phan_ba_ngoc8623578_1182021.png

Chủ trương khuyến khích tích tụ ruộng đất đã được Đảng các cấp đặt ra lâu nay và thực tiễn ở xã Thanh Liên, thông qua hai lần chuyển đổi ruộng đất, ruộng đồng đã được quy hoạch, cải tạo lại một bước với ô thửa lớn hơn, từ 200 - 250m2/thửa lên hơn 500m2/thửa.

Tuy nhiên, so với yêu cầu sản xuất nông nghiệp tạo ra vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh lớn và tạo thuận lợi đưa khoa học công nghệ vào thì yếu tố đồng ruộng hiện vẫn chưa đủ lớn để làm. Mặt khác, hiện nay, thực tiễn đang diễn ra sự phân hóa lao động. Một số lao động nông nghiệp chuyển sang lao động dịch vụ, thương mại, công nghiệp và cùng với đó là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ cũng khiến một số nông dân không mặn mà với đồng ruộng, dẫn đến tình trạng bỏ hoang ruộng đang có xu hướng tăng.

Để giải bài toán nêu trên, đề nghị tỉnh cần tiếp tục có chủ trương dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất để tạo thành ô thửa lớn hơn, với 1.000 đến 3.500 m2/thửa/hộ làm nông nghiệp. Bên cạnh chủ trương dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất để đảm bảo mỗi hộ nông dân có ô thửa lớn hơn, thì tỉnh cần nghiên cứu để có những cơ chế, chính sách kích thích các tổ chức, cá nhân mạnh dạn đứng ra tích tụ ruộng đất thông qua thuê, mượn đất của các hộ có đất giao khoán theo Nghị định 64 mà không có nhu cầu sản xuất để đầu tư sản xuất lớn theo chuỗi giá trị.

Quỳnh Long là một xã vùng biển và nghề cá là mũi kinh tế trọng tâm của địa phương với hơn 125 phương tiện, trong đó có 60 tàu khai thác xa bờ và 65 phương tiện khai thác gần bờ.

Mặc dù nghề cá ở Quỳnh Long đang thu hút gần 40% lao động, chủ yếu là lực lượng thanh niên và tỷ trọng kinh tế từ nghề biển chiếm hơn 50%; tuy nhiên hiệu quả và lợi nhuận sau khai thác chưa cao và ổn định. Nguyên nhân một phần do ngư trường; phần nữa do vấn đề giá đầu vào cho một chuyến đi biển đang còn khá cao và đầu ra thiếu ổn định về giá cả, thị trường, trong khi đó, khấu hao tài sản đi biển lớn. Bên cạnh hiệu quả kinh tế thì nghề biển có những rủi ro lớn trong sản xuất, kể cả yếu tố thiên tai tác động.

Hiện nay, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư phát triển kinh tế biển, như hỗ trợ kinh phí đóng mới tàu cá khai thác xa bờ, miễn thuế khai thác thủy sản, hỗ trợ chi phí nhiên liệu cho các phương tiện xa bờ, khai thác ở vùng biển xa… Cùng với đó, tỉnh ta cũng có một số chính sách hỗ trợ đóng tàu, hỗ trợ đầu tư máy dò khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị hành trình cho tàu cá…

Tuy nhiên, để tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế biển, tháo gỡ khó khăn cho người dân tham gia nghề biển, cải thiện và nâng cao thu nhập, đề nghị Nhà nước các cấp quan tâm có các chính sách, như hỗ trợ lãi suất vốn vay ngân hàng đầu tư sản xuất; hỗ trợ giá xăng dầu; hỗ trợ chế độ đóng bảo hiểm thuyền viên, bảo hiểm thân tàu… Mặt khác, đề xuất tỉnh sớm triển khai thi công dự án khu chế biến thủy sản tập trung và dịch vụ hậu cần nghề cá, khu neo đậu tại cảng Lạch Quèn, nhằm tạo điều kiện tiêu thụ và nâng cao giá trị sau khai thác cho ngư dân.

