Quốc hội được đề xuất có nhiệm vụ giám sát tối cao hoạt động của Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ.
 
Theo dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân được Ủy ban Pháp luật đưa ra ngày 19/1, Quốc hội có nhiệm vụ giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; hoạt động của Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước và cơ quan khác do Quốc hội thành lập...

 

images1120627_img_7813_qh_8_jpg_3933_1421676645.jpgPhiên họp Quốc hội. Ảnh: VGP.
 
Thảo luận cho ý kiến về dự thảo luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng chỉ có Quốc hội mới có nhiệm vụ giám sát tối cao. Tuy nhiên cần làm rõ "đối tượng, phạm vi, hiệu lực, tính chất tối cao trong giám sát như thế nào, có bao gồm hành vi của cán bộ công chức, viên chức không?". Để hiệu quả của giám sát tối cao đi vào thực chất, bà Ngân đề nghị dự thảo cần bổ sung việc quy trách nhiệm của đối tượng chịu giám sát cũng như hậu quả pháp lý nếu thực hiện không đúng.
 
"Trong thực tế dường như hiệu lực, hiệu quả của giám sát không bằng thanh tra, vì nhiều vấn đề chỉ khi thanh tra vào mới được xử lý", bà Ngân nói.
 
Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cũng cho rằng dự thảo luật chưa làm rõ kết quả giám sát tối cao trình cử tri cả nước theo cơ chế như thế nào? "Hiệu lực của giám sát tối cao có gì khác so với bình thường, cần dành một điều riêng biệt thể hiện việc này...", bà Mai kiến nghị.
 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đồng tình giám sát tối cao là hoạt động của cơ quan quyền lực nên cần xem lại hiệu lực của giám sát. "Bây giờ hiệu quả giám sát chưa chắc bằng một bài báo. Tôi muốn thay đổi nhưng chưa làm được vì cần có luật để thi hành", Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.
 
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Uỷ ban pháp luật tiếp thu ý kiến và làm công phu để tiếp tục nâng cao chất lượng của dự luật.
 
Theo dự thảo , Uỷ ban thường vụ Quốc hội sẽ giám sát việc thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng, Bộ trưởng... và các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, giám sát việc trưng cầu ý dân.
 
Hội đồng dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội giám sát việc thực hiện Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội; hoạt động của Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; giám sát văn bản pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng, Bộ trưởng... thuộc lĩnh vực Hội đồng dân tộc, Uỷ ban phụ trách.
 
Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức hoạt động giám sát của Đoàn và tổ chức để đại biểu Quốc hội trong Đoàn giám sát việc thi hành pháp luật ở địa phương; văn bản pháp luật của Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; tham gia và phối hợp với Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội trong các hoạt động giám sát tại địa phương.

Theo VNE