(Baonghean) - Theo lịch trình, Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh có chuyến biểu diễn 7 ngày đến các xã vùng sâu vùng xa thuộc địa bàn huyện Quỳ Hợp để phục vụ đồng bào nhân dịp Tết cổ truyền.  Tôi theo xe của Đoàn và ghi lại những cảm xúc khi ngược ngàn...

Ngay từ 8h sáng, xe của đoàn đã chuyển bánh, trưởng đoàn Trần Quốc Chung quàng vai những máy ảnh, laptop, ổn định tổ chức bằng việc thông báo với anh em diễn viên lịch trình chuyến đi. Như những chuyến công tác dài ngày về với bà con vùng sâu vùng xa, anh chị em đều đã tiên lượng và quen với lịch trình dày đặc, ngày đi đêm diễn. Cán bộ tiền trạm Vân thông báo: “Chuyến đi này, anh em sẽ không phải đẩy xe nhé, đường ngon lắm”. Cả đoàn cười ồ!

Từ năm 2011, Đoàn Ca múa kịch chuyển tên thành Đoàn Ca múa nhạc dân tộc. Những chương trình biểu diễn của Đoàn phải có những tiết mục được phát triển từ các làn điệu của đồng bào Thái, Thổ, Mông, Khơ mú. Đó cũng là nhiệm vụ chính trị cao cả mà gian lao vô cùng. Để có được một tiết mục múa “Ngày mùa” đoạt giải Vàng trong Liên hoan Nghệ thuật quần chúng toàn quốc tại Đắc Lắc năm 2012, Đoàn đã phải đầu tư rất nhiều công sức từ đi điền giã, sưu tầm, biên soạn, tìm ý tưởng, mời những biên đạo tên tuổi dựng vở...

790162_small_91210.jpg

Chương trình biểu diễn của Đoàn Ca múa nhạc dân tộc
tại Châu Lý (Quỳ Hợp).

Xe chuyển bánh vào Châu Lý khi trời vừa xẩm tối, Châu Lý cách thị trấn 20 km, khung cảnh buổi chiều tà thanh bình trong làn khói bếp, trong tiếng trẻ í ới trêu đùa gọi bạn dong trâu. Trên con “ngựa sắt” lắc lư, anh Nghĩa, đội trưởng đội múa, cầm micro đọc thông báo: “Đúng 7h30 tối hôm nay, mời bà con đến UBND xã Châu Lý xem chương trình biểu diễn nghệ thuật của Đoàn Ca múa nhạc dân tộc với chương trình biểu diễn đặc sắc, một đêm duy nhất không bán vé, không bán vé chỉ một đêm duy nhất”.

Về Quỳ Hợp, 2 diễn viên múa Cẩm Ly và Phương Mai được về nhà nên vui lắm. Các em là những diễn viên được Đoàn đi tuyển từ 2 năm trước và đã theo học khóa Trung cấp múa 2 năm nay, là diễn viên hợp đồng của Đoàn. Ly nói: “Em thích múa từ nhỏ, bố mẹ không muốn em theo nghề này, em quyết tâm thuyết phục bằng được”. Nhà ở ngay thị trấn huyện, nhưng các em không được ngủ ở nhà, vì phải tập trung với Đoàn để “chấp hành kỷ luật”. Cũng như những diễn viên hợp đồng khác, các em chỉ được nhận mức lương ít ỏi 1.500.000 đồng/tháng, cuối năm có thêm vài trăm tiền thanh sắc, vậy mà niềm đam mê vẫn ngời lên trong mắt các em trong những đêm diễn và cả trên sàn tập.

Chỉ kịp ăn vội miếng cơm khi diễn viên còn rất mệt, cả Đoàn lại lên xe về trụ sở UBND xã. Bà con nô nức kéo đến sân, trẻ em chỉ trỏ cười nói râm ran. Tiếng Quế Thương vang lên trong cánh gà: “Chương trình biểu diễn nghệ thuật của Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh xin phép được bắt đầu. Mở đầu chương trình là màn hát múa “Hương rừng miền Tây”, sáng tác Tiến Dũng. Nhạc nổi lên những giai điệu núi rừng, các cô gái chàng trai trong điệu múa lăm xuất hiện trao nhau những ánh mắt tình tứ. Dưới khán giả ồ lên thích thú. Bỗng điện tắt phụt, anh Chung nói: “Chuyện thường ngày mà em, bọn anh đi diễn gặp những sự cố kiểu này là còn nhẹ”.

Mãi 20 phút sau điện mới sáng, điệu múa rạo rực tiếng chày giã gạo khi mùa về, tiếng gà gáy bản xa trong làn khói bếp của hương gạo mới trong màn múa “Gạo mới”. Những động tác uyển chuyển của các cô gái Khơ mú lúc tinh mơ giã gạo, lúc sàng sảy những hạt lúa khiến người xem vừa thích thú vừa thán phục. Đến “Trai rừng” được viết theo chất liệu dân ca dân tộc Thái, anh Minh Tâm, người có giọng trầm hùng quý hiếm cất lên: “Một đời anh theo câu hát đi tìm bóng núi ngày xưa” nghe sao da diết đắm say. Một đêm diễn, khán giả được thưởng thức nhiều giai điệu từ dân ca ví dặm, các làn điệu Thái, Khơ mú, đến những bài hát mới trẻ trung. Với 20 tiết mục khán giả được say sưa trong nhiều cung bậc cảm xúc.

Mới quen đã thân, vừa thân đã phải chia tay, một cảm giác bịn rịn. Mai các anh chị em lại lên đường, thấy ấm hơn tình người miền Tây quê Nghệ.


Bài, ảnh: Thanh Nga