(Baonghean.vn) - Truyền thống hết sức nhân văn của dân tộc ta là “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”. Người Việt Nam dù lương hay giáo đều là con một mẹ sinh ra, đều mang nặng nghĩa tình hai chữ đồng bào.

Sau bao nhiêu lần kích động người dân biểu tình, chặn xe, gây rối để phô trương thanh thế, rồi vu khống chính quyền, bóp méo sự thật… người dân đã dần dần nhận ra bộ mặt thật của những kẻ nhân danh “bảo vệ môi trường” mà chuyên làm điều xằng bậy, khuấy động cuộc sống bình yên của mọi người.

Là công dân của một nước, bất kể ai, thuộc thành phần nào, đều phải sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Công dân có quyền được làm những gì mà pháp luật không cấm, trong khi cán bộ công chức, người đại diện cho cơ quan công quyền chỉ được làm những gì mà pháp luật quy định. Nói thế để thấy rằng, trong chuỗi vụ việc những đám đông tụ tập kéo nhau đi “khiếu kiện”, “đòi người” gần đây, dù nhân danh ai, dù được ngụy trang bằng động cơ, mục đích gì, thì cái cách gây rối, chặn xe làm ách tắc giao thông trên Quốc lộ 1A, tràn vào chiếm giữ trụ sở cơ quan hành chính, ném đất đá gây thương tích cho người thực thi công vụ cũng là hành vi vi phạm pháp luật.

images1919099_images1836175_images1826238_a5.jpgLinh mục Nguyễn Đình Thục kích động giáo dân đi khiếu kiện ngày 14/2/2017.

Ngoại trừ phần nhiều những người tham gia là vì nhẹ dạ cả tin, bị một số đối tượng xấu kích động đi “thương vay khóc mướn”, thì những kẻ đứng sau, những kẻ lợi dụng lòng tin, đức vâng lời để kích động quấy rối; những kẻ háo danh, ảo tưởng vào một thế lực chính trị nào đó ở bên ngoài ra tay chống phá chế độ đã dần dần lộ mặt.   

Vì vậy, việc cơ quan công an khởi tố, bắt giữ những người có hành vi vi phạm pháp luật trong những vụ việc này tức là thay mặt Nhà nước thực hiện việc bảo đảm cho pháp luật được thực thi.

Điều đáng nói là trong khi 2 đối tượng đã bị bắt là Nguyễn Văn Hóa (Hà Tĩnh), Hoàng Đức Bình (Nghệ An) đã cúi đầu nhận tội trước cơ quan  điều tra về những sai phạm của mình, thì Nguyễn Đình Thục vẫn điên cuồng dùng lời lẽ xảo biện, vu vạ chính quyền đàn áp giáo dân, lợi dụng những buổi dâng lễ để kích động.

Một số đối tượng bị Nguyễn Đình Thục kích động lấy cả cây ra chắn ngang Quốc lộ 1A để đòi "thả người", ngày 15/5/2017. Ảnh cắt từ clip

Nhìn hình ảnh Nguyễn Đình Thục cầm loa hò hét đám đông, nghe những lời kích động trong các clip do chính đám tay chân của ông ta tung lên mạng xã hội, sẽ thấy rằng đây là những cuộc biểu tình có tổ chức, có động cơ hẳn hoi. Vì sao Nguyễn Đình Thục lại điên cuồng đòi công an thả đối tượng phạm pháp Hoàng Đức Bình? Ông sợ chân tướng của mình lộ diện, khi Hoàng Đức Bình nhận ra đã thất hứa khi không thể vận động các thế lực chống đối ở nước ngoài can thiệp! Hay ông sợ Hoàng Đức Bình khai ra những việc làm đen tối của ông?!

Lo cho cuộc sống của nhân dân là trách nhiệm của Chính phủ, cấp ủy và chính quyền địa phương. Đấu tranh bảo vệ công bằng cho người dân trong vùng bị ảnh hưởng của sự cố môi trường biển là việc của Chính phủ và các cơ quan chuyên môn đã, đang và sẽ được tiếp tục làm đến nơi đến chốn, theo đúng trình tự pháp luật, có cơ sở pháp lý, căn cứ khoa học. Chứ không phải cứ giăng biểu ngữ ra đường chặn xe mới gọi là “lo cho dân”. Lại càng không thể đòi quyền lợi cho dân bằng cách chửi bới, lăng mạ và ném gạch đá, gây thương tích cho người khác.

