Đề xuất tỉnh tháo gỡ nhiều bất cập, khó khăn từ thực tiễn ảnh 1

Điều hành thảo luận tại tổ 3 do đồng chí Trình Văn Nhã - Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương chủ trì. Ảnh: Mai Hoa

Tham gia tại tổ 3 có các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ: Nguyễn Nam Đình - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Ngọc Kim Nam - Trưởng ban Dân vận Tỉnh uỷ; Lê Hồng Vinh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo, chuyên viên các sở, ban, ngành cấp tỉnh cùng lãnh các huyện Thanh Chương, Đô Lương, Anh Sơn, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn.

Quan tâm giải quyết vấn đề cung ứng xi măng để làm nông thôn mới

Mở đầu ý kiến thảo luận, đại biểu Lê Thị Thêu (huyện Tân Kỳ) phản ánh việc cung ứng xi măng cho các đơn vị đăng ký về đích nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao chậm. Mặc dù đây là công việc định kỳ, thường xuyên hàng năm, chứ không phải công việc đột xuất.

Ví như xi măng của năm 2021 đến tháng 4/2022 mới được nhận và xi măng năm 2022 đến thời điểm này chưa có, trong đó mùa mưa sắp đến, gây khó khăn cho các địa phương xây dựng, hoàn thành tiêu chí.

Đại biểu Lê Thị Thêu (huyện Tân Kỳ) phản ánh việc cung ứng xi măng chậm, ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Ảnh: Mai Hoa

Liên quan đến ý kiến này, đại biểu Lê Hồng Vinh - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và đại biểu Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc Sở Tài chính đã làm rõ nguyên nhân, việc cung ứng xi măng theo quy định phải tổ chức đấu thầu, trong khi đó quy trình, thủ tục đấu thầu qua nhiều khâu, từ khâu tư vấn, xây dựng đơn giá, công bố đấu thầu công khai; mặt khác thời điểm diễn ra dịch bệnh Covid-19, nhiều địa phương bị phong toả, việc xây dựng đơn giá khó khăn do không đi khảo sát thực tế được.

Bên cạnh đó, việc giao chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới còn chậm vào tháng 4, tháng 5 hàng năm. Giải pháp khắc phục cho vấn đề này, trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tham mưu UBND tỉnh giao chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới sớm cho các địa phương, trên cơ sở đó Sở Tài chính tiến hành đấu thầu theo quy định.

Đồng chí Lê Hồng Vinh - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh giải trình làm rõ nguyên nhân cung ứng xi măng chậm. Ảnh: Mai Hoa

Vấn đề hiệu quả sản xuất nông nghiệp cũng được đại biểu tổ 3 quan tâm thảo luận. Đại biểu Hoàng Thị Hồng Hạnh (Đô Lương) nêu thực tế giá các vật tư đầu vào tăng, đầu ra khó khăn, hiệu quả sản xuất của người nông dân thấp, dẫn đến tình trạng bỏ ruộng tại các địa phương.

Cũng quan tâm đến nông nghiệp, đại biểu Trần Đình Toàn (Đô Lương) kiến nghị tỉnh nghiên cứu nâng chế độ chính sách hỗ trợ nông nghiệp nhằm giảm bớt khó khăn cho người nông dân.

Đại biểu Hoàng Thị Hồng Hạnh (Đô Lương) phản ánh khó khăn của người nông dân trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Mai Hoa

Giải trình vấn đề đại biểu quan tâm liên quan trách nhiệm tham mưu, quản lý của ngành, đại biểu Nguyễn Văn Đệ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin về các giải pháp mà ngành triển khai thời gian qua, như tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng cũng như giá cả các vật tư đầu vào gắn với xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; chỉ đạo nông dân sản xuất theo hướng sạch, hữu cơ gắn với phổ biến cho nông dân làm phân vi sinh, hạn chế sử dụng phân bón vô cơ, trong chăn nuôi chỉ đạo theo hướng chăn nuôi gia súc ăn cỏ để lấy nguồn phân bón cây trồng; xây dựng các mô hình sản xuất tập trung, thu hút doanh nghiệp đầu tư và đưa cơ giới vào sản xuất, giảm lao động thủ công, tăng hiệu quả sản xuất.

