Không khí gia đình thêm đầm ấm trước thềm năm mới

Những năm gần đây, đêm Giao thừa, người dân Nghệ An có xu hướng tập trung ở các điểm công cộng để vui chơi và đón năm mới. Với người dân thành phố thường tập trung đến các điểm bắn pháo hoa để chiêm ngưỡng và dạo quanh các tuyến phố để hái lộc. Còn ở các làng quê bà con nhân dân, nhất là lớp trẻ thường tụ hội tại nhà văn hóa thôn, bản giao lưu văn nghệ, hái hoa dân chủ và đốt lửa trại mừng năm mới.

Năm nay, dịch Covid-19 bùng phát đúng thời điểm chuẩn bị bước sang năm mới, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo chính quyền các cấp đều có văn bản chỉ đạo nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh, ngừng các hoạt động lễ hội, không tập trung đông người. Vì thế, nhiều người chọn giải pháp ở nhà đoàn tụ, vui vầy cùng gia đình trong đêm Giao thừa.

bna_16140411_1122021.jpgNiềm vui đoàn tụ anh em, con cháu của gia đình ông Bùi Công Hồng, xóm Quyết Thắng, xã Tường Sơn (Anh Sơn). Ảnh: Công Khang

Ở xã Tường Sơn (Anh Sơn), thông thường vào đêm Giao thừa, nhà văn hóa của các thôn, xóm luôn rộn ràng các tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa, bà con tập trung rất đông để giao lưu và cổ vũ. Thanh niên thường tập trung ở các ngã ba, ngã tư đường để đốt lửa trại đón Giao thừa. Nhưng trong đêm Giao thừa này, theo ghi nhận của chúng tôi, các thôn xóm đều yên lặng, hầu hết mọi người đều ở nhà.

Nhà ông Bùi Công Hồng ở thôn Quyết Thắng khá đông người, anh em, con cháu đến nhà cùng chung vui. Ông Hồng cho biết: “Tôi là con út, ở trên đất hương hỏa của ông bà tổ tiên, nhà thờ chi họ trong khuôn viên nên tối nay các cháu của cả đại gia đình đều tụ hội về dâng hương và trò chuyện tâm tình về gia đình, công việc. Không khí đêm cuối năm thực sự vui vẻ, ấm cúng”.

Ông Bùi Công Hồng và con trai cùng các cháu trong họ dâng hương trước bàn thờ tổ tiên trong đêm Giao thừa. Ảnh: Công Khang

Anh Bùi Công Hoàng - con trai ông Hồng làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh về quê đón Tết. Năm nào cũng vậy, đêm Giao thừa anh thường đi chơi cùng bạn bè, tham gia giao lưu văn nghệ, đốt lửa trại. Giao thừa năm nay, anh Hoàng quyết định ở nhà đón năm mới cùng bố mẹ và anh em con cháu trong đại gia đình.

“Do tình hình dịch bệnh có nguy cơ lây lan phức tạp nên tôi không đi chơi cùng bạn bè như những năm trước. Ở nhà trò chuyện với các bác, các cô và các anh chị trong đại gia đình cũng đã mang lại niềm vui, sự sẻ chia tâm sự, không khí thêm đầm ấm, vui vẻ. Đây cũng có thể xem là một đêm giao thừa thú vị”.

Anh Bùi Công Hoàng 

Cũng như gia đình ông Hồng, nhiều gia đình ở xã Tường Sơn các thành viên đã tụ họp, có khi con cháu 2 - 3 nhà thuộc một đại gia đình tập trung chung vui trong đêm Giao thừa, cùng hướng về thời khắc thiêng liêng.

Sợi dây tình cảm thêm bền chặt trong thời khắc thiêng liêng

Ở nhiều vùng quê khác cũng vậy, Giao thừa năm nay là dịp để các gia đình tập trung đông đủ con cháu trong niềm vui sum vầy. Gia đình ông Nguyễn Văn Công ở khối Sa Nam, thị trấn Nam Đàn (huyện Nam Đàn) con cháu cũng tề tựu đông đủ, cùng làm bánh ong, bánh ngào để cúng Giao thừa. Bên bếp lửa, các thành viên thuộc các thế hệ cùng nhau cười nói, không khí gia đình thêm rộn ràng và ấm cúng.

