Đó là ý kiến được nhiều đại biểu đề xuất tại phiên họp thứ 24 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH). Sáng 13-1, sau khi phiên họp thứ 24 được khai mạc, UBTVQH đã cho ý kiến các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế…

Dùng quỹ bảo hiểm y tế để…bồi dưỡng cán bộ?

Chủ trì và phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Phiên họp rất quan trọng vì sau khi Hiến pháp có hiệu lực, đồng thời chuẩn bị nhiều nội dung cho kỳ họp thứ 7 và thứ 8, quốc hội khoá XIII”.

Sau khi nghe Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai báo cáo về việc tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế, UBTVQH đã có rất nhiều ý kiến phát biểu, thể hiện rõ quan điểm chưa đồng tình với một số nội dung do Ban soạn thảo đề xuất.

Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị xem xét về bảo hiểm y tế đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong quân đội và công an nhân dân. Nếu quy định đối tượng này không thuộc bảo hiểm y tế bắt buộc thì được hưởng y tế gì, vì đã là toàn dân thì không loại trừ đối tượng nào? Đặc biệt, ông Phan Trung Lý không đồng tình với cách xử lý kết dư quỹ bảo hiểm y tế. Luật hiện hành quy định số kết dư phục vụ việc khám chữa bệnh nhưng Dự thảo mới lại quy định chi cho nhiều loại việc như: 50% cho nâng cao quyền lợi của người tham gia bảo hiểm, chi cho mua sắm trang thiết bị y tế; thi đua khen thưởng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ. Ông Lý cho rằng không nên khuyến khích kết dư. “Nếu cho sử dụng kết dư thì sẽ khuyến khích sử dụng tiết kiệm. Cần phải xem lại. Mua trang thiết bị là do ngân sách bảo đảm chứ không thể lấy người dân đóng góp rồi mua. Bồi dưỡng cán bộ, thi đua khen thưởng có nguồn theo Luật rồi, không thể lấy sử dụng. Kết dư phải quay lại phục vụ người dân” – ông Phan Trung Lý phát biểu.

Không chỉ ông Phan Trung Lý mà hầu hết các ý kiến phát biểu đều chung quan điểm trên. Mặc dù Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tham dự phiên họp đã có giải trình rằng việc xử lý kết dư như vậy là đáp ứng yêu cầu giai đoạn “quá độ”. Hiện những tỉnh khó khăn thì họ mua 100%, mua nhiều chi ít nên kết dư. Còn những nơi mua ít và bội chi lại là các thành phố. Bà Tiến đưa ra lộ trình sau 2020 sử dụng đúng quỹ bảo hiểm y tế theo mục tiêu đề ra. Bà Tiến cũng cho biết, cá nhân bà không đồng tình việc đưa nội dung mua sắm trang thiết bị, khen thưởng vào quỹ bảo hiểm y tế mà đây là đề xuất của… ban soạn thảo.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bà Nguyễn Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Tài chính giải thích: Về lâu dài quỹ BHYT nên được quản lý tập trung ở cấp quốc gia, cũng là mô hình của nhiều nước nhưng để giải quyết những vấn đề bất cập hiện hành thì đến năm 2020 thực hiện mục tiêu đó. Bà Minh cũng nhận thấy “để như thế này thì hưởng quyền lợi khác nhau giữa các địa phương” nên đề xuất cho các địa phương sử dụng quỹ kết dư với tỷ lệ dưới 50%, khoảng 20-30% để quỹ tập trung ở trung ương cao hơn”. Tuy nhiên, ý kiến này được Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng chất vấn: “Nếu chiều lòng các đại biểu Quốc hội, các địa phương như thế thì có sai luật không?”.

Phê phán những sai lầm trong tư duy ở một số nội dung của dự án luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển thẳng thắn: “Nên quản lý chặt chẽ quỹ này, phục vụ cho việc khám chữa bệnh. Phần thu được xử lý phải chặt chẽ hơn, ví dụ như 90% dành cho khám chữa bệnh. Nếu đúng là chi cho khám chữa bệnh thì chi hết, nếu còn thừa thì phải đưa về Trung ương. Quan điểm tôi không chi, chia quỹ kết dư”.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cũng mạnh mẽ phê phán quan điểm “chia” kết dư quỹ: “Kết dư với bội chi là cách hiểu của chúng ta. Đã là bảo hiểm y tế toàn dân thì không thể hiểu là bảo hiểm y tế của tỉnh tôi, huyện tôi, xã tôi, phải tinh thần mọi người vì một người, một tỉnh vì nhiều tỉnh. Cái đó là tính cục bộ địa phương của một số đại biểu Quốc hội. Phải sử dụng cho hiệu quả chứ không phải kết thúc một năm thì chia. Phải thay đổi tư duy về kết dư, là cái quỹ dài hạn”.

Đề nghị bỏ chia tuyến trong khám chữa bệnh

Nhiều ý kiến tại phiên họp đề xuất sớm thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân từ năm 2014. Ông Nguyễn Văn Hiện kiến nghị: “Toàn dân hưởng bảo hiểm y tế thì toàn dân đóng, gần như cả thế giới thực hiện như vậy. Việc này thể hiện trách nhiệm công dân, còn ai khó khăn thì có chính sách miễn giảm”. Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng, Quốc hội khoá XII ta đã đề ra đến mục tiêu 2014 thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân nhưng đến nay lại lùi lộ trình là không nên.

Tuy nhiên, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị xử lý rõ hơn việc thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân phải gắn với dẹp bỏ thủ tục quan liêu, phân chia tuyến chữa bệnh, đảm bảo cho người dân được khám chữa bệnh ở bất cứ nơi nào họ lựa chọn mà đều được thanh toán bảo hiểm y tế.

Vấn đề này được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng rất đồng tình. Chủ tịch Quốc hội nói: “Phải hạn chế tối đa việc ngăn cấm người dân. Thẻ bảo hiểm y tế toàn dân mà đến chỗ này thì được, chỗ kia không là một cách quản lý cực kỳ yếu kém. Các đồng chí đừng làm khổ dân. Tôi đề nghị bỏ hết những thứ làm khó dân. Đã có thẻ thích khám đâu thì khám”. Chủ tịch Quốc hội cũng phê phán dự án luật mới sửa đổi 26 điều mà có tới 19 điều phải có nghị định hướng dẫn là rườm rà, “không thể chấp nhận”.

Theo kết luận của chủ toạ phiên họp, phương án thực hiện bắt buộc bảo hiểm y tế toàn dân từ năm 2014 sẽ được đưa vào dự thảo, trình các đại biểu Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 7. Riêng nội dung sửa đổi liên quan tới quân đội nhân dân và công an nhân dân vẫn giữ như hiện hành, hai lực lượng này không tham gia bảo hiểm y tế toàn dân.

Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa: “Quân đội không tham gia quỹ bảo hiểm y tế là vấn đề đã thực hiện từ lâu rồi, luật cũ quy định rồi, tôi thấy hợp lý. Họp khoá XI tôi đã tranh luận. Vì quân đội tổ chức nhiệm vụ quân y, bảo đảm sức khoẻ theo tuyến theo nhiệm vụ từ phân đội chiến thuật đến chiến dịch, chiến lược, chứ không theo địa bàn và phải bảo đảm theo yêu cầu".

Theo QĐND