi sử dụng như là chất tạo màu trong nhiều loại nhựa). Lượng Cd này gấp đến 123 lần mức cho phép trong Bộ tiêu chuẩn an toàn đồ chơi trẻ em do Bộ Khoa học - công nghệ ban hành ngày 4-5-2011. Ông Hoàng Lâm, phó giám đốc Trung tâm Tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3, cho biết: “Lượng Cd được phép có trong đồ chơi trẻ em theo tiêu chuẩn Việt Nam là 60 microgram/kg, nếu trên 7.000 là quá cao”.
Mẫu lồng đèn con chuồn chuồn đã được xét nghiệm có chất độc gấp 123 lần mức cho phép - Ảnh: Mỹ Dung
TS Quyển cho biết Cd là một trong ba kim loại được coi là nguy hiểm nhất đối với cơ thể con người (hai thứ còn lại là chì và thủy ngân). Cd gây ngộ độc do cạnh tranh với một số kim loại (canxi, kẽm, sắt...) là thành phần chính của nhiều vi chất và men sinh hóa có tác dụng sinh học trong cơ thể. Quá trình tranh chấp - trao đổi của Cd với các kim loại khác có thể gây đảo lộn nhiều quá trình sinh học trong cơ thể và là nguyên nhân dẫn đến nhiều loại bệnh như loãng xương, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi, thiếu máu và tăng nguy cơ gây dị dạng cho thai nhi (đối với phụ nữ có thai). Tổ chức Y tế thế giới cho phép ngưỡng tối đa đối với người lớn là từ 20-40 microgram/ngày (lượng Cd trong nước uống, thực phẩm khoảng 10 microgram/ngày/người lớn), nhưng chỉ có 5-10% trong số đó thật sự vào cơ thể.
Nguy hiểm nhất của đồ chơi, lồng đèn nhiễm Cd với hàm lượng quá cao là Cd tích lũy nhiều trong thận và chỉ phát bệnh sau nhiều năm tiếp xúc. “Màu sắc trong mấy cái lồng đèn nhựa này rất dễ bong tróc, chỉ cần tiếp xúc, cầm nắm là trẻ dễ bị thôi nhiễm Cd rồi. Nguy hiểm nhất là ở chỗ đó chứ không phải trẻ chỉ cắn, ngậm lồng đèn mới bị tác hại” - TS Quyển cảnh báo. Ngoài vấn đề có kim loại độc hại, các loại lồng đèn nhựa nói trên còn có cả pin, rất độc nếu trẻ nhỏ chơi, cắn, ngậm và nhựa cũng khó phân hủy, ảnh hưởng cho môi trường.