(Baonghean) Sau hơn 10 năm, trên những triền đồi hoang um tùm cây dại ở xã Hùng Sơn (huyện Anh Sơn), chè đã phủ một màu xanh bạt ngàn. Đó cũng là màu xanh của no ấm được vun đắp từ mồ hôi, nước mắt và trên tất cả là sự táo bạo, dám đột phá trong cách nghĩ, cách làm của người Hùng Sơn.

Vào đêm giao thừa Tết Dương lịch vừa qua, một sự kiện đặc biệt được tổ chức ở Hùng Sơn. Đó là “Đêm thơ trà” với sự góp mặt của cả lãnh đạo huyện Anh Sơn, xã Hùng Sơn và đông đủ bà con nhân dân. Nhưng điểm nhấn của sự kiện là phần trình bày những tác phẩm thơ về vùng đất Hùng Sơn được thể hiện bởi các nhà thơ “miệt vườn” từ nhiều CLB thơ trong và ngoài huyện tề tựu về. Đây cũng là sự kiện đánh dấu sự ra đời của thương hiệu trà Hùng Sơn được rang, xay, đóng góp cẩn thận, mẫu mã hấp dẫn xuất hiện trên thị trường.

Nhưng để có những giây phút thảnh thơi “thưởng trà, ngâm thơ” hôm nay, Hùng Sơn đã có một hành trình vượt khó. Theo ông Võ Văn Hiền - Chủ tịch UBND xã, suốt thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX, khi cả nước hối hả làm kinh tế thì đất Hùng Sơn như đang ngủ quên. Cả xã lúc đó chỉ trông chờ vào 70 ha lúa, 170 ha trồng màu nên hệ quả tất yếu là tỷ lệ đói nghèo cao. “Diện tích sản xuất ít nên làm không đủ ăn. Gia đình tôi cũng từng ăn cơm độn sắn, độn khoai trong thời gian dài. Người dân không có việc làm, sinh ra nhiều hệ lụy như rượu chè. Không khí làng xã cực kỳ lạc hậu, bế tắc”. Vào năm 1994, cả xã Hùng Sơn không có học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở.

Thực trạng đó khiến lãnh đạo xã lúc bấy giờ và các đảng viên trong cấp ủy trăn trở tìm hướng thoát nghèo, rồi mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu sản xuất cây trồng. Sau các mô hình như trồng cam, vải thiều, nhãn, rồi chăn nuôi dê đều thất bại. Không nản lòng, xã tiếp tục đi học tập và đưa cây chè vào trồng ở vùng đồi Hùng Sơn trước sự hoài nghi của nhân dân. 

Ông Trần Đức Châu – Bí thư Đảng ủy xã, vào thời điểm đó là Chủ tịch UBND xã là người đầu tiên khởi xướng đưa cây chè vào đất Hùng Sơn. “Sau khi đi tìm hiểu các vùng chè trong huyện, tôi thấy ở điều kiện thổ nhưỡng cũng giống Hùng Sơn. Vậy mà họ làm được chè, cho hiệu quả kinh tế cao. Tại sao mình không làm được?”, ông Châu tâm sự. Câu hỏi đó thôi thúc ông tìm phương án đưa cây chè về vùng đồi quê hương. 170 hộ được đưa đi tham quan mô hình nhưng khi về nhiều người tỏ ra hoài nghi về thành công, lưỡng lự không dám làm. Lúc này, chỉ có triển khai mô hình thực tế, vừa để kiểm chứng sự thành công của cây chè trên đất địa phương, từ đó cho nhân dân thấy mà làm theo. Trong “cuộc cách mạng mới” này, đảng viên được vận động làm trước.

Năm 2001, Hùng Sơn có 3 hộ tiên phong trồng thử chè. Sau 1 năm, cây chè phát triển tốt. Năm 2002, xã tiếp tục vận động 70 hộ trồng chè, 9 đảng viên trong Ban chấp hành Đảng ủy xã lại tiếp tục trồng trước để nhân dân làm theo. Kết quả, thêm 30 ha chè phủ xanh đồi trọc ở Hùng Sơn. Từ đó, người dân bắt đầu có lòng tin vào cây chè và triển khai trồng đồng loạt. Đến nay, hình hài của vùng nguyên liệu chè ở Hùng Sơn đã hoàn thiện với tổng diện tích chè 470 ha.

“Đêm thơ trà” và thương hiệu chè Hùng Sơn ảnh 1

                                      Chế biến chè ở Anh Sơn. Ảnh: S.M

Đất không phụ lòng người, làng quê nghèo dưới đỉnh Tây Hoa “nở nhụy, đơm hoa” từng ngày. Những người nông dân sau bao chìm nổi đời người đã được tận hưởng vị ngọt lành của cây chè mang lại. Nông dân Phạm Văn Tài – một trong những hộ dân đầu tiên hưởng ứng trồng chè từ năm 2002, nay đã sở hữu diện tích 3 ha chè, là một trong rất nhiều nông dân đổi đời nhờ cây chè. Nhấp ngụm chè xanh om từ vườn, ông phấn khởi: “Trước đây, cuộc sống khó khăn lắm! Nhà có 7 đứa con nhưng chỉ phụ thuộc vào nghề nông nên không lo được cho con học hành. Từ lúc có cây chè, cuộc sống ổn định hơn trước rất nhiều”. Vụ vừa qua, gia đình ông Tài thu 55 tấn chè búp, bán cho nhà máy với giá trung bình 3.000 đồng/kg. Hiệu quả cây chè mang lại ngày càng rõ rệt ở Hùng Sơn, bây giờ không cần xã vận động, người dân cũng hăng hái khai hoang trồng chè, do đó diện tích đất trống, đồi trọc hầu như không có.

Trong quá trình phát triển vùng nguyên liệu chè, điều giúp nông dân Hùng Sơn thêm yên tâm đó là sự có mặt của Xí nghiệp Chế biến – Dịch vụ chè Hùng Sơn thuộc Công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển chè Nghệ An đóng trên địa bàn. Trung bình mỗi năm xí nghiệp bao tiêu hết chè búp với tổng sản lượng 3.500 tấn cho nông dân theo giá thị trường được ký kết trong hợp đồng thu mua. Ông Trần Văn Long – Giám đốc xí nghiệp cho biết: “Chè Hùng Sơn có chất lượng ổn định, có thể chế biến thành trà chất lượng cao để xuất khẩu. Hiện xí nghiệp đang sản xuất trà xanh nhưng trong tương lai gần sẽ làm thêm trà đen”.

Hơn một thập kỷ, Hùng Sơn trở mình từ vùng quê nghèo thành vùng nguyên liệu chè nổi tiếng. Vì thế “Đêm thơ trà” không chỉ dừng lại ở khía cạnh một cuộc giao lưu văn hóa mà nó còn đánh dấu bước phát triển toàn diện từ thế và lực mới của Hùng Sơn.

Thành Duy