Các nhà khảo cổ học Trung Quốc tìm thấy đôi đèn chim nhạn làm bằng đồng có khả năng hút khói trong tổ hợp mộ thuộc triều đại Tây Hán.

Đôi đèn hút khói hình con chim ngậm cá. Ảnh: Xinhua.

Theo Ancient Origins, các sử gia coi phát hiện này là những chiếc đèn thân thiện với môi trường đầu tiên trên thế giới. Triều đại Tây Hán bắt đầu vào năm 206 trước Công nguyên và kết thúc vào năm 24.

"Hai chiếc đèn có hình dáng con chim đang ngậm cá trong miệng. Nến được gắn vào một vị trí trên con cá. Khói tỏa ra trong lúc nến bốc cháy đi vào mình chim thông qua một ống hút ở con cá. Sau khi di chuyển qua phần cổ chim, khói tan biến trong nước trữ ở khoang bụng rỗng", Xin Lixiang, người đứng đầu nhóm khai quật, giải thích với Xinhua.

Việc sản xuất những chiếc đèn đồng gia tăng dưới triều Hán. Tuy nhiên, hai chiếc đèn được phát hiện là sản phẩm đầu tiên thiết kế theo kiểu hút khói và nhiều khả năng chúng thuộc về tầng lớp quý tộc.

Theo Lixiang, độ sáng của chiếc đèn có thể điều chỉnh bằng cách xoay chụp đèn và các bộ phận có thể tháo rời để lau rửa. "Đó vừa là một tác phẩm nghệ thuật vừa là một minh chứng cho sức sáng tạo của người cổ đại", Lixiang nói.

Các nhà khảo cổ phát hiện những chiếc đèn cổ cách đây hai tháng trong một ngôi mộ thuộc nghĩa trang Haihunhou gần Nam Xương, Giang Tây. Đây là tổ hợp mộ thời Tây Hán hoàn chỉnh nhất từng được khai quật ở Trung Quốc, bao phủ diện tích hơn 40.000 m2 và gồm 8 ngôi mộ.

Nhóm nghiên cứu suy đoán ngôi mộ thuộc về Lưu Hạ, cháu trai Hán Vũ Đế. Lưu Hạ lên ngôi vào năm 74 trước Công nguyên nhưng chỉ 27 ngày sau ông bị các trung thần hợp sức truất ngôi do ăn chơi sa đọa và bất tài.

Ngoài đôi đèn chim nhạn, các nhà khảo cổ còn tìm thấy hàng nghìn vật báu khác trong nghĩa trang, trong đó có 10.000 đồ tạo tác bằng vàng, đồng, sắt, bài vị gỗ, bản khắc tre, đồ ngọc bích, nhạc cụ, 10 tấn đồng xu và khu chôn cất ngựa cùng các cỗ xe.

Theo VnExpress