Trong một báo cáo mới đây, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đã đề xuất cấp thẩm quyền trong năm năm tới (2011-2015) cần 11.000 tỉ đồng để thực hiện dự án chống xuống cấp, tu bổ và tôn tạo di tích thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2011-2015.

Nội dung chủ yếu của dự án này là hoàn thành việc lập các quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị các khu di tích đặc biệt quan trọng; tiếp tục triển khai các dự án tu bổ di tích quốc gia đặc biệt và di tích quốc gia đang đầu tư dở dang như cố đô Huế, phố cổ Hội An, tháp Chăm Mỹ Sơn, đền Hùng, cố đô Hoa Lư, di tích Côn Sơn Kiếp Bạc.

764580_small_61907.jpgĐiện Voi Ré - một thành phần quan trọng của di tích cố đô Huế - đang xuống cấp, sẽ được trùng tu trong giai đoạn tới - Ảnh: Thái Lộc

Bên cạnh đó là đầu tư tu bổ các di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật danh lam thắng cảnh cấp quốc gia hiện đang bị xuống cấp; đầu tư tu bổ các di tích cách mạng kháng chiến tiêu biểu như ATK Việt Bắc, các dự án đường mòn Hồ Chí Minh, hệ thống các nhà tù tố cáo tội ác, các khu căn cứ cách mạng quan trọng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ.

Dự kiến mỗi năm đầu tư tổng thể 50-60 di tích, hỗ trợ chống xuống cấp cho 100-150 di tích; hỗ trợ các bảo tàng tỉnh, thành phố mua 10-30 hiện vật mỗi năm; tổ chức đào tạo và cấp chứng chỉ cho đội ngũ cán bộ, công nhân chuyên ngành làm công tác tôn tạo, tu bổ di tích...

Số tiền 11.000 tỉ đồng này nằm trong tổng kinh phí 15.400 tỉ đồng của Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2011-2015 (những số liệu này được trích ra trong cuốn Kỷ yếu hội nghị triển khai công tác văn hóa - thể thao và du lịch năm 2011).

Để chương trình của giai đoạn này được triển khai trên thực tế, các bộ ngành liên quan sẽ trình Chính phủ xem xét và quyết định.

Cũng theo kỷ yếu, chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2006-2010 đã hỗ trợ, tu bổ tổng thể 130 di tích; hỗ trợ chống xuống cấp cấp thiết, sửa chữa nhỏ 810 di tích; thực hiện được 45 dự án sưu tầm văn hóa phi vật thể; hỗ trợ lập hồ sơ khoa học bốn kiệt tác văn hóa phi vật thể trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới; cấp trang thiết bị cho 15 trạm vệ tinh ngân hàng dữ liệu phi vật thể...

Đánh giá về những tồn tại, hạn chế trong giai đoạn này, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch cho biết trên thực tế có một số địa phương do ưu tiên các mục tiêu khác đã bố trí không hợp lý nguồn vốn cho mục tiêu văn hóa; trách nhiệm bộ và các địa phương chưa được phân định rõ ràng.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng các bộ ngành có liên quan cần tiến hành khảo sát, đánh giá một cách cụ thể hơn nữa những kết quả đã đạt được trong dự án tu bổ, tôn tạo và chống xuống cấp di tích của giai đoạn vừa qua; đồng thời cần chỉ ra những công trình tu bổ, tôn tạo di tích nào chưa đảm bảo yếu tố khoa học, vi phạm Luật di sản văn hóa, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính nguyên gốc của di tích.

Có như vậy mới có thể phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục những hạn chế, yếu kém khi thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo và chống xuống cấp di tích trong giai đoạn tới.
Theo Tuổi trẻ