(Baonghean) - Mỗi lần nhắc đến thầy giáo Hà Văn Tâm, người dân 2 bản Ồ Ồ và Già Hóp, thuộc xã Tường Sơn (Anh Sơn) luôn bày tỏ niềm kính trọng. Gần 20 năm nay, thầy Tâm âm thầm góp phần đem cái chữ về cho con em, để cuộc sống bản làng thêm đổi mới.
Thầy Tâm sinh năm 1963, ở xã Tam Sơn, một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Anh Sơn. Học xong THPT, người thanh niên dân tộc Thái này lên đường nhập ngũ. Sau 7 năm trong quân ngũ (1982 - 1989), Hà Văn Tâm trở về quê hương lao động sản xuất. Lúc bấy giờ, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Anh Sơn còn gặp rất nhiều khó khăn, nhiều em nhỏ đến tuổi đi học không được đến trường vì thiếu trường, thiếu lớp và thiếu giáo viên. Trước thực trạng đó, Hà Văn Tâm quyết định thi vào Trường Sư phạm miền núi để sau này trở thành thầy giáo, đem cái chữ đến cho con em các bản làng xa xôi. Sau 2 năm theo học ngành Sư phạm, năm 1996, Hà Văn Tâm tốt nghiệp ra trường và được phân công về Trường Tiểu học Tường Sơn. Lúc này, 2 bản Ồ Ồ và Già Hóp còn thiếu giáo viên, thầy Tâm xung phong vào đây dạy học.
Đến nay, thầy Tâm vẫn chưa thể quên được những năm tháng gian khó, phải cuốc bộ khoảng 10 km đường rừng, lần theo lối mòn dọc khe suối để tìm đến với học trò. Cuộc sống đồng bào dân tộc Thái ở Ồ Ồ và Già Hóp còn hết sức nghèo khó, hầu hết các gia đình đều lâm vào cảnh thiếu ăn, không mấy ai quan tâm đến cái chữ. Việc đầu tiên của thầy giáo Tâm lúc đến đây là tìm đến nhà trưởng bản để nhờ vận động bà con góp tranh, nứa và gỗ dựng lớp. Không có mặt bằng, thầy Tâm lại vận động trưởng bản đồng ý cho dựng lớp học ngay tại vườn nhà. Cứ thế, mỗi năm học mới, thầy Tâm lại lo việc vận động bà con dựng lớp, dựng trường và phải đến gần 10 năm sau (năm 2005), Ồ Ồ và Già Hóp mới được đầu tư xây dựng trường học. Việc tiếp theo là thầy Tâm đến từng nhà để vận động cho con em đi học.
Lúc đầu, có những bậc phụ huynh không muốn cho con đến lớp, vì phải tốn tiền mua sách vở, bút mực, lại không có người giúp đỡ việc trông nom con nhỏ để lên rẫy hay canh trâu bò. Gặp phải tình huống này, thầy Tâm đã ân cần khuyên bảo để bà con dần hiểu ra những lợi ích của việc cho con cái đến lớp. So với học sinh vùng trung tâm, khả năng tiếp nhận của học sinh ở Ồ Ồ - Già Hóp chậm hơn, thầy Hà Văn Tâm xác định phải kiên trì, tận tụy hướng dẫn các em viết từng nét chữ, xử lý từng phép tính. Ban đêm, thầy cùng trưởng bản đi đến tận nhà từng học sinh để vừa kiểm tra việc học tập ở nhà, vừa tìm hiểu hoàn cảnh gia đình và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các bậc phụ huynh.
Đến nay, cuộc sống ít nhiều đã có những đổi thay, đường vào bản đã được rải nhựa nhưng so với trong vùng, người dân Ồ Ồ và Già Hóp vẫn còn gặp không ít khó khăn, vất vả. Thầy giáo Hà Văn Tâm vẫn tiếp tục gắn bó với những em nhỏ ở nơi đây. Ngoài dạy học, thầy còn dành thời gian đi khắp nơi để vận động quyên góp sách vở, đồ dùng học tập để học sinh của mình có điều kiện học tập tốt nhất có thể. Thầy Tâm chia sẻ: “So với trường chính, học sinh ở đây thiệt thòi hơn nên tôi mong có một tủ sách để phục vụ việc học tập, phục vụ nhu cầu nâng cao kiến thức và giải trí, đặc biệt là trong các dịp hè”.
Trao đổi với chúng tôi, thầy Nguyễn Đức Vĩnh - Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Anh Sơn cho biết: “Chúng tôi ghi nhận và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của thầy Hà Văn Tâm. Thầy có công lớn trong việc duy trì số lượng học sinh, giúp phòng làm tốt công tác quản lý, tham mưu việc dạy và học ở bản Ồ Ồ và Già Hóp...”.
Tường Anh