Bà Phạm Thị Trí, xóm 6, xã Trù Sơn (Đô Lương) vui vầy cùng con cháu trước giờ khắc Giao thừa. Ảnh: Nguyễn Đạo

Anh Nguyễn Minh Hải (con trai ông Công) chia sẻ: “Gia đình tôi ở thành phố Vinh, Giao thừa những năm trước cả nhà ra Quảng trường xem văn nghệ và pháo hoa. Do dịch Covid-19, hôm nay cả nhà về quê sum vầy bên gia đình và được đón nhận tình cảm thân thương và chân thành, cảm nhận được niềm yêu thương và sợi dây tình cảm bền chặt giữa các thế hệ và mỗi thành viên”.

Đặc biệt, cụ bà Ngũ Thị Du ở thôn Đồng Thượng, xã Thanh Lĩnh (Thanh Chương) năm nay bước sang tuổi 102, có 8 người con, 28 cháu, 53 chắt và 3 chít. Năm nay, đêm Giao thừa, các cháu và chắt của cụ Du thay phiên nhau đến chúc thọ và mừng tuổi bà và cụ của mình. Tuổi cao nhưng cụ Du vẫn minh mẫn, thấy con, cháu và chắt tề tựu đông vui, nét mặt người già luôn hiện rõ nụ cười.

Khung cảnh vắng lặng trong đêm Giao thừa ở thị trấn Thạch Giám (Tương Dương). Ảnh: Đình Tuân

Bình thường, đêm Giao thừa ở thị trấn Thạch Giám (Tương Dương) rất nhộn nhịp, dòng người từ các khối phố, bản làng tập trung về sân vận động, nhà văn hóa để cùng nhau múa lăm vông, uống rượu cần trong tiếng cồng chiêng rộn rã. Đêm nay hoàn toàn khác, các tuyến đường đều vắng lặng, hầu như tất cả mọi người đều ở nhà đón Giao thừa.

Vợ chồng chị Kha Thị Minh Hải (khối Hòa Tây) thay vì ra đường hái lộc cầu may đã đưa các con sang nhà bà ngoại chung vui. Bà Vang Thị Phòng (mẹ chị Hải) thực sự vui sướng vì con cháu đã dành cho mình sự quan tâm và niềm yêu thương trong đêm đặc biệt này. Ôm các cháu vào lòng, bà Phòng kể về những phong tục, tập quán đón tết Cổ truyền của dân tộc Thái, rồi hát làn điệu Khắp bộc lộ niềm vui tuổi già.

Trong đêm Giao thừa, bà Vang Thị Phòng ở khối Hòa Tây, thị trấn Thạch Giám (Tương Dương) kể cho con cháu nghe về phong tục đón tết Cổ truyền. Ảnh: Đình Tuân

“Sướng nhất là được các con, các cháu quây quần đầm ấm trong thời khắc thiêng liêng đón năm mới. Đơn giản vậy thôi, nhưng với tôi là một niềm vui lớn, không có gì sánh được”.

Bà Vang Thị Phòng

Đồng thời, theo nguồn tin chúng tôi có được, ở một số thôn, bản, bà con nhân dân góp củi đốt lửa trại và tập trung tại một điểm để đánh cồng chiêng. Tuy vậy, số lượng tập trung không đông, chỉ 5 - 7 người nên không ảnh hưởng nhiều đến công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Người dân xóm 6, xã Trù Sơn (Đô Lương) đốt lửa vui đón Giao thừa. Ảnh: Nguyễn Đạo

Như vậy, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc vui Xuân, đón Tết của nhân dân, các hoạt động tập trung đông người và các điểm vui chơi, giải trí phải tạm ngừng. Nhưng bù lại, mọi người có thời gian dành cho gia đình, được hưởng niềm vui sum vầy, đoàn tụ và cảm nhận sự ấm áp của tình thân trong khoảnh khắc Giao thừa thiêng liêng.  

Bà con khối Hòa Tây, thị trấn Thạch Giám (Tương Dương) đánh cồng chiêng đón Giao thừa Tân Sửu 2021. Ảnh: Đình Tuân