Nghị định 67/2014/NĐ-CP đã tạo ra bước đột phá về công suất, công nghệ, phương thức khai thác hải sản; đáp ứng được tâm tư nguyện vọng của đông đảo bà con ngư dân; góp phần quan trọng vào việc phát triển ngành thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thực hiện tái cơ cấu ngành thủy sản, đồng thời góp phần bảo vệ an ninh biển đảo, chủ quyền quốc gia.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, khó khăn lớn nhất là nhiều ngư dân Nghệ An vẫn chưa trả được nợ cho các ngân hàng khi vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67. Xã Quỳnh Lập có 29 tàu đóng theo Nghị định 67, vay ngân hàng 256 tỷ đồng, nay còn 24 tàu, còn dư nợ 190 tỷ đồng. Nghị định 17 ra đời thay thế Nghị định 67 nhằm tháo gỡ khó khăn bất cập của Nghị định 67. Theo đó, Nghị định 17 quy định Nhà nước hỗ trợ không quá 35% và không quá 8 tỷ đồng. Địa phương có 3 tàu vỏ sắt được đóng theo Nghị định 17 với số tiền 72 tỷ đồng đã 2 năm chưa nhận được chi trả tiền hỗ trợ.

Bên cạnh đó, vấn đề được nhiều ngư dân quan tâm đó là thực trạng xử lý tài sản là tàu nợ quá hạn còn bất cập; đặc biệt nhiều tàu bị cháy, tai nạn trên biển, mặc dù mua bảo hiểm, nhưng phía công ty bảo hiểm gây khó khăn trong thủ tục, chậm chi trả tiền... Để bà con ngư dân tiếp tục đi biển khai thác hải sản, phía ngân hàng cần có giải pháp giãn nợ cho các chủ tàu. Đặc biệt, một số chủ tàu bị tai nạn trên biển từ nhiều năm trước, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tiền bảo hiểm. Ngư dân đề nghị Công ty Bảo hiểm PJICO sớm trả lời dứt điểm đối với các chủ tàu bị rủi ro, giải quyết các hồ sơ của ngư dân đã kéo dài nhiều năm qua.

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số với điểm xuất phát thấp, cộng với điều kiện kinh tế - xã hội có những khó khăn, nhất là trình độ, tư duy kinh tế hạn chế. Tập quán sản xuất truyền thống, lạc hậu vẫn đang đè nặng ở một bộ phận nhân dân. Đấy chính là những lý do dẫn đến nhiều mô hình, dự án kinh tế được đầu tư “chết yểu”; nghĩa là khi hết sự đầu tư về nguồn vốn, về nhân lực hướng dẫn thì mô hình cũng hết, không thể duy trì và lan tỏa.

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất tuy nhiều nhưng dàn trải, thiếu tập trung và chưa mang tính đột phá, chỉ quan tâm số hộ hưởng lợi nhưng thiếu cơ chế kiểm soát, thiếu đánh giá hiệu quả thực sự sau đầu tư. Ví dụ như chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất từ Chương trình 135 và 30a là cấp cho mỗi hộ nghèo 1 con bê hoặc 1 con nghé, nhưng phần lớn do tập quán thả rông, con giống còn non nên chưa thích ứng với tiểu khí hậu, dẫn đến bị bệnh tật chết, không phát huy được hiệu quả đầu tư. Hay như hỗ trợ mô hình thâm canh lúa nước nhưng sau khi kết thúc vụ thu hoạch, người dân không có tiền đầu tư mua phân bón nên cũng không phát huy, nhân rộng được mô hình. Hoặc hỗ trợ máy móc với yêu cầu lập theo nhóm hộ nên khi bị hư hỏng các hộ ỷ lại nhau không bảo dưỡng, sửa chữa nên máy móc nhanh hư hỏng, không phát huy được hiệu quả.

