Tại phiên họp về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội chiều 14/9, Ban soạn thảo dự án Luật cho hay, có ý kiến đề xuất như trên nhằm giúp cơ cấu đại biểu Quốc hội hợp lý hơn, giảm số lượng đại biểu là người kiêm nhiệm các chức danh trong khối hành pháp, tư pháp.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải nói, muốn nâng cao chất lượng làm luật thì cần tăng đại biểu chuyên trách. Theo ông Hải, ở các nước phương Tây, cơ quan chuyên môn giúp Quốc hội làm luật rất chuyên nghiệp, đó thường là luật sư, những người am hiểu về luật. Trong khi số lượng đại biểu chuyên trách của Việt Nam hiện không nhiều so với tổng số đại biểu.
"Như ở Ủy ban Tài chính Ngân sách, chúng tôi nói vui theo bóng đá là đang đá đội hình 1 - 4 - 3, thiếu cầu thủ vì chỉ có 1 chủ nhiệm 4 phó chủ nhiệm, 3 ủy viên thường trực", ông Hải nói và đề xuất tăng cường chuyên gia giỏi cho các Ủy ban, như Ủy ban Tài chính ngân sách là chuyên gia tài chính, chứng khoán, ngân sách...
Để thu hút được người tài vào các ủy ban của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách nhấn mạnh phải thay đổi chế độ đãi ngộ, vì "vừa qua quy hoạch người ở các cơ quan khác về làm phó chủ nhiệm, thường trực ủy ban Tài chính Ngân sách, họ không thích, đưa vào quy hoạch rồi cũng xin rút ra".
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng phản ánh một số trường hợp "không còn chỗ nào về được nữa, người ta mới về Quốc hội". "Có người khi chúng tôi làm việc với tổ chức để quy hoạch họ về làm đại biểu chuyên trách, họ xin đừng cho em vào", bà nói.
Tuy nhiên, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, trưởng Ban soạn thảo giải thích, khoản 2 điều 23 Luật hiện hành quy định số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách "thấp nhất là 35% tổng số đại biểu Quốc hội"; như vậy, quy định này không hạn chế việc có thể bố trí số đại biểu chuyên trách nhiều hơn.
Do đó, ông Phúc cho rằng, để thực hiện yêu cầu tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách thì không cần thiết phải sửa đổi quy định của Luật, tùy trong đề án bầu cử Quốc hội từng nhiệm kỳ sẽ xác định hợp lý tỷ lệ đại biểu chuyên trách phù hợp với yêu cầu và khả năng đáp ứng của bộ máy.
"Nếu sửa đổi Luật theo hướng tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách lên mức cao hơn, trong khi chưa tính toán kỹ về nguồn nhân sự đầu vào thì sẽ rất khó khả thi", ông Phúc nói.
Luật Tổ chức Quốc hội được ban hành năm 2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016.
Quốc hội khóa IX có 37 đại biểu hoạt động chuyên trách (chiếm 9,44% tổng số đại biểu); Quốc hội khóa X có 45 đại biểu chuyên trách (chiếm 10% tổng số đại biểu Quốc hội); Quốc hội khóa XI có nhiều đổi mới cả về tổ chức và hoạt động nhưng cũng chỉ có 121 đại biểu chuyên trách (chiếm 24,3%)... Quốc hội khóa XIV có 167 đại biểu chuyên trách trong tổng số 484 đại biểu (chiếm 34,5%).