Niềm vui của các ngư dân xã Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu) khi trúng đậm mẻ cá cò và nhiều loại cá khác vào ngày 30/5/2017.

Chính vì vậy, khi nhận ra vị chủ chăn của mình trước bàn thờ Chúa đã buông lời kích động hận thù, xuyên tạc thông tin, tỏ rõ thái độ hằn học và chống đối chính quyền, phá hoại sự bình yên của cuộc sống, người dân xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu đã đánh kẻng báo động, kéo đến bao vây nhà thờ Văn Thai, phản đối hành động của Nguyễn Đình Thục.

“Già néo thì đứt dây”, không thể chịu đựng mãi những hành vi bán rẻ lương tâm, coi thường pháp luật của người mang danh Thiên Chúa, những tiếng chuông báo động của Thục đã trở nên lạc lõng, vô duyên đối với những người có lương tâm, yêu chuộng cuộc sống an bình!

Nói xấu chính quyền, luôn rêu rao chính quyền là vô dụng, nhưng lúc bí đường, Nguyễn Đình Thục đã phải nhờ vào sự giúp đỡ của chính quyền để giữ thân. Để rồi, chỉ vừa được giải cứu, mấy phút sau ông ta lại lên mạng lu loa là chính quyền đàn áp, bắt bớ mình! Hành động như vậy, được người đời xem là cách mà “Nguyễn Đình Thục đã tự tay tát vào mặt mình!”

Bộ CHQS tỉnh phối hợp với Sở GTVT, Tỉnh đoàn Nghệ An và địa phương làm đường nông thôn mới tại xã An Hòa huyện Quỳnh Lưu.

Từ thân phận một dân tộc nô lệ, dưới ngọn cờ của Việt Minh, người Việt Nam không phân biệt già trẻ gái trai, dân tộc, tôn giáo đã đồng lòng đứng lên nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, lật đổ ách thống trị của thực dân phong kiến, xây dựng nhà nước cách mạng.

Bỏ qua những lỗi lầm phản bội, bán rẻ dân tộc của một số đối tượng, Việt Minh đã ra sức bảo vệ tính mạng, tài sản cho đồng bào các vùng công giáo, bảo vệ sự an toàn cho các chức sắc của đạo Thiên Chúa. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhiều thanh niên, nhiều giáo dân công giáo đã sẵn sàng đứng vào hàng ngũ Việt Minh, trở thành bộ đội tham gia kháng chiến với tinh thần "Thượng đế và Tổ quốc". Sự hy sinh của họ đã góp phần tô thắm thêm ngọn cờ độc lập, được đất nước, dân tộc ghi nhận.

Trong hòa bình, ngày càng có nhiều tấm gương giáo dân, nhiều vị linh mục, cha xứ nêu cao tinh thần sống phúc âm trong lòng dân tộc, khuyến khích giáo dân sống tốt đời đẹp đạo, tham gia nhiệt tình các phong trào phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới, mang lại cuộc sống an bình cho mọi người.

Anh Lê Đức Thịnh - người Công giáo Việt Nam đầu tiên và cũng là người Công giáo châu Á đầu tiên được nhận tước hiệu Hiệp sỹ đại Thánh giá từ Giáo hoàng Bênêđictô XVI ban tặng vào năm 2007.

Vì vậy, những việc làm mang tính manh động, vì động cơ cá nhân của Nguyễn Đình Thục và những kẻ như ông ta chỉ là mảnh đất màu mỡ cho kẻ xấu lợi dụng để chia rẽ tình đoàn kết lương - giáo trong cộng đồng, đặc biệt là phá hoại chính sách tự do tôn giáo của Đảng và Nhà nước.             

Hãy sống phúc âm như lời răn của Chúa. “Hãy đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp,  đem chân lý vào chốn lỗi lầm” như lời dạy của Thánh Phanxico trong kinh Hòa Bình đã nói. Bởi mọi tranh chấp đều có thể hóa giải; mọi sai lầm đều có thể thứ tha.

Truyền thống hết sức nhân văn của dân tộc ta là “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”. Người Việt Nam dù lương hay giáo đều là con một mẹ sinh ra, đều mang nặng nghĩa tình hai chữ đồng bào. Những mâu thuẫn, thắc mắc đều có thể giải quyết nếu mỗi người đều có thiện chí vì cuộc sống thân ái, chan hòa./.

TIN LIÊN QUAN