Từ thực tiễn nêu trên, đề nghị Trung ương và tỉnh cần nghiên cứu thay đổi cách hỗ trợ đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số thông qua lựa chọn các mô hình kinh tế mang tính lợi thế của vùng để hỗ trợ đầu tư xây dựng mô hình một cách bài bản, gắn chế biến và tiêu thụ sản phẩm, như cây dược liệu; chăn nuôi và chế biến gia súc; hay các sản phẩm mang tính đặc trưng, đặc hữu của vùng; mô hình du lịch sinh thái, trải nghiệm…

Trong những năm qua, Trung ương và tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quy định các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi kinh phí lớn nhưng chính sách hỗ trợ của Nhà nước còn hạn chế. Đơn cử như việc sản xuất trong nhà lưới kinh phí bỏ ra rất nhiều, rủi ro cao nhưng hiện nay chính sách hỗ trợ của tỉnh là 50 triệu đồng/1.000m2 nhà lưới. Nhà nước cần có định hướng phát triển mô hình sản xuất trong nhà lưới để tránh tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, bán phá giá, chất lượng sản phẩm không đảm bảo. Bên cạnh đó, công tác xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mới tập trung ở các doanh nghiệp, ở hợp tác xã còn hạn chế.

Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp là hướng đi tất yếu đảm bảo hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững của ngành nông nghiệp. Để lĩnh vực này phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương, đòi hỏi phải có những giải pháp, chính sách mang tính đột phá hơn; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm an toàn, có tiềm năng xuất khẩu tốt; có chính sách hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại; ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản; liên kết với doanh nghiệp và nông dân, hợp tác xã để tiêu thụ nông sản, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam, giảm dần sản xuất manh mún, tự phát của hộ gia đình, phát triển nền nông nghiệp bền vững.

Nghệ An được xác định có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển công nghiệp dược phẩm gắn liền với trồng cây dược liệu trên địa bàn. Hiện nay, tại Nghệ An, việc trồng, phát triển cây dược liệu ngoài đang ở quy mô nhỏ lẻ. Một số hộ cũng ý thức trồng cây dược liệu, tuy nhiên, việc lo đầu ra cho sản phẩm là vấn đề đáng lo ngại. Để đảm bảo đầu ra ổn định, thời gian qua, Công ty cổ phần Dược liệu Pù Mát đã liên kết với dân trồng dược liệu theo hình thức: cho nông dân vay giống, phân bón và tập huấn, kiểm soát quy trình trồng và thu mua dược liệu với giá cam kết ( 6.000 - 9.000 đồng/kg tươi) và hiện nay đang thu mua 8.000 đồng/kg tươi. Do dịch bệnh ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh và giá thị trường rớt xuống 5.000 đồng/kg tươi nhưng công ty vẫn mua cho dân giá 7.300 đồng/kg tươi từ tháng 8/2021.

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân phát triển tốt sản phẩm dược liệu truyền thống, bên cạnh quá trình khảo sát, đánh giá chi tiết, đầy đủ các yếu tố cần tập trung quy hoạch quỹ đất phù hợp để tạo động lực thu hút các nhà đầu tư. HĐND tỉnh cần có chính sách hỗ trợ giống, phân bón và tập huấn cho nông dân trồng dược liệu (cả trồng và bảo tồn). Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp chế biến dược liệu về máy móc, quảng bá sản phẩm. Đơn giản hóa thủ tục để doanh nghiệp thuê đất làm trụ sở, xây dựng nhà xưởng. Tỉnh nên thành lập tổ tư vấn về hành lang pháp lý cho doanh nghiệp, HTX (tổ tư vấn gồm: Sở Tư pháp, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường, Sở  Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…) để tư vấn những vấn đề sau: bao bì, nhãn mác sản phẩm; an toàn vệ sinh thực phẩm; tự công bố sản phẩm... để sản phẩm ra thị trường không vi phạm pháp luật, để doanh nghiệp yên tâm sản xuất./.