(Baonghean) - Cuộc tranh luận trên truyền hình lần thứ 3 và cũng là cuối cùng của hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào hôm nay 19/10. “Đêm quyết đấu” được tổ chức tại Đại học Nevada thuộc thành phố Las Vegas. Sau hai cuộc chạm trán giữa ứng cử viên Donald Trump và Hilary Clinton, đây được coi là cơ hội cuối cùng để hai đối thủ tranh thủ sự ủng hộ của cử tri và đánh dấu cho những ngày nước rút của cuộc tranh cử. 

Màn quyết đấu

Người dẫn chương trình Chris Wallace của kênh Fox News sẽ giữ vai trò điều phối cho cuộc tranh luận lần này. Giống như lần chạm trán đầu tiên, cuộc đấu lần này kéo dài 90' được chia ra 6 phần với thời lượng 15' mỗi phần.

Mỗi phần sẽ được bắt đầu với một câu hỏi từ người dẫn chương trình và mỗi ứng cử viên sẽ có 2 phút để trả lời tiếp đó là các câu hỏi tiếp theo do người dẫn chương trình đặt ra. 

images1719379_bna_5806c9bee0356.jpg2 ứng cử viên Tổng thống Mỹ trong cuộc tranh luận lần 2. Ảnh: Guardian

Cuộc tranh luận lần này tập trung 3 chủ đề là tòa án tối cao, nhập cư và năng lực để trở thành tổng thống. Mặc dù vậy, qua các cuộc tranh luận trước, có thể thấy hai ứng cử viên bắt đầu với chủ đề đặt ra nhưng sau đó nêu ra các vấn đề khác một cách ngẫu hứng.

Cuộc tranh luận cuối cùng này diễn ra trước ngày bầu cử 8/11 chỉ 19 ngày. Sau đó cả hai ứng cử viên sẽ đi khắp đất nước để giành sự ủng hộ từ các cử tri còn lưỡng lự, đặc biệt là một số bang có tỷ lệ ủng hộ 2 đảng xấp xỉ nhau như Florida, Ohio hay Pennsylvania. 

Trong hai cuộc thăm dò ý kiến gần đây, bà Hilary giành được ưu thế trước đối thủ, trong khi đó một cuộc thăm dò khác cho thấy Trump dẫn trước với tỷ lệ khá nhỏ và khoảng cách này đang dần bị thu hẹp. Cụ thể, theo thăm dò của ABC News/Washington Post, bà Hilary dẫn trước 4 điểm phần trăm với tỷ lệ tương ứng 47% và 43% cho ông Trump.

Còn theo thống kê của New York Times dựa trên kết quả trung bình của các cuộc khảo sát, bà Hilary được 46% người ủng hộ còn ông Trump được 40%. Trước thềm cuộc tranh luận không ít vài vấn đề nổi lên dưới đây về hai ứng cử viên được quan tâm.

Email của bà Hilary

Theo một ghi chép từ các cuộc phỏng vấn của FBI công bố hôm thứ Hai trong cuộc điều tra về các email mật của bà , phụ tá ngoại trưởng Mỹ - ông Patrick Kennedy đã cố gắng thuyết phục các quan chức FBI giải mật email được xếp vào loại “tuyệt mật” của bà Hilary để đổi lấy việc Bộ Ngoại giao giúp các nhân viên FBI tiếp cận các khu vực nhạy cảm trên thế giới. Tuy nhiên, FBI đã phủ nhận bất kỳ cáo buộc nào liên quan đến việc đổi chác giữa văn phòng này và Bộ Ngoại giao về các cấp phân loại email. 

Còn về phía Bộ Ngoại giao, người phát ngôn Mark Toner cho rằng các cáo buộc là không chính xác. FBI hiện đang công bố các tài liệu sau khi thực hiện các cuộc điều tra máy tính của bà Hilary và chưa tìm thấy bất cứ dấu hiệu vi phạm nào như nghi ngờ được nêu.

Tuy vậy, đảng Cộng hòa đối lập vẫn dựa trên các cuộc phỏng vấn mới công bố để tấn công bà Hilary cũng như kêu gọi ông Kennedy phải ra đi. Ứng cử viên Trump đã bình luận trên trang mạng xã hội Twitter rằng đây là điều “không thể tin nổi”. Và chắc chắn đây là chủ đề tiếp tục được ông Trump khơi mào tại cuộc tranh luận.

Cuốn băng về ông Trump

Một đoạn video được quay từ năm 2005 vừa bị rò rỉ mà trong đó ông Trump nói với người dẫn chương trình Billy Bush của hãng NBC rằng ông có thể thoải mái sàm sỡ phụ nữ vì ông ta là một ngôi sao. Thông tin này đã khiến nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa tuyên bố rút lại sự ủng hộ đối với ông Trump.

Sau đoạn video về việc ông Trump khoe khoang sờ soạng phụ nữ, đã có 9 phụ nữ đứng lên cáo buộc ông về hành vi này mà không được phép của họ. Trump cho rằng các cáo buộc này là giả dối và những người phụ nữ này được thúc đẩy bởi động cơ tài chính cũng như một vài người trong số họ không đủ hấp dẫn để ông thực hiện những hành vi đó. Vào hôm thứ Sáu, ông còn nhấn mạnh thêm trên tờ New Yok Times rằng vụ việc này có thể là âm mưu của Mexico để đánh bại mình. 

Phu nhân tỷ phú Trump - bà Melania. Ảnh: Guardian

Còn vợ ông - bà Melania Trump vẫn bảo vệ chồng mình khi cho rằng chuyện đó không đại diện cho con người của Trump và ông đã bị người dẫn chương trình “dắt mũi”. Ông Trump hôm 17/10 cũng tiếp tục chỉ trích báo chí đang đầu độc tâm trí của cử tri và các phương tiện truyền thông là một phần của cuộc tranh cử của bà Hilary.

Tuy vậy, theo nhận xét của tờ New York Times, bà Hilary dường như ít “mặn mà” đối với các cáo buộc lạm dụng tình dục của ông Trump. Bản thân chồng bà từng dính líu đến các vấn đề này trong quá khứ, và đó có thể là đòn đáp trả nếu Hilary công kích Trump. 

Gần đây nhất, ông Donald Trump thể hiện một nỗ lực chưa từng có của một ứng cử viên tổng thống về việc tuyên bố cuộc bầu cử tổng thống là không hợp lệ, ngay cả khi các cử tri còn chưa đi bầu. Sáng thứ Hai vừa qua, tại một cuộc vận động tranh cử ở Green Bay, Wisconsin, ông Trump lại nhắc lại cáo buộc của mình về gian lận trong bầu cử đã diễn ra tràn lan khi mà phiếu bầu cử những người nhập cư bất hợp pháp đã mang lại chiến thắng cho ông Obama tại Nam Carolina năm 2008. Ông Trump khẳng định “những người chết cách đó 10 năm vẫn tham gia bầu cử”. 

Trên thực tế, những thông tin ông Trump đưa ra dựa trên một nghiên cứu năm 2012 phát hiện 1,8 triệu cử tri được đăng ký hoạt động tích cực đã chết từ trước đó. Thật ra, nghiên cứu này không chỉ ra bằng chứng nào gian lận về bỏ phiếu mà đơn giản chỉ là các dữ liệu đã không được cập nhật.

Bên cạnh đó, khẳng định về việc người nhập cư không có tư cách công dân vẫn đi bỏ phiếu của ông Trump cũng là một nhận định thiếu căn cứ. Còn về phía bà Hilary, trước thềm cuộc tranh luận lần 3, bà đã không tổ chức một cuộc vận động nào, có thể là “ẩn mình chờ thời” để chuẩn bị một phong độ tốt nhất bước vào cuộc chiến quyết định trên chính trường xứ cờ hoa.

Phan Vũ

TIN LIÊN QUAN