Liên quan mức hỗ trợ các chính sách nông nghiệp, theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay tỉnh có rất nhiều chính sách và mức hỗ trợ khá cao. Ví như chính sách hỗ trợ làm nhà lưới 200 triệu đồng/nhà; hỗ trợ mô hình nuôi tôm công nghệ cao 230 triệu đồng/mô hình. Hay hỗ trợ mua máy cày, máy cấy, máy gặt, máy bay không người lái là 20% tổng giá trị; hỗ trợ trang trại chăn nuôi 300 triệu đồng/trang trại…

Đại biểu Nguyễn Văn Đệ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải trình một số vấn đề liên quan đến nông nghiệp. Ảnh: Mai Hoa

Về vấn đề nông nghiệp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng với Cục Thống kê tỉnh rà soát, tổng hợp số liệu diện tích nông dân bỏ ruộng để có định hướng cụ thể; đồng thời tổng hợp đầy đủ các chính sách nông nghiệp để thông tin đến các đại biểu HĐND tỉnh và nhân dân các địa phương.

Cần tháo gỡ các bất cập sau sáp nhập thôn, xóm

Thảo luận tại tổ 3, các đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (huyện Nghĩa Đàn), Trình Văn Nhã (huyện Thanh Chương), Hoàng Thị Hồng Hạnh (huyện Đô Lương), Trần Ngọc Sơn (Tân Kỳ) phản ánh tồn tại từ cơ sở liên quan đến sáp nhập thôn, xóm. Sau sáp nhập, nhiều thôn, xóm tăng quy mô dân số, tăng diện tích, công việc nhiều hơn, nhưng chế độ cho đội ngũ hoạt động ở thôn, xóm không tăng, thậm chí ở một số địa bàn giảm.

Điều đó tác động đến tư tưởng, tâm lý những người hoạt động ở xóm, dẫn đến việc tìm người đảm nhận bí thư chi bộ, xóm trưởng khó khăn ở nhiều địa phương.

Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện Nghĩa Đàn) kiến nghị tỉnh có cơ chế chính sách động viên đội ngũ hoạt động ở xóm. Ảnh: Mai Hoa

Các đại biểu đề nghị tỉnh kiến nghị Trung ương sửa đổi Nghị định 34 của Chính phủ ban hành năm 2019 hoặc nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ, động viên lực lượng “cánh tay nối dài” của cấp uỷ, chính quyền.

Chia sẻ khó khăn, vất vả của những người hoạt động ở khối, xóm, thôn, bản thường xuyên va chạm nhiều vấn đề từ thực tiễn; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thông tin, chính sách cho đội ngũ này hiện tỉnh đã áp mức “kịch kim” theo quy định tại Nghị định 34 của Chính phủ. Để đáp ứng yêu cầu thì ngân sách tỉnh khó cân đối, đặc biệt hiện nay áp lực các công trình trọng điểm đang cần ngân sách rất lớn, trong khi thu ngân sách của tỉnh đang thấp hơn chi.

Đại biểu Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc Sở Tài chính giải trình việc hỗ trợ chế độ cho nhân viên y tế tham gia phòng chống dịch Covid-19 chậm. Ảnh: Mai Hoa

Đại biểu Trần Ngọc Sơn (Tân Kỳ) đặt ra băn khoăn về quy trình và chất lượng thẩm định cấp phép các dự án khai thác khoáng sản. Ảnh: Mai Hoa

Mặt khác, việc sáp nhập khối, xóm, thôn, bản có những nơi nhập 2 - 3 xóm lại vẫn chưa đạt 350 hộ và phương án sáp nhập mà tỉnh đưa ra là trên cơ sở thực tiễn ở một số địa phương trước khi sáp nhập đã có những xóm có trên 350 hộ dân vẫn quản lý, điều hành tốt. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng mong muốn các đại biểu HĐND tỉnh thông tin đến với cơ sở để cùng chia sẻ khó khăn với tỉnh.

Nhiều vấn đề liên quan đến quản lý, cấp phép khai thác khoáng sản; tồn đọng, khó khăn trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân; bất cập về hạ tầng lưới điện nông thôn; chậm giải ngân đầu tư công; chậm chi trả chế độ cho lực lượng y tế tham gia chống dịch Covid-19… cũng được các đại biểu đề cập, phản ánh và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh phân tích nguyên nhân, làm rõ các giải pháp cụ thể để khắc phục.

Đồng chí Nguyễn Nam Đình - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh khẳng định tinh thần của Thường trực HĐND tỉnh là đổi mới, đeo bám và giải quyết hiệu quả các vấn đề thực tiễn. Ảnh: Mai Hoa

Tại phiên thảo luận tổ, đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đã giải trình làm rõ một số vấn đề liên quan đến hoạt động HĐND tỉnh và công tác chuẩn bị tài liệu cho kỳ họp mà đại biểu quan tâm.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cũng khẳng định tinh thần đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động của HĐND tỉnh trong nhiệm kỳ 2021 - 2026, từ chất lượng tiếp xúc cử tri, giám sát, tổ chức kỳ họp… Quan điểm của Thường trực HĐND tỉnh là đổi mới, đeo bám và giải quyết hiệu quả các vấn đề thực